Quảng Nam:

Khu nội trú bỏ hoang, học sinh phải thuê nhà trọ

(Dân trí) - Khu nội trú Trường THPT Quang Trung (thị trấn P’rao, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) được đầu tư kiên cố bị bỏ hoang. Trong khi nhiều học sinh dân tộc thiểu số từ các xã vùng cao băng rừng, vượt suối rời làng lên “thị” theo đuổi con chữ phải lặn lội tìm thuê nhà trọ.

Khu nội trú bỏ hoang, học sinh phải thuê nhà trọ
Các em học sinh Trường THPT Quang Trung (thị trấn P’rao, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) rời làng lên thị trấn học tập. 

Rời làng lên thị trấn “đón” chữ

Sau một giờ học tại Trường THPT Quang Trung (thị trấn P’rao, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam), chúng tôi theo chân những nhóm học sinh (HS) tìm đến khu nhà trọ nằm cách trường vài trăm mét.

Đó là một cái quán ăn Phụng Tưởng của vợ chồng ông Đỗ Phú Tưởng, thị trấn P’rao, bên cạnh là dãy nhà trọ đươc ông bà xây cho HS thuê trọ gần 5 năm nay và đã xuống cấp, nhiều chỗ đã tróc sơn, ẩm thấp…
 
Video: Học sinh Trường THPT Quang Trung (thị trấn P’rao, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) ở tại khu nhà trọ gần trường. (Thực hiện: Nguyễn Trang)

Nhà trọ gồm 5 phòng, mỗi phòng chừng 15m2, có tất cả 12 HS thuê trọ, giá 600 nghìn đồng/tháng. Hầu hết các em đều ở ghép với nhau để “lợi” kinh tế.

Trò chuyện với các em, chúng tôi thấu hiểu nỗi khổ của HS nơi đây, lặn lội băng rừng, vượt suối, các em từ khắp nơi đổ về thị trấn để theo đuổi con chữ, mỗi em là một câu chuyện nhưng chung quy lại vẫn là chữ nghèo.

Em A Rất Biên (lớp 11, Trường THPT Quang Trung), quê ở thôn K8 (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang), hiện ở cùng phòng với 3 người bạn, đã lặn lội hơn 20 km đến thị trấn P’rao. Em A Rất Biên cho biết, ba mẹ em đều làm rẫy, kinh tế gia đình khó khăn chẳng thể nuôi em ăn học. Năm lên lớp 10, em thuê trọ tại một quán cà phê và tranh thủ thời gian buổi tối em làm thêm phục vụ tại quán. Em nói: “Hồi ấy, em không tìm được nhà trọ, một mình tự đi rồi tìm vô quán cà phê gần trường xin ở. Em xin làm phục vụ ở đó, mỗi tháng em chỉ đủ chi tiền thuê trọ, gần như làm không công”. Đến năm lớp 11, em chuyển trọ đến phòng trọ kiêm quán ăn của ông Tưởng.

Còn em A Lăng Thị Hiền (lớp 11, Trường THPT Quang Trung), quê xã Ma Cooih, huyện Đông Giang, cách thị trấn P’rao khoảng 22km, em cho biết: “Gia đình ba mẹ làm rẫy, năm lớp 10, em ở ký túc xá trường nhưng đến năm lớp 11 em đi thuê trọ ở, em phải tìm nhà trọ rất xa, vừa đi bộ vừa kiếm vì em không có xe đạp để đi lại, may mắn là em tìm được một phòng ở nhà trọ ông chủ Tưởng”. Chúng tôi hỏi hết 12 em thì hầu hết các em đều có hoàn cảnh khó khăn, ba mẹ làm rẫy, làm keo cho người ta.

Mỗi mùa mưa, bếp bị ướt, các em không thể nấu ăn
Mỗi mùa mưa, bếp bị ướt, các em không thể nấu ăn.

"Nhìn cảnh các em ăn cơm với muối mà đau lòng"

Căn nhà trọ gồm 5 phòng, ẩm thấp và thiếu ánh sáng, nhưng để tiết kiệm tiền điện, các em phải tắt bóng điện và chỉ bật sau hơn 6 giờ tối.

Em A Lăng Thị Oanh (lớp 12, Trường THPT Quang Trung), quê thôn A Sờ (xã Ma Cooih, huyện Đông Giang) chia sẻ: “Chúng em phải nấu ăn bằng củi, thường thì các phòng trọ “chung chi” với nhau, các bạn nam đi lấy củi, còn nữ thì nấu rồi cùng ăn chung với nhau để tiết kiệm. Khó khăn nhất là mỗi mùa mưa, đất ẩm ướt, không thể nấu được. Em và các bạn đều đi bộ, mà ở thị trấn không có xe buýt nên em không thể về nhà thường xuyên. Cứ khoảng 1 tháng, ba mẹ nhờ người chở lên thăm em và cho ít tiền trọ học”.

Không chỉ thế, việc chi tiêu với những HS nghèo vùng cao lại càng khó khăn. Em A Rất Biên cho biết: “Ba mẹ làm rẫy, mỗi tháng ba mẹ chỉ gửi cho 300-400 nghìn đồng, trong khi 600 nghìn đồng/phòng, 4 bạn chia nhau 150 nghìn đồng/người. Và cả tháng chỉ còn có hơn 200 nghìn để chi tiêu, em phải làm thêm phụ bán bún cho bà chủ”.

Cô giáo Đinh Ngọc Thúy, phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung, chia sẻ: “Tôi là người gần HS nhất vì tôi vốn lớn lên tại Đông Giang, đã không biết bao lần tôi chứng kiến cảnh các em ăn cơm với muối, thấy mà đau lòng. Thầy cô ở đây, mỗi lần có chuối, gạo mang lên cho chia sẻ cho HS khó khăn”.

Thầy Nguyễn Văn Ngọc, hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung, chia sẻ với khó khăn của học trò, bởi chính thầy cũng là một giáo viên tại huyện Duy Xuyên, (Quảng Nam) lên vùng cao công tác. Thầy Ngọc cho biết: “Toàn trường hiện có 450 HS chia làm 11 lớp, trong đó có 264 HS cách trường trên 6km và hầu hết các em đều thuê trọ”.

Dù khó khăn nhưng các em học sinh dân tộc thiểu số rất cố gắng học tập
Dù khó khăn nhưng các em học sinh dân tộc thiểu số rất cố gắng học tập.

Được sự quan tâm của nhà nước, có 249 HS được trợ cấp 15kg gạo/tháng/HS. Hiện tại, từ đầu năm đến nay, trường đã cấp 50kg/HS, còn lại qua năm sẽ tiếp tục cấp. “Hàng tuần, đoàn trường đều xuống thăm hỏi, động viên các em cố gắng học tập, nhà trường cũng hỗ trợ qua các chương trình dành cho HS có thành tích tốt trong học tập phần nào giúp các em vượt qua giai đoạn khó khăn” - thầy Ngọc chia sẻ.

Theo thông tin từ phía hiệu trưởng, Trường THPT Quang Trung có một khu nội trú, nhưng mới  bị bỏ hoang từ đầu năm 2014 và dự kiến sẽ xây mới một ký túc xá khác. Do đó toàn bộ HS ở xa phải trọ học.

(còn nữa)

Nguyễn Trang