Không nên coi sách giáo khoa là pháp lệnh

(Dân trí) - Thời đại hiện nay là thời đại của tư duy sáng tạo. Vì vậy “quản lý” đang thay đổi từ vai trò “kiểm soát” sang “giải phóng sức sáng tạo”.

Quản lý giáo dục càng phải như vậy khi mà UNESCO đã điều chỉnh “học để tự khẳng định mình” thành “học để sáng tạo”, coi nhân cách sáng tạo” là nhân cách toàn diện bao trùm lên, cao hơn nhân cách toàn diện mà trước đây ta hay nói đến mục tiêu đào tạo ở  trường phổ thông.

 

Theo tinh thần “giải phóng sức sáng tạo” thì người giáo viên chỉ nên coi sách giáo khoa là tài liệu tham khảo, miễn sao thực hiện đúng chương trình. Chẳng hạn, người giáo viên có thể thay đổi cách tiếp cận một khái niệm khoa học mới, có thể không theo trật tự “trước, sau” để trình bày nội dung giảng dạy theo quá trình sách giáo khoa, cũng không phải tuân theo số tiết học dành cho từng bài, từng chương sách giáo khoa. Bởi lẽ tác giả sách giáo khoa, dù có giỏi đến mấy, cũng chỉ là một người, còn giáo viên và học sinh là số đông, trong đó có nhiều người rất sáng tạo.

 

Ngay học sinh cũng có những em có thể phát hiện ra những chỗ chưa hay trong sách giáo khoa. Điều đó cũng dễ hiểu vì khả năng sáng tạo không phụ thuộc nhiều vào học vấn cao, thấp mà phục thuộc nhiều vào việc chiến thắng được đến đâu cái gọi là “sức ì tâm lý”, dù cho học vấn cao là một thuận lợi cho sự sáng tạo.

 

Cho nên, việc không coi sách giáo khoa là pháp lệnh chỉ là bước khởi đầu cởi trói cho giáo viên khỏi bị ràng buộc bởi sách giáo khoa, mở đường cho giáo viên phổ thông cũng sẽ có thể có những đề tài nghiên cứu xứng đáng, nhất là ngày nay đã có một bộ phận giáo viên phổ thông trên chuẩn. Nhưng rồi phải nhanh chóng cung cấp cho họ công cụ dùng để sáng tạo gọi là “sáng tạo học” (STH).

 

STH có đặc điểm là nhiều người trình độ khác nhau có thể cùng học chung một giáo trình. Trong thực tế Việt Nam hiện nay, những học viên có trình độ tú tài đến tiến sĩ đều học chung một giáo trình sơ cấp, vì dù là tú tài hay tiến sĩ, môn học đều mới. Sau khi học xong, mỗi người sẽ vận dụng thành công nhiều hay ít vào lĩnh vực các hoạt động quen thuộc của mình.

 

Sở dĩ như vậy vì các quy luật sáng tạo là như nhau ở hai người có học vấn khác nhau. Ví dụ, một học sinh lớp 1 biết thay 9 bằng 10-1 để thực hiện hai phép “cộng 10” và “trừ 1” là hai phép dễ không cần đến que tính trong lúc mà phép “cộng 9” là khó, vì 9 là số lớn (đối với học sinh lớp 1) phải dùng que tính mới làm được phép cộng thêm 9.

 

GS - VS Nguyễn Cảnh Toàn