Kiến nghị bỏ phương án thi 2 và 3!

(Dân trí) - Tiếp tục góp ý về 3 phương án thi quốc gia, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng: Hãy giao trách nhiệm tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông cho địa phương; bỏ phương án thi 2 và 3; bỏ kỳ thi “3 chung”; trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ.

GS.TS Phạm Tất Dong: Phương án thi 2 trong 1 sẽ tăng thêm tâm lý ứng thí!

GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng, khá nhiều nhà nghiên cứu khoa học giáo dục và quản lý giáo dục tham phiền rằng, nền giáo dục của Việt Nam là nền giáo dục ứng thí: thi cử nặng nề, đua nhau học để thi cử, khẩu hiệu “dạy chữ, dạy nghề, dạy người” cuối cùng trở về với mục tiêu “dạy để thi”. Ứng thí trở thành căn bệnh trầm trọng”.

Để chữa bệnh này, theo GS Dong, đáng lẽ cần tìm phương án kiểm tra, đánh giá sao cho nghiêm túc, nhẹ nhàng, tạo cho người đi thi một tâm lý thoải mái khi bước vào phòng thi…, thì ngược lại, người ta lại tìm cách tổ chức thi thật rầm rộ, thật uy nghi, có hàng vạn người coi thi, có lực lượng an ninh tham gia bảo vệ kỳ thi, có đề thi được bảo vệ tuyệt mật. Vậy là, để chữa bệnh “ứng thí”, ta đưa ra thang thuốc làm tăng tính nghiêm trọng của thi tốt nghiệp và làm cho chứng ứng thí tăng lên trong tâm lý người đi thi.
 
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.

 

Trả lời câu hỏi, thực chất việc tổ chức thi hiện nay giải quyết được việc gì? GS Dong cho biết: “Nhiều năm qua, việc thi tốt nghiệp phổ thông dù diễn ra như thế nào, có những giải pháp đối phó với những hiện tượng quay cóp, gian lận… của học sinh chặt chẽ đến đâu, thì trước khi các thí sinh bước vào phòng thi ai cũng đã đoán ra kết quả kỳ thi rồi: Thế nào thì cũng phải từ 90% trở lên số học sinh đi thi sẽ được Bộ cấp bằng tốt nghiệp. Bây giờ một số chuyên gia lại hiến kế với Bộ trình ra Quốc hội tổ chức thi “2 trong 1”, kết hợp thi tốt nghiệp phổ thông với xét tuyển đại học. Xin thưa: Phương án này sẽ tăng thêm tâm lý ứng thí.

Giải thích vì sao lại tăng thêm tâm lý ứng thí? Ông Dong cho rằng: Thi tốt nghiệp phổ thông vốn không có tính cạnh tranh. Mục tiêu của nó là đánh giá và cấp bằng cho những học sinh có được những kiến thức phổ thông cần thiết mà mỗi công dân bình thường cần có. Thi vào đại học dứt khoát là phải cạnh tranh, bởi điểm phải cao, càng cao càng tốt, mới mong vượt qua các bạn cùng đi thi với mình. Vậy chủ trương lấy kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển đại học là liều thuốc củng cố tâm lý thi cử của học sinh và làm căn bệnh ứng thí của nền giáo dục trầm trọng thêm.

Tôi cho rằng, có học thì có kiểm tra, đánh giá (qua thi, và nên thi có tính quốc gia). Nhưng thi quốc gia đâu có nghĩa là tổ chức thật rầm rộ, ồn ào, tốn tiền, hao sức.

“Tốt nhất, hãy giao trách nhiệm tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông cho địa phương. Nếu học sinh được thi ở trường, tại chính phòng học mà mình thường ngồi mỗi ngày, do chính thầy, cô giáo của mình coi thi thì việc gì mà tốn tiền, tốn sức, tốn thời gian. Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo sợ thi như vậy sẽ có nhiều tiêu cực thì xin thưa, mọi tiêu cực trong trường học đều do các tiêu cực từ ngoài xã hội chi phối. Xã hội còn tiêu cực thì giáo dục không tránh khỏi tiêu cực. (Lúc này, chúng ta chỉ có thể hạn chế những tiêu cực trong giáo dục và trong thi cử. Để không có chút gì tiêu cực thì hình như chưa có phương án nào khả thi) – GS Dong nhấn mạnh.

GS Dong khẳng định: “Giáo dục phổ thông chỉ là tấm hộ chiếu vào đời. Sau giáo dục phổ thông, các em học sinh sẽ mang tấm hộ chiếu đó để đi theo các hướng khác nhau như kiếm việc làm, học nghề, đầu đơn xin xét tuyển vào cao đẳng hay đại học. Nhà trường cần căn dặn các em rằng, với tấm hộ chiếu ấy, các em cần nỗ lực không ngừng, phải tự mình vươn lên. Học suốt đời là giai đoạn tiếp theo của học trong trường phổ thông: Học để có việc làm, học để có nghề trong tay, học để hoàn thiện học vấn và tay nghề, học để trở thành người CÔNG DÂN HỌC TẬP.”

Thí sinh căng thẳng trước giờ thi đại học

Thí sinh căng thẳng trước giờ thi đại học.

Nhà giáo Hàn Liên Hải (nguyên trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD-ĐT Hà Nội): Bỏ hẳn các phương án 2 và 3 liên quan đến bài thi “tích hợp” ít nhất trong vài năm tới.

Bạn đồng ý theo phương án thi nào trong số 3 phương án tổ chức kì thi quốc gia do Bộ GD - ĐT vừa mới công bố tại hội nghị tổng kết năm học 2013 - 2014?
Phương án 1: thi truyền thống 8 môn thi gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý.
Phương án 2: tổ chức thi với 5 bài thi, trên cơ sở tổng hợp từ kiến thức, kỹ năng của 8 môn học toán, ngữ văn, ngoại ngữ, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý.
Phương án 3: chọn 11 môn học ở lớp 12 để tổng hợp thành 4 bài thi gồm: bài thi Toán - Tin, bài thi Khoa học Tự nhiên, bài thi Khoa học xã hội và bài thi Ngoại ngữ.
Ý kiến khác
  
Phân tích về 3 phương án thi mà Bộ GD-ĐT đưa ra trưng cầu ý kiến, nhà giáo Hàn Liên Hải cho biết: “Phương án 1 đã thực hiện trong kì thi tốt nghiệp THPT vừa 2013 – 2014. Đó là giảm áp lực quá tải cho học sinh về học tập và thi cử; thực hiện một bước quyền tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH,CĐ. Tuy có phần cập rập nhưng đổi mới nói trên không làm cho học sinh và giáo viên quá “sốc”. Điều quan trọng nhất là các thay đổi trên đều tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và đóng vai trò “đột phá” trong lộ trình cải cách giáo dục sắp tới.

Phương án 2 và 3 là sự tích hợp nhiều môn trong các bài thi. Tôi không dám nói đến sự hay dở của các kiểu tích hợp bài thi này vì chương trình và sách giáo khoa hiện hành chưa hề có. Bất kể sự tích hợp nào đã được hình thành rất rõ hay mới chỉ là ý tưởng của các chuyên gia thì chưa có chương tình, sách giáo khoa và chưa đưa vào giảng dạy không thể yêu cầu thí sinh làm các bài thi kiểu này được. Có thể ví như đem thả thí sinh và cả giáo viên vào biển cả! Nó phán ảnh một kiểu tư duy phản giáo dục. Có cảm giác các nhà giáo dục vạch ra phương án này chưa từng là học sinh đi thi hoặc là tự “trên trời rơi xuống”. Tôi cứ ngỡ đây là những phương án thi cử cho 10 năm sau.

Nhà giáo Hàn Liên Hải cho rằng: Thi cử là biện pháp quan trọng để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông. Hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều về vai trò của thi cử hoặc là quá lạm dụng, hoặc là không thấy tác dụng và sự cần thiết của nó. Đặc biệt, có những cách đánh giá không đúng, không khách quan, thiếu công bằng đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT. Chính vì thi cử có vai trò rất lớn trong điều chỉnh hoạt động dạy và học. Có lẽ thế mà đổi mới thi cử đang được coi là khâu “đột phá” trong lộ trình cải cách giáo dục. Nhưng nếu đổi mới bài thi theo kiểu các phương án của Bộ đưa ra thì có thể xem như chưa làm lễ khởi công cho một con đường đã làm lễ khánh thành nó. Phải chăng đó là sự nôn nóng thiếu cơ sở khoa học của các phương án đổi mới thi cử.

Nhà giáo Liên Hải cho biết, tôi đồng ý với ý kiến của GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội là không nên có kỳ thi quốc gia 2 trong 1. Tôi kiến nghị, bỏ hẳn các phương án 2 và 3 liên quan đến bài thi “tích hợp” ít nhất trong vài năm tới. Tiếp tục thực hiện tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT có tính chất quốc gia. Lấy kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông làm điều kiện để dự tuyển vào các trường ĐH,CĐ. Không có kỳ thi “3 chung”. Trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ.

Hồng Hạnh