“Kinh dị” sách giáo khoa học trò?!

(Dân trí) - “Ngày làm “báo cáo” chưa xong/ Tối viết “gia phả” thức chong với đèn/ Học hành vất vả triền miên/ Thân em 8 tuổi nỗi niềm ai hay?”.

Đó là sự tức cảnh thành thơ của ông Kông Đán, Ủy viên Ban chấp hành Hội Khuyến học tỉnh Hưng Yên khi chứng kiến việc con cháu của ông mới chỉ là học sinh lớp 3, 8 tuổi đầu mà đã phải học làm báo cáo, học các phân tích vẽ sơ đồ gia phả.

Ông Đán than: “Lớp 3 môn Tự nhiên xã hội lại yêu cầu các em phân tích và vẽ mối quan hệ họ hàng! Ghê chưa, phân tích cái gì ở đây và 8 tuổi học vẽ sơ đồ họ hàng để làm gì!”.

10 tuổi đã... đi khám thai!

Ngoài làm thơ cho học sinh lớp 3, ông Đán còn làm thơ cho cả học sinh lớp 1, lớp 2: “6 tuổi đã xé dán/ 7 tuổi học bộ xương/ 8 tuổi đo bắt mạch/ Nhìn em nghĩ mà thương!”.

Xuất xứ bài thơ này do ông Đán nghiên cứu sách thủ công và sách tự nhiên xã hội của học sinh lớp 1, 2, 3 và phát hoảng khi mới 7 tuổi, các em đã phải học bộ xương với những hình xương, đầu lâu, hệ cơ hình trần truồng, rồi ruột non, ruột già đủ loại... Hay trong bài Hoạt động tuần hoàn của môn này còn yêu cầu các em đo nhịp tim và bắt mạch trong một phút. Đến cô giáo còn không làm nổi huống hồ các cháu còn đang thò lò mũi xanh!

Cũng học sinh lớp 3, học môn Tiếng Việt, các em còn bị yêu cầu phải viết làm đủ mọi loại đơn, nào là đơn xin vào đội, đơn xin cấp thẻ đọc sách, đơn xin nghỉ học, đơn xin tham gia câu lạc bộ, báo cáo thi đua... Lên đến lớp 5 các em lại “được” học về lập... biên bản. Nào là lập biên bản cụ Quàng Văn Ún trốn viện, lập biên bản mèo ăn hối lộ nhà chuột.

Ông Đán còn chỉ ra rằng: “Kinh dị” hơn khi sách Khoa học lớp 5 dành cho các em học sinh 10 tuổi, ngay bài 1 đã dạy về sự sinh sản, bài 2, 3 dạy về cơ quan sinh dục nam nữ, bài 4 dạy về sự thụ tinh rồi hỏi các em nhìn vào hình vẽ để trả lời thai nào 5 tuần, thai nào 8 tuần, thai nào 3 tháng, thai nào 9 tháng!? Tiếp đến bài 5 dạy các em ăn gì cho khỏe thai rồi hướng dẫn cho các em đi khám thai định kỳ thế nào!?

Sau khi “rùng mình” về sách giáo khoa học trò, ông Đán có đưa ra kết luận rằng: “Học thế, dạy thế, trò khổ mà thầy cũng khổ. Kiến thức nhiều sẽ bội thực. Con cái đầy bụng một bữa bố mẹ đã lo, đằng này con đầy đầu bội thực, thần kinh nhiều ngày, nhiều tháng nhiều năm thì bố, mẹ sẽ lo lắng, muộn phiền đến thế nào? Đến bao giờ các em mới được học hành vừa sức mà hăng hay tự giác đào sâu suy nghĩ như cha anh từng một thời được hưởng? Đến bao giờ cô đỡ khổ và trò cũng đỡ khổ? Câu hỏi ấy còn nặng trĩu trong lòng!

Học hay... nhồi sọ?

Cũng học trò 10 tuổi, các em phải lập bảng thống kê các sự kiện, nhân vật tiêu biểu của lịch sử Việt Nam từ năm 1858 đến nay, từ đó chọn ra 5 sự kiện tiêu biểu nhất và giải thích tại sao lại chọn 5 sự kiện đó khi học lịch sử.

Cuối năm lớp 4 các em đã phải thực hiện yêu cầu lập bảng thống kê các sự kiện, nhân vật tiêu biểu của mỗi thời kỳ trong lịch sử Việt Nam từ buổi đầu dựng nước đến giữa thế kỷ XIX! - Đó là bức xúc mà TS Hà Minh Hồng, Trưởng khoa Lịch Sử, trường ĐH KHXH & NV - ĐHQG  TPHCM nêu ra.

Rồi những cô, cậu học trò vắt mũi chưa sạch ấy còn bị nhồi sọ bằng những bài học đầy vô cảm. Ví dụ như bài 19 sách Lịch sử và địa lý lớp 5 viết về việc nước nhà bị chia cắt (trang 42): “Mỹ tìm mọi cách phá hoại hiệp định Giơ-ne-vơ. Trong thời gian Pháp rút quân, Mỹ dần dần thay chân Pháp xâm lược miền Nam, đưa Ngô Đình Diệm lên làm tổng thống, lập ra chính quyền tay sai”.

Đây là đoạn văn lịch sử hay chính trị? Liệu cậu bé lớp 5 có thích đọc đoạn văn này hay không ? Và cậu bé học sinh lớp 5 phải học thuộc lòng đoạn văn này để làm gì khi cần ở nó tình cảm lịch sử được hình thành, chứ không phải là nỗi căm thù với Mỹ, với Pháp, với Ngô Đình Diệm được nhen lên trong đầu nó?

Cũng theo TS Hồng, lứa tuổi ấy, ở nông thôn vẫn là tuổi chăn trâu chăn bò, ở thành thị cũng chỉ là cô, cậu bé mải ăn chơi; việc học hành ở tuổi ấy không thể nói là chỉn chu được. Những yêu cầu và bài tập này phải chăng là mục đích cần đạt đến của nội dung chương trình môn lịch sử ở bậc tiểu học?

Không thể nói rằng sách giáo khoa không phải là công trình nghiên cứu khoa học, nhưng tính giáo khoa rõ ràng khác với tính hàn lâm. Sách giáo khoa để học, dành cho học sinh đi học, chứ không phải sách để tra cứu, tham khảo cho người nghiên cứu. Đọc những đoạn giáo khoa kiểu này, thiết nghĩ rất phù hợp cho một cán bộ tuyên giáo đi học, hoặc thích hợp với trường lý luận chính trị, hơn là cho học sinh phổ thông ăn chưa no, lo chưa tới! TS Hồng khẳng định.

Đoàn Trần