Không ít tiến sĩ Việt Nam còn kém ngoại ngữ?

(Dân trí) - Theo dự thảo quy chế đào tạo tiến sĩ, điều kiện tuyển sinh yêu cầu thí sinh có trình độ tiếng Anh tối thiểu là TOEFL 450 hoặc IELTS 5.0. Tuy nhiên, không ít người tỏ ra e ngại, thậm chí còn cho là “chơi khó” nghiên cứu sinh.

GS Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng đã không ngần ngại khi nêu lên thực trạng rằng, sĩ quan quân đội yếu ngoại ngữ vì họ không được học đến nơi đến chốn!

 

Còn PGS Nguyễn Văn Cảnh, Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát Nhân dân đánh giá thi ngoại ngữ đầu vào là “chơi khó” thí sinh. Cùng đó, yêu cầu nghiên cứu sinh phải đáp ứng được đủ điều kiện về ngoại ngữ sau khi đã hoàn thành chương trình cao học cũng vẫn là... “chơi khó”, vì thông thường học viên chỉ học khoảng 180 tiết ngoại ngữ.

 

Tình trạng này cũng không chỉ riêng tại các ĐH, Học viện của Quốc phòng hay An ninh. Tại nhiều trường đại học khác, không khí học ngoại ngữ cũng khá... xuề xoà. Không được mạnh dạn như khối các trường trên, một đại biểu của trường ĐHQG Hà Nội cho hay: "Đến những môn “tay phải” của thí sinh còn chưa thể kiểm soát nổi, huống hồ là những môn vốn được xem như điều kiện bổ trợ cho đủ như là môn ngoại ngữ!"

 

Tuy nhiên, kêu thì kêu là vậy nhưng trong một cuộc trao đổi ngắn với Dân trí, lãnh đạo của một trường ĐH lớn tại Hà Nội “vui vẻ” kết luận: Quy chế cứ đề ra như thế nhưng các nghiên cứu sinh dư sức khi biết lách luật thế nào!

 

Giải thích cho việc tại sao phải đề ra luật có vẻ rất khắt khe nhưng thực tế thì... không phải là vậy, vị lãnh đạo này cho rằng bởi chúng ta đang có quá nhiều tiến sĩ “giấy” mà chưa có cách gì khắc phục được, cứ đề ra vậy cho “an” dân, sau đó rồi dần dần cũng thực hiện được thôi và chất lượng của tiến sĩ khắc được nâng lên! Còn lúc nào thực hiện được thì đó là vấn đề thời gian! Cứ có Quy chế cho quy củ đã!

 

Quả thật, trong bản dự thảo mới đây nhất về Quy chế đào tạo tiến sĩ, tại mục 6 điều 8 cũng đề ra quy định thí sinh nghiên cứu sinh có thể đăng ký một trong bốn ngoại ngữ khác là Nga, Pháp, Đức, Trung nếu đề tài nghiên cứu của mình thuộc chuyên ngành cần đến ngoại ngữ này. Thủ trưởng cơ sở đào tạo tiến sỹ phải xác định những chuyên ngành cần có ngoại ngữ khác với tiếng Anh và yêu cầu về chứng chỉ đảm bảo trình độ sử dụng tương đương.

 

Đáng buồn, thực tế tình trạng yếu kém về ngoại ngữ không chỉ của nghiên cứu sinh mà còn ngay cả trong... giảng viên của  nghiên cứu sinh! Báo cáo của Vụ ĐH và SĐH Bộ GD- ĐT đánh giá về công tác đào tạo SĐH đã không thể không thừa nhận rằng yếu kém lớn nhất của đội ngũ giảng viên nhiều năm qua là thiếu khả năng và thực tiễn hoạt động nghiên cứu khoa học, chưa thường xuyên tiếp cận những kiến thức chuyên môn mới, hiện đại. Nguyên nhân trực tiếp của thực trạng này, đương nhiên là vì đuối ngoại ngữ nên khó có thể tự đọc dịch tài liệu tham khảo và tham gia các hoạt động quốc tế về chuyên môn phục vụ cho giảng dạy!

 

 

Mai Minh - Hồng Hạnh

Dòng sự kiện: Đào tạo tiến sĩ