Kì thi THPT Quốc gia sẽ như thế nào?

(Dân trí) - Theo nguồn tin riêng của Dân trí, Bộ GD-ĐT đang dự thảo một đề án tổng thể đổi mới thi và tuyển sinh để hướng tới việc bỏ thi ĐH, CĐ vào năm 2009 mà thay vào đó là tổ chức một kì thi THPT Quốc gia.

Theo dự thảo, đề thi THPT Quốc gia dự kiến sẽ có hai phần:

 

Phần thứ nhất dùng để công nhận tốt nghiệp THPT gồm 70% số câu hỏi chuẩn kiến thức - kỹ năng trong chương trình THPT.

 

Phần thứ hai gồm 30% số câu hỏi còn lại để xét tuyển vào ĐH; CĐ; TCCN. Đây là những câu hỏi theo chương trình nâng cao.

 

Năm 2009, tổ chức kỳ thi THPT quốc gia lần đầu tiên. Trong đó, phần đề thi để công nhận tốt nghiệp có đề thi riêng cho bổ túc THPT, còn phần nâng cao để xét tuyển vào ĐH thì thi chung. Đến năm 2010, sẽ tổ chức kỳ thi quốc gia theo vùng với các đề thi tương đương.

 

Trong kỳ thi THPT quốc gia, vài năm trước mắt sẽ tổ chức thi 8 môn gồm: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ, Toán, Lý, Hoá, Sinh. Sau đó có thể thi thêm môn Tin học, Giáo dục Công dân…

 

Tám môn thi được tổ chức thi liên tục, không trùng về thời gian, trong đó các môn thi bắt buộc (để được công nhận tốt nghiệp) được tổ chức thi trước. Như vậy thí sinh có thể dự thi tối đa 8 môn của kỳ thi này.

 

Các môn thi để được công nhận tốt nghiệp THPT gồm 5 môn, trong đó 3 môn Văn - Toán - Ngoại ngữ là bắt buộc và cố định.

 

Có hai phương án cho hai môn thi còn lại để công nhận tốt nghiệp THPT:

 

Phương án 1: Một môn do Bộ GD-ĐT quy định từng năm; 1 môn do thí sinh tự chọn (trong các môn còn lại của 8 môn nói trên).

 

Phương án 2: Thí sinh được chọn thi cả 2 môn.

 

Cuối cùng là các trường ĐH, CĐ, TCCN sẽ quy định các môn phải thi trước kỳ thi (trong số 8 môn nói trên và môn năng khiếu - môn nhân hệ số nếu có). Dựa vào tính chất đặc thù của từng chuyên ngành đào tạo các trường sẽ quy định các môn phải thi cho phù hợp…

 

Sau khi dự thảo hoàn tất sẽ được công bố rộng rãi để lấy ý kiến trước khi trình lên Chính phủ phê duyệt.

 

N.H