Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2006:

Không nên căn cứ tỉ lệ "chọi" để chọn trường

Ngày 10/3 là thời điểm các thí sinh bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2006. Năm nay, trong Quy chế tuyển sinh cũng có một số thay đổi đáng chú ý.

Ông Đỗ Duy Dự - Uỷ viên thường trực Ban Chỉ đạo tuyển sinh Bộ GD - ĐT đã giải thích thêm về những điểm này.

 

Năm 2005, đã có rất nhiều thí sinh (TS) nhầm tưởng mục 16 (nơi TS ghi NV1 vào học ở trường không tổ chức thi) là để ghi NV2. Mẫu hồ sơ đăng ký dự thi năm nay có khắc phục được việc này không, thưa ông?

 

TS cần hết sức lưu ý khi điền hồ sơ đăng ký dự thi, để không nhầm lẫn mục 2 và mục 3. So với hồ sơ năm 2005, hồ sơ năm nay có sự khác biệt là mục 16 (mục ghi NV1 của những TS vào những trường không tổ chức thi) đã được chuyển lên thành mục 3. Theo đó, mục 2 là nơi TS ghi trường mình sẽ dự thi (tất cả các TS đều phải ghi mục 2). Còn mục 3 là mục ghi trường mà TS có NV1 vào học ở những trường ĐH không tổ chức thi hoặc hệ CĐ của trường ĐH. Những TS này sau khi đã ghi mục 2 phải ghi thêm mục 3, chứ đây không phải là mục ghi NV2. Những TS có NV1 vào những trường có thi tuyển sinh không phải khai mục 3 này.

 

Từ năm 2006, Bộ GDĐT bỏ chế độ cộng điểm thưởng khi thi tuyển sinh đối với học sinh tốt nghiệp THPT loại giỏi. Tuy nhiên, theo lãnh đạo bộ thì vẫn sẽ có một số TS diện này được cộng điểm thưởng. Vậy trường hợp nào được thưởng điểm, và mức điểm thưởng là bao nhiêu?

 

Khi bộ quyết định bỏ điểm thưởng đối với TS tốt nghiệp THPT loại giỏi, cũng còn có nhiều ý kiến băn khoăn là có những HS thực sự học giỏi, thi tốt nghiệp đạt loại giỏi mà không được thưởng điểm thì thiệt thòi. Vì vậy, có thể Bộ trưởng Bộ GDĐT sẽ xem xét những trường hợp như thế để thưởng điểm. Ví dụ là những em thi tốt nghiệp THPT mà cả 6 môn đều được điểm 10 (tổng cộng 60 điểm)... Khi đó, các sở GDĐT có trách nhiệm lập danh sách báo cáo lên bộ, và Bộ trưởng sẽ xem xét, quyết định theo từng trường hợp cụ thể.

 

Năm nay, có thêm 2 đối tượng vừa được bổ sung vào danh sách các đối tượng ưu tiên tuyển sinh là "con của người hoạt động cách mạng trước 1.1.1945" và "con đẻ của những người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học, được UBND cấp tỉnh xác nhận là bị dị dạng, dị tật, suy giảm khả năng lao động học tập". Những đối tượng vừa được bổ sung cần làm thủ tục gì để được hưởng ưu tiên khi tuyển sinh, thưa ông?

 

Nếu những người thuộc đối tượng trên có đủ giấy tờ chứng minh, được UBND cấp tỉnh xác nhận đúng hoàn cảnh gia đình, tình trạng sức khoẻ của mình thì các trường ĐH, CĐ sẽ thực hiện chế độ ưu tiên.

 

TS thuộc diện ưu tiên bị dị dạng, dị tật... muốn đăng ký dự thi (ví dụ vào trường A), nhưng bị trường từ chối thì giải quyết thế nào, thưa ông?

 

Khi TS thuộc diện người tàn tật đăng ký dự thi, hiệu trưởng nhà trường sẽ xem xét cụ thể yêu cầu của ngành đào tạo và tình trạng sức khoẻ của người đó để quyết định có chấp nhận cho thi tuyển hay không. Cũng có những TS thuộc diện ưu tiên còn được xét tuyển thẳng vào trường, không cần qua thi tuyển.

 

Hiện nay, đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký dự thi, nhưng nhiều TS vẫn rất lúng túng trước những thông tin về tỉ lệ "chọi", điểm trúng tuyển của các trường... Ông có lời khuyên gì cho các em?

 

Theo tôi, bên cạnh việc căn cứ học lực và sở thích, TS nên chọn trường, chọn ngành theo điểm trúng tuyển của ngành đó, trường đó qua các kỳ tuyển sinh trước. Tỉ lệ "chọi" không phản ánh chính xác là ngành, trường đó thi dễ hay thi khó. Chẳng hạn, các trường thuộc nhóm trên như Ngoại thương, Bách khoa, Y Hà Nội... có tỉ lệ "chọi" rất thấp, nhưng TS dự thi vào đó đều thuộc loại "sừng sỏ", điểm trúng tuyển rất cao. Nếu TS không lượng đúng sức mình, mà chỉ căn cứ tỉ lệ "chọi" thấp của những trường để dự thi là rất mạo hiểm.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Theo Hạnh Ngân

Lao Động