Kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Khuyến học Việt Nam:

Khuyến học ở một làng văn hóa xứ Huế

(Dân trí) - Làng Phú Lễ, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, là một trong các làng văn hóa nổi tiếng của tỉnh Thừa Thiên Huế. Nơi đây còn nổi tiếng với phong trào khuyến học khuyến tài nổi tiếng cả vùng.

Phú Lễ - ngôi làng văn hóa nổi tiếng xứ Huế

Khoảng trung lưu, bên bờ bắc sông Bồ có một làng quê văn vật là làng Phú lễ, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Làng Phú Lễ như một rẻo đất hình thang, bắc giáp làng An Lỗ và Hiền Lương, đông nam giáp làng Cổ Tháp và Lai Xá, nam giáp làng Hạ Cảng và Đồng Bào riêng tây nam là sông Bồ. Làng Phú Lễ được thành lập khoảng năm 1555, sau khi vua Lê Thánh Tông ngự giá thân chinh đưa đại quân đánh Chiêm Thành, bình định phương Nam, bắt sống Trà Toàn đem về Đại Việt. Lúc đầu làng có tên là Bái Đáp - theo từ Hán Việt: Bái là lạy, Đáp là đền ơn, trong sách “Ô Châu Cận Lục” của Tiến sĩ Dương Văn An có câu đối để tán dương:

Phong tục Bái Đáp chuộng lễ

Thói làng Dũng Quyết háo cương

Dưới triều vua Minh Mạng một công dân “khoa bảng” của làng Bái Đáp là Tổng Đốc Trương Văn Uyển dâng sớ lên nhà vua xin đổi tên làng thành Phú Nhi Hiếu Lễ, được vua Minh Mạng đồng ý cho gọn hơn là Phú Lễ. Phú là giàu có, Lễ là lễ nghĩa, và làng đã giữ tên Phú Lễ từ đó đến ngày nay. Cuối năm 1774 khi quân Chúa Trịnh tiến đánh Phú Xuân của Chúa Nguyễn, đoàn quân đã vượt qua sông Bồ khoảng lưu vực làng Phú Lễ. Vào năm 1788 vua Quang Trung (Nguyễn Huệ lên ngôi) đích thân đốc quân đại phá quân Thanh, giải phóng Thăng Long, vô số trai tráng trong làng nhập ngũ tòng chinh thẳng tiến ra Bắc. Khi triều Nguyễn bắt đầu từ năm 1802, nhiều trí thức trong làng ra làm việc nước như: Tổng đốc Trương Văn Uyển, Thượng thư Nguyễn Xuân Triêm, Tả quân Đô Úy dinh Thần Cơ Trần Bá Nam, Cai đội Mỹ Triều Hầu Trần Bá Cơ… Khoảng những năm 20-30 của Thế kỷ XX, cụ Nguyễn Sinh Khiêm, anh cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có sinh sống bằng nghề thầy thuốc Nam và lấy vợ là người làng Phú Lễ.

Đình làng Phú Lễ
Đình làng Phú Lễ

Ngoài những vị quan chức nổi tiếng trong thời quân chủ nêu trên, trong thời cận và đương đại làng Phú Lễ cũng là nơi sản sinh nhiều nhà khoa học cho đất nước, những vị khoa bảng xuất sắc có thể kể: KS.Trần Bá Hoàng, KS.Trần Bá Luận, GS.Trần Đình Sử, GS.Nguyễn Xuân Nam, GS.TSKH.Nguyễn Xuân Chánh, GS.Trần Bá Đệ, GS.TSKH.Trần Bá Chữ, GS.TSKH.Nguyễn Hữu Chí, TS.Trần Bá Thái… Các thế hệ trẻ hơn sau này như TS.BS.Trần Bá Thoại, PGS.TS.BS.Nguyễn Trường An, TS.Nguyễn Xuân Thống, TS.Trương Nguyễn Tuấn Vũ, TS.Trương Nguyễn Tâm Nguyên…

Phú Lễ, tên xa xưa là Bái Đáp, từ trong tên gọi từ thuở thành lập ngôi làng đã ẩn chứa một ý nguyện tốt đẹp văn hóa lễ nghĩa. Mọi tộc họ, thành viên trong làng đều rất khuyến trọng học vấn và tài năng. Nhờ đó nguồn vốn tri thức, văn hóa của Phú Lễ mỗi ngày một nhiều hơn, cao hơn. Năm 2013, đài truyền hình Việt Nam đã chọn giới thiệu Phú Lễ là một làng văn hóa tiêu biểu của Thừa Thiên Huế trong chương trình Việt Nam, đất nước con người.

Khuyến học ở làng Phú Lễ

Ngoài những di tích, địa danh, danh nhân lịch sử, làng Phú Lễ cũng nổi danh là một làng hiếu học từ xa xưa khi mới thành lập làng cho đến tận ngày nay. Ngoài Hội khuyến học chung, 12 họ tộc trong làng cũng có riêng những quỹ khuyến học cho từng họ, nhờ thế việc học hành của con em trong làng được khuyến khích nâng cao…

Trao học bổng khuyến học ở làng Phú Lễ
Trao học bổng khuyến học ở làng Phú Lễ

Ngoài Hội Khuyến học chung của làng, nhiều họ tộc như Nguyễn Đắc, Trần Bá, Trương Văn… cũng có lập các Quỹ Khuyến học riêng cho họ của mình. Theo TS.BS. Trần Bá Thoại, Chủ tịch Hội khuyến học họ Trần Bá, trong thư đề xuất thành lập quỹ khuyến học viết: “Hơn 500 năm trước, Hồng Đức thứ 15 (1484) vua Lê Thánh Tông cho dựng Văn miếu, Tiến sĩ Thân Nhân Trung được vua đề cử soạn văn bia, ông đã viết: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và càng bay lên, nguyên khí suy thì thế nước yếu và càng xuống thấp”.

Hiện nay rất nhiều trường học cho dựng bảng khắc câu này ở nơi trang trọng với mục đích khuyến khích, nhắc nhở, tôn vinh người hiền tài. “Một dòng họ muốn trụ vững và phát triển cần có những người có học, có tài, có trí tuệ đứng ra gánh vác công việc. Để tạo và dự nguồn tài trí cho dòng họ, theo chúng tôi không có cách nào khác là phải “chiêu hiền đãi sĩ”, động viên, khuyến khích tài năng” – TS.BS. Trần Bá Thoại cho hay.

Ông Trần Thiên Dĩnh, Chủ tịch hội khuyến học làng Phú Lễ, nhận định: “Làng Phú Lễ là một trong các làng văn hóa của tỉnh Thừa Thiên Huế. Việc học được xác định và là nền tảng quý của mọi cá nhân, gia đình và cộng đồng. Chính quyền địa phương, dòng tộc rất quan tâm đến việc học của con em. Hằng năm, Hội Khuyến học của làng Phú Lễ và của 12 họ tộc trong làng thường tổ chức phát thưởng, vinh danh các em có học vị cao”.

Nhờ cái nền văn hóa và phong trào khuyến học lớn mạnh mà Hội khuyến học làng Phú Lễ đã nhiều lần được nhận bằng khen tuyên dương, tạo động lực cho khuyến học làng ngày càng phát triển.

Đại Dương