Kì thi quốc gia 2015: Giải quyết tốn kém như thế nào?

(Dân trí) - Nhiều ý kiến cho rằng, kì thi quốc gia tổ chức theo 2 loại cụm thi sẽ gây rất nhiều tốn kém kinh phí nhà nước và cả thí sinh bởi phải di chuyển nhiều. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Khảo thí - Bộ GD-ĐT khẳng định: Chỉ khó khăn chứ không tốn kém!<br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/vi-sao-chua-the-to-chuc-xet-cong-nhan-tot-nghiep-thpt-943864.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Vì sao chưa thể tổ chức xét công nhận tốt nghiệp THPT?</b></a><br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/bo-gddt-tiep-tuc-giai-dap-ve-ki-thi-thpt-quoc-gia-943971.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Bộ GD-ĐT tiếp tục giải đáp về kì thi THPT quốc gia</b></a><br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/muon-do-dai-hoc-phai-phu-thuoc-vao-quy-dinh-cua-tung-truong-943339.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Muốn đỗ đại học phải phụ thuộc vào quy định của từng trường</b></a>

Thí sinh chuẩn bị thêm nước uống trong thời gian làm bài (Ảnh: Doãn Hòa)
Kì thi quốc gia có gây nhiều tốn kém? Trong ảnh: Thí sinh dự thi đại học đợt 2 năm 2014. (Ảnh: Doãn Hòa)

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng: “Bộ dự kiến có nhiều cụm thi nhưng quy định này vì các trường đại học chứ không phải vì học sinh. Là 1 kỳ thi quốc gia xét 2 mục đích nên học sinh ai cũng muốn thi ở phạm địa phương của mình chứ rất ngại đi sang các tỉnh khác thi vẫn rất tốn kém”.

Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Văn Điển - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam cho hay: “Việc tổ chức "kỳ thi quốc gia" sẽ tiếp tục gây tốn kém, tiêu cực và ít có cơ hội đem lại kết quả thực, cho dù có áp dụng việc chấm thi chéo giữa các trường THPT hay giao cho trường ĐH nào đó chấm thi. Nhưng nếu hiểu "thi quốc gia" là việc thi có giá trị công nhận ở cấp quốc gia, tức là các thí sinh không nhất thiết phải thi chung đề, thi cùng thời gian, nhưng kết quả thi được công nhận trong toàn quốc và có thể so sánh được, thì lại rất hữu ích”.

Ông Điển phân tích: “Chúng ta hãy thử hình dung kinh phí cho một "kỳ thi quốc gia trong năm nào đó". Với cách làm hiện nay, mỗi kỳ thi đều phải chuẩn bị lại gần như từ đầu, ít có sự kế thừa về hạ tầng kỹ thuật giữa các kỳ thi (trừ bàn ghế ở các phòng thi), nên rất tốn kém và lãng phí.

“Nếu chuyển đổi kỳ thi này thành "Thi điện tử" do những trung tâm khảo thí nào đó thực hiện độc lập và tự động trên máy tính (và có cơ chế chia sẻ thông tin cho các trường ĐH, CĐ), thì chi phí sẽ thấp hơn nhiều, có thể cho phép thí sinh thi nhiều lần trong năm, đảm bảo tính thực chất của kết quả thi và hạ nhiệt kỳ thi một cách rõ rệt” – ông Điển nêu ý kiến.

Không gây tốn kém nhưng gặp khó khăn

Trả lời về vấn đề trên, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết: “Trong Kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh có nguyện vọng sử dụng kết quả thi với 2 mục đích phải di chuyển đến các cụm thi như tuyển sinh ĐH, CĐ những năm trước đây.Tuy nhiên, so với chi phí cần cho việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và ba đợt thi ĐH, CĐ trước đây cùng với chi phí cho hàng triệu lượt dịch chuyển của thí sinh và người nhà mỗi mùa thi, thì tổng chi phí của Kỳ thi THPT quốc gia sẽ giảm đi rất nhiều.

Ông Trinh phân tích: Đối với mỗi thí sinh, từ năm 2014 trở về trước phải tham dự 2 kỳ thi liền nhau, đặc biệt kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ thì các thí sinh phải di chuyển rất xa đến các tỉnh/thành phố để dự thi. Năm nay, với việc chỉ tham dự 1 Kỳ thi được tổ chức thành nhiều cụm thi sẽ giảm bớt nhiều chi phí cho thí sinh dự thi.

Trước đây, nếu thí sinh tham dự cả 2 kỳ thi thì ít nhất phải làm bài với 7 lượt môn thi (gồm 4 môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và 3 môn thi tuyển sinh ĐH hoặc CĐ); nhiều thí sinh tham dự 3 đợt thi với 10 lượt môn thi (gồm 4 môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 1 và 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 2); có những thí sinh tham dự tất cả 4 đợt thi với 13 lượt môn thi (gồm 4 môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 1, 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 2 và 3 môn thi trong đợt tuyển sinh CĐ).

Nhưng trong Kỳ thi THPT quốc gia mỗi thí sinh chỉ phải dự thi 4 môn thi tối thiểu, nhiều nhất là 8 môn thi và phổ biến sẽ là 5 hoặc 6 môn thi; với các thí sinh tự do (đã tốt nghiệp THPT từ 2014 về trước) thì số môn thi còn giảm đi, do vậy áp lực thi cử sẽ giảm đi rất nhiều. Thí sinh, gia đình và xã hội cũng sẽ giảm được chi phí cho Kỳ thi.

Về đề thi, ông Trinh cho biết: Với Kỳ thi THPT quốc gia, Bộ chỉ phải xây dựng một bộ đề thi chứ không phải xây dựng nhiều bộ đề thi như trước đây (ít nhất là 4 bộ đề thi cho kỳ thi TN THPT và 3 đợt thi ĐH, CĐ) nên cũng sẽ giảm rất nhiều chi phí cho công tác này.

Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Khảo thí cũng thừa nhận kỳ thi quốc gia quốc gia sẽ gây khó khăn với các trường ĐH, các sở GDĐT chủ trì tổ chức cụm thi trong thời gian 4 ngày, dài hơn so với 2 ngày đối với từng đợt thi từ năm 2014 trở về trước, nhưng xét về tổng thể so với việc các trường ĐH phải tổ chức 2 hoặc 3 đợt thi trước đây thì tổng thời gian tổ chức thi được rút ngắn.Những cán bộ, giáo viên, giảng viên tham gia coi thi, chấm thi có thể sẽ phải di chuyển nhiều hơn, xa hơn so với những năm trước, nhưng cán bộ, giáo viên, giảng viên và các nhà trường sẽ nỗ lực cố gắng khắc phục những khó khăn này để dành phần thuận lợi nhất cho thí sinh và gia đình các em.

Mô hình cụm thi tương tự như năm 2014

Trả lời câu hỏi vai trò của các cơ sở giáo dục đại học, các sở GDĐT, UBND các tỉnh, thành phố như thế nào trong việc tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia?

Ông Mai Văn Trinh cho biết, mô hình cụm thi của Kỳ thi THPT quốc gia được thiết kế tương tự như cụm thi của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ trong những năm gần đây (tương tự các cụm thỉ ở Hải Phòng, Vinh, Quy Nhơn và Cần Thơ nhưng sẽ được mở rộng), trong đó: Trường ĐH có đủ năng lực, điều kiện, uy tín và kinh nghiệm tổ chức thi sẽ được Bộ giao chủ trì, phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học trong tỉnh (thành phố) và sở GDĐT tổ chức coi thi, chấm thi và gửi kết quả chấm thi về Bộ GDĐT.

Các sở GD-ĐT bên cạnh việc chỉ đạo đánh giá trong quá trình học, xét điều kiện dự thi, phối hợp với trường ĐH tổ chức cụm coi thi, chấm thi chung còn chịu trách nhiệm tổ chức cho học sinh đăng kí dự thi, chuyển dữ liệu đăng kí dự thi về Bộ GD&ĐT và chủ trì các cụm thi dành cho thí sinh chỉ đăng ký xét tốt nghiệp THPT, không lấy kết quả thi để tham gia tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ (với các địa phương không có cụm thi do trường ĐH chủ trì).

Ông Trinh cho rằng: “Vai trò của các trường ĐH, CĐ trong Kỳ thi THPT quốc gia là rất lớn. Các trường ĐH được giao tổ chức cụm thi sẽ phải tổ chức Kỳ thi nghiêm túc, an toàn, kết quả đảm bảo độ tin cậy để các trường ĐH, CĐ trong hệ thống giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp yên tâm sử dụng kết quả Kỳ thi vào tuyển sinh;

Các sở GD-ĐT cũng có vai trò lớn hơn so với trước đây: phải tổ chức nghiêm túc kỳ thi đối với các thí sinh thi tại cụm thi địa phương, sao cho kết quả có độ tin cậy, khách quan, không để xảy ra những bất thường, mâu thuẫn với kết quả thi của các thí sinh thi tại cụm thi do các trường ĐH chủ trì. Ủy ban Nhân dân tỉnh (thành phố) tăng cường chỉ đạo các sở, ban, ngành hỗ trợ các cụm thi để tổ chức tốt kỳ thi.

Hồng Hạnh