Không phân biệt trường mầm non công lập, dân lập, tư thục

(Dân trí) - Để chấn chỉnh hoạt động của giáo dục mầm non, sau khi ban hành chuẩn giáo viên mầm non, Bộ GD- ĐT vừa tiếp tục ban hanh điều lệ trường mầm non với 7 chương, 48 điều trong đó có hàng trăm quy định về loại hình giáo dục này.

Đặc biệt, để giảm tải cho sức ép của các trường mầm non công lập trong tình trạng thiếu trường trầm trọng như hiện nay vì tâm lý muốn học trường công của bác bậc phụ huynh, điều 7 trong điều lệ trường mầm non vừa được ban hành có quy định rất rõ về tên gọi: Không ghi loại hình nhà trường, nhà trẻ công lập, dân lập hay tư thục.

Điều lệ cũng quy định rất rõ trường mầm non chỉ được mở khi có từ ba nhóm trẻ, lớp mẫu giáo trở lên với số lượng ít nhất 50 trẻ em và có không quá 15 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo. Trong thời hạn 45 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, UBND cấp huyện ra quyết định thành lập đối với nhà trường, nhà trẻ công lập hoặc cho phép thành lập đối với nhà trường, nhà trẻ dân lập, tư thục theo quy định.

Trường hợp chưa quyết định thành lập nhà trường, nhà trẻ hoặc chưa cho phép thành lập nhà trường, nhà trẻ, UBND cấp huyện có văn bản thông báo cho phòng GD- ĐT biết rõ lý do và hướng giải quyết.

Trường mầm non cũng phải có trách nhiệm nhận trẻ em trong độ tuổi từ 3 tháng đến 6 tuổi. Theo đó, nhóm trẻ từ 3 đến 12 tháng tuổi được nhận tối đa 15 trẻ; nhóm trẻ từ 13 đến 24 tháng tuổi: 20 trẻ; nhóm trẻ từ 25 đến 36 tháng tuổi: 25 trẻ.

Đối với lớp mẫu giáo: Trẻ em từ 3 tuổi đến 6 tuổi được tổ chức thành các lớp mẫu giáo. Số trẻ tối đa trong một lớp mẫu giáo được quy định: Lớp mẫu giáo 3- 4 tuổi: 25 trẻ; Lớp mẫu giáo 4-5 tuổi: 30 trẻ; Lớp mẫu giáo 5 - 6 tuổi: 35 trẻ.

MM