Khủng hoảng, tranh thủ học MBA

Trước tình hình nền kinh tế đang trầm lắng, rất nhiều người làm công ăn lương ở Mỹ cho rằng đây là thời điểm lý tưởng để… quay lại ghế nhà trường.

Dù là nạn nhân của làn sóng sa thải trong lĩnh vực tài chính. Dù là lo lắng chỗ làm của mình bị lung lay. Hay không trực tiếp bị đe dọa, nhưng nhiều người lại thấy đây là lúc tốt nhất để hoàn thiện học vấn bởi các cơ hội thăng tiến đang đến gần.

 

Năm vừa rồi, số sinh viên đăng ký vào trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York đã tăng thêm 30%. Lượng hồ sơ gửi đến trường Quản lý Kellogg thuộc Đại học Northwestern, bang Illinois, cũng tăng thêm 22%.

 

Tại trường Kinh doanh Graduate thuộc Đại học Chicago, những yêu cầu cung cấp thông tin về trường trên trangweb nhiều đến mức không thể kiểm soát nổi. Và tại trường Kinh doanh Ross thuộc Đại học Michigan, lượng sinh viên tiềm năng kéo đến thăm học xá tăng gấp đôi.

 

Những con số này khẳng định xu hướng giống như trong các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây. Lượng sinh viên đăng ký vào các trường kinh tế đi ngược lại tình hình kinh tế.  

 

Nhưng khi những sinh viên bắt đầu học MBA vào năm nay có được tấm bằng thì thị trường lao động đã khác “nay” rồi.

 

Stacey Kole, phụ trách chương trình MBA tại trường Kinh doanh Graduate, dự đoán: “Có thể thị trường vẫn luôn cần những nhà quản lý quỹ và những người có năng lực trong ngành ngân hàng, nhưng không phải trong cùng những doanh nghiệp như hiện nay. Những người hiện nay hy vọng làm tại Wall Street có lẽ sẽ đến làm tại Main Street (con phố của thương mại và công nghiệp), nhưng họ vẫn sẽ làm những công việc của một nhân viên tài chính”.

 

Các sinh viên năm nay cần phải tính đến một yếu tố khác: việc thắt chặt tín dụng đã tác động đến thị trường cho vay tín dụng. Mark Kantrowitz, Tổng biên tập của Finaid.org, một trang web chuyên về trợ giúp tài chính cho sinh viên, cho hay 144 tổ chức đã ngừng cho sinh viên vay tiền. Nhưng theo Mark, đối tượng liên quan trực tiếp là những sinh viên sắp nhận bằng cử nhân và những người học tại chức.

 

Cuộc chiến để giành được một chân học MBA năm nay sẽ đặc biệt khốc liệt. Bởi nếu như số lượng sinh viên đăng ký tăng lên thì đa số các trường lại không hề tính đến chuyện sẽ nhận nhiều sinh viên hơn thường lệ.  

 

Kunal Das, 25 tuổi, cố vấn truyền thông tại Microsoft, New York, lo lắng: “Tôi sẽ phải vất vả hơn nhiều nếu tôi muốn được nhận vào trường mà mình chọn”. Tuy vậy anh bạn này vẫn hy vọng kinh nghiệm tích lũy được trong 2 năm làm việc tại bộ phận quảng cáo của Microsoft sẽ giúp anh nổi bật hơn so với những thí sinh “lánh nạn” từ ngành tài chính.

 

Việc các trường kinh tế hết chỗ không phải chỉ do thị trường lao động đang trong “thời tiết xấu” mà còn do vấn đề dân số. Theo Cơ quan thống kê Mỹ, năm trước lượng dân số trong độ tuổi từ 25 đến 29 là 21 triệu, trong khi đó năm 2002 con số này mới chỉ dừng lại ở 18,8 triệu người. Mặt khác, các chương trình MBA ngày càng có sức hút với các sinh viên nước ngoài và những bạn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc.

 

Theo tờ Los Angeles Times, cho đến giờ, những sinh viên tốt nghiệp 25 trường quản lý hàng đầu nước Mỹ đã chắc chắn nhận được mức lương 6 con số một năm - một con số đáng với đồng tiền bát gạo mà họ bỏ ra để trả học phí. Khi đã đi làm, những cựu sinh viên này phải trả những khoản nợ có thể lên đến hơn 90.000 đôla, thậm chí gần 200.000 đôla.

 

Theo trường Kinh doanh Graduate của đại học Stanford, 3 tháng sau khi ra trường, 92% sinh viên của họ đã tìm được việc làm, với mức lương trung bình hơn 120.000 đôla, cộng với gần 20.000 đôla tiền thưởng.

 

Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm nguồn nhân lực của trường Kinh doanh Marshall cũng nhận định rằng tương lai của những ngôi sao trong lĩnh vực kinh doanh này sẽ có thể không còn tươi sáng như thế.

 

Vũ Minh Thu

Theo Wall Street Journal