Thi tốt nghiệp THPT 2009:

Không nên lệ thuộc vào Cấu trúc đề thi và Hướng dẫn ôn tập

(Dân trí) - Cấu trúc đề thi và Hướng dẫn ôn tập thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT chỉ là kiến thức bổ trợ để học sinh tham khảo, học sinh không nên quá lệ thuộc vào văn bản này.

 Ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, khẳng định như vậy. 

Được biết, sau khi Bộ GD-ĐT ban hành Cấu trúc đề thi tốt nghiệp (của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng) và Hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp (của Vụ Giáo dục trung học) thì đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của giáo viên và học sinh vì độ “vênh” của hai văn bản. Theo đó, Cấu trúc đề thi 2009 có nhiều nội dung nằm trong chương trình THPT nhưng trong Hướng dẫn ôn tập lại không có.

Ông Nghĩa khẳng định, Cấu trúc đề thi và Hướng dẫn ôn tập chỉ là các tài liệu bổ trợ để thí sinh tham khảo trong quá trình ôn tập. Vì trong quy chế đã nói rõ: Nội dung thi nằm trong chương trình trung học phổ thông, chủ yếu là chương trình lớp 12.

Giáo viên và học sinh nên hiểu rằng, Quy chế thi mới có tính pháp lý cao nhất. Do vậy, học sinh phải theo quy chế ôn tập tất cả nội dung trong chương trình học, không bỏ qua bất cứ nội dung nào. 

Các địa phương không nên cho học sinh ôn tập theo nội dung trong Cấu trúc đề thi vì nội dung đó chỉ minh họa cấu trúc đề thi để học sinh tham khảo - ông Nghĩa khẳng định.
 

Bộ GD-ĐT hướng dẫn thêm về ôn tập môn Toán

 

Khi vừa ban hành Hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp, Bộ đã nhận được nhiều ý kiến của giáo viên về môn Toán như kiến thức “điểm uốn của đồ thị” nằm trong phần đọc thêm của SGK nhưng trong hướng dẫn ôn tập lại yêu cầu “mọi học sinh học về điểm uốn”.

 

Do vậy, ngày 5/5, Bộ GD-ĐT đã ban hành hướng dẫn thêm về ôn tập môn Toán:

 

Bộ GD-ĐT cho biết: Chương trình môn Toán nêu không cụ thể, chi tiết, chương trình chuẩn (trang 143, 144), chương trình nâng cao (trang 217,218) môn Toán lớp 12 về chủ đề “Ứng dụng đạo hàm để khảo sát và vẽ đồ thị của hàm số”, đã nêu chuẩn kiến thức, kỹ năng giống nhau và đều không nói đến điểm uốn.

 

Tuy nhiên, SGK viết theo chương trình nâng cao lại trình bày khái niệm điểm uốn trong mục “điểm uốn của đồ thị”, còn SGK viết theo chương trình chuẩn thì trình bày khái niệm điểm uốn trong bài đọc thêm “Cung lồi, cung lõm và điểm uốn”.

 

Bộ GD-ĐT hướng dẫn: Yêu cầu bắt buộc để vẽ chính xác đồ thị là phải xác định một số điểm đặc biệt của đồ thị, chẳng hạn như giao điểm của đồ thị với các trục toạ độ; điểm uốn của đồ thị cũng là điểm đặc biệt cần xác định để vẽ chính xác đồ thị. Khái niệm điểm uốn, cách xác định điểm uốn cũng đơn giản hơn so với khái niệm cực trị và cách xác định điểm cực trị học sinh được học trong chủ đề này.

 

 Mặt khác, có những bài tập không nói đến điểm uốn nhưng vẫn phải sử dụng điểm uốn mới giải được, hoặc dễ làm hơn (ví dụ, xác định tâm đối xứng của đồ thị hàm số bậc 3, có hay không điểm duy nhật thuộc đồ thị hàm số bậc ba, mà qua điểm đó, kẻ được tiếp tuyến duy nhất với đồ thị).

 

Trong văn bản hướng dẫn lần này, Bộ GD-ĐT cũng cho rằng: Hướng dẫn ôn tập đã yêu cầu học sinh nắm được khái niệm điểm uốn trong khi ôn tập chuẩn bị kiến thức, kỹ năng.

 

Tuy nhiên, SGK cũng lưu ý: có thể bỏ qua việc xác định điểm đặc biệt nào đó của đồ thị nếu việc tính toán để xác định điểm đặc biệt đó quá phức tạp, điểm uốn của đồ thị cũng nằm trong lưu ý này.
 

Chính vì vậy,  trong quá trình ôn tập, các trường khi ôn tập khái niệm “điểm uốn” trong môn Toán chỉ dành không quá 15 phút làm cho học sinh nhớ khái niệm và cách tính toạ độ điểm uốn, không hướng dẫn sâu lý thuyết.

 Hồng Hạnh