“Không đi học hè ở nhà ai trông con?”

“Mẹ ơi, con không học múa nữa đâu, ở trường mẫu giáo con được học hát múa rồi mà!”. “Không được, con không đi học ở nhà ai trông con. Con được nghỉ hè chứ bố mẹ có được nghỉ hè cùng con đâu”...

Nếu như không ít học sinh coi 3 tháng nghỉ hè là khoảng thời gian tuyệt vời nhất khi được tạm gác sách vở để vui chơi giải trí sau một năm học thì cũng rất nhiều học sinh khác lại tiếp tục bước vào các khóa học thêm ngoại ngữ, năng khiếu, học văn hóa trước chương trình... với sự bắt buộc của cha mẹ. Chẳng thế mà sự “quá tải” đang trở thành tình trạng chung của hầu hết các cung thiếu nhi, nhà văn hóa lớn.

Học hè có thực sự cần thiết hay chỉ là một cách tính toán “gửi con” của phụ huynh trong những tháng hè không có nhà trường quản lý? Câu trả lời đã quá rõ bởi nếu học hè thực sự cần thiết thì ngành giáo dục từ lâu đã không có “khái niệm” nghỉ hè.

Học hè hay “gửi trẻ”?

Cháu Hà Anh con chị Hà vừa đi theo mẹ đến đăng ký học năng khiếu môn múa vừa phụng phịu “Mẹ ơi, con không học múa nữa đâu, ở trường mẫu giáo con được học hát múa rồi mà!”. “Không được, con không đi học ở nhà ai trông con. Con được nghỉ hè chứ bố mẹ có được nghỉ hè cùng con đâu”. Vậy là chị đăng ký cho con học năng khiếu với một lý do rất đơn giản chỉ để tìm chỗ gửi con trong khoảng thời gian nhà trường cho học sinh nghỉ hè.

Thế nhưng, khác với chị Hà, vợ chồng chị Bình năm nay nhất định không cho con theo học vẽ nữa. Năm ngoái con trai chị theo học lớp vẽ ở một trung tâm dạy nghệ thuật khá nổi tiếng song sau mỗi buổi chị hỏi con được học gì thì gần như buổi nào cháu cũng trả lời: “Thi thoảng con được thầy đến tận nơi hướng dẫn còn lại thầy giao đề tài chung cho cả lớp tự ngồi vẽ đến hết giờ, bố mẹ đón về”. Cũng bực mình lắm, nhưng vợ chồng chị chỉ biết tự an ủi con bằng cách lý giải “Lớp đông, thầy làm sao hướng dẫn hết được các con”.

Từ thực tế của việc học hè cho thấy, bên cạnh các bậc phụ huynh quá kỳ vọng vào các khóa học hè thì cũng không ít phụ huynh chẳng quan tâm con mình được học như thế nào mà chỉ đơn thuần coi đây như một chỗ để gửi trẻ.

Quá tải các trung tâm học năng khiếu

Điển hình trong các đơn vị bị quá tải học sinh phải kể đến Cung thiếu nhi Hà Nội. Mỗi năm Cung thiếu nhi Hà Nội phải tiếp nhận từ 18.000 nghìn đến 20.000 nghìn lượt cháu đến sinh hoạt. Không chỉ các lớp hoc tiếng Anh, hay luyện chữ đẹp mà các lớp học năng khiếu cũng rơi vào tình trạng “cung không đáp ứng đủ cầu”.

Một lý do cũng khiến Cung thiếu nhi Hà Nội luôn rơi vào tình trạng quá tải trong dịp hè bởi giờ đây học năng khiếu không chỉ là nhu cầu mong muốn của các gia đình khá giả mà nó đã trở thành phong trào trong các bậc phụ huynh. Không ít gia đình ở tận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đông Anh.... cũng cất công chở con đến tận Cung thiếu nhi Hà Nội để xin học.

Bên cạnh đó việc thiếu vắng các nhà văn hoá tuyến quận huyện nên phụ huynh có nhu cầu cũng chỉ biết đến mỗi Cung thiếu nhi, còn những trung tâm tư nhân cũng có nhiều nhưng vì bài toán kinh tế cũng buộc các gia đình phải tính toán.

Nếu như năm ngoái, số đầu môn học được Cung thiếu nhi Hà Nội tuyển sinh chỉ vào khoảng hơn 40 môn thì năm nay con số này đã tăng lên đến hơn 50 môn để đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú của học sinh và phụ huynh. Tuy vậy, theo các cán bộ làm công tác tuyển sinh ở đây các môn nghệ thuật như: múa, hát, vẽ, oócgan, bóng bàn, thể dục nhịp điệu, khiêu vũ thể thao... thường có số học sinh đăng ký vượt trội.

Thậm chí một số môn khá “hot” là oócgan, dẫn chương trình (MC), võ, khiêu vũ thể thao... chỉ sau một tuần tuyển sinh đã hết sạch chỗ. Đặc biệt, với môn giao tiếp ứng xử đã được tăng từ 13 lớp năm 2007 lên 43 lớp năm nay mà vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu theo học.

Xu hướng học năng khiếu trong hè ngày càng tăng lên khiến các lớp học này của Cung thiếu nhi Hà Nội gần như năm nào cũng rơi vào tình trạng quá tải học sinh. Nhiều em đăng ký đến 3 môn học, mỗi môn học hai buổi một tuần. Với một thời gian biểu khít như vậy các em gần như có mặt đủ cả tuần tại nơi học năng khiếu và học trọn vẹn cả 3 tháng được nghỉ.

Cũng vì quá tải nên thực tế đã diễn ra cả tình trạng phụ huynh chọn thầy, chọn lớp học năng khiếu cho con em mình y như kiểu học văn hoá, bất chấp lớp đó đã quá đông học sinh. Một số thầy cô giáo được phụ huynh tin tưởng “chọn mặt gửi vàng” cũng vì thế mà khá vất vả trong việc chạy sô từ địa điểm này đến lớp nọ dạy thêm.

Lệ phí học hè của các em cũng chẳng rẻ chút nào. Nhạc dân tộc, Hán - Nôm là 2 môn học có mức thu thấp nhất với giá 180.000đ/3tháng/tuần 2 buổi. Còn lại các môn khác đều có mức giá từ 210.000đồng tới 450.000đồng cho 3 tháng học và học một tuần từ 1-2 buổi. Còn một vài môn thì có mức thu khá “ấn tượng” như: Piano chất lượng cao 660.000đồng/3tháng/tuần 1buổi; Thuật toán 600.000đồng/3tháng/tuần 1buổi; Môn tiếng anh trực tuyến có mức thu kỷ lục hơn cả lên tới 900.000đồng/3tháng/tuần 2 buổi.

Tuy nhiên, bên cạnh những bộ môn chen nhau theo học thì một số môn học truyền thống như nhạc cụ dân tộc lại khá thưa thớt người học. Môn Nghi thức đội, ngay cả khi miễn hoàn toàn học phí thì cũng rất khó khăn trong việc tuyển học sinh bởi tâm lý của phụ huynh bao giờ cũng muốn biến con mình thành những “thần đồng” trong lĩnh vực âm nhạc, hội họa, ca hát... hơn là một học sinh biết đánh trống nghi thức đội.

Học năng khiếu - Có cần thiết?

Theo một số giáo viên dạy năng khiếu, việc học thêm năng khiếu cho các học sinh không chuyên chỉ thực sự cần thiết khi học sinh đó có năng khiếu và ít nhất từ 10 tuổi trở lên. Không nên ép buộc các cháu phải học những môn năng khiếu khi bản thân không có năng khiếu và không yêu thích. Việc ép buộc phải học không thể giúp cho các cháu có thêm năng khiếu mà còn gây ra hiệu ứng ngược rất ghét học hoặc có học thì cũng chỉ “học đối phó”.

Với sự quá tải trong các lớp học năng khiếu dịp hè, mặc dù các giáo viên giảng dạy đều là các giáo viên giỏi được tuyển chọn tại các trường nghệ thuật và có tấm lòng yêu trẻ nhưng không vì thế mà cháu nào theo học cũng có thể thành tài. Giáo viên có thể soạn giáo án và giảng dạy theo giáo án nhưng cứ thử hình dung, mỗi lớp có từ 20 học sinh trở lên theo quy định của từng môn (chưa kể các lớp đông hơn) với độ tuổi từ 5- 14 tuổi, cô giáo phải vừa dạy vừa giỗ để các cháu giữ trật tự và tập trung vào học đã là việc khó. Đấy là chưa kể, học được một buổi, học sinh lại nghỉ đến vài buổi thì làm sao có thể tiếp thu đầy đủ và giảng dậy đúng giáo án.

Một giáo viên dạy năng khiếu đã thẳng thắn phát biểu rằng: “Chúng tôi luôn coi việc dạy năng khiếu cho các cháu trong hè như một hình thức để các cháu có chỗ đến và sinh hoạt vui chơi. Có chăng đây chỉ là nơi phát hiện năng khiếu ban đầu của các cháu. Đừng quá kỳ vọng các cháu sẽ thành tài ngay từ các lớp học năng khiếu trong hè.
Với những em có năng khiếu thực sự chúng tôi đã có chế độ tuyển chọn đào tạo kỹ lưỡng và tách lớp riêng để bồi dưỡng và rèn luyện bồi dưỡng đúng chế độ cho các cháu. Việc học năng khiếu trong hè chỉ thực sự cần thiết khi các em có năng khiếu thực sự và trên 10 tuổi - lứa tuổi có khả năng tiếp nhận tốt nhất”

Các bậc phụ huynh nên suy nghĩ kỹ và có sự hiểu biết nhất định trong vấn đề học năng khiếu. Không nên chỉ vì cần một chỗ gửi trẻ trong những ngày nghỉ hè hay kỳ vọng quá nhiều vào việc học năng khiếu mà ép các cháu đi học. Trước khi trở thành một học sinh giỏi toàn diện từ văn hoá đến các bộ môn năng khiếu thì việc cần thiết nhất vẫn là cho các em khoảng thời gian thư giãn bổ ích, nghỉ ngơi để có thêm sức khỏe từ đó mới có thể tiếp nhận những kiến thức một cách tốt nhất.

Đừng biến những ngày nghỉ hè của con em mình thành tháng hè học năng khiếu kinh hoàng.

Theo Giáo dục & Thời đại