Kinh doanh giáo dục đang bùng nổ tại Việt Nam

(Dân trí) - Đó là nhận xét của ông Auyong Soon Kok, Giám đốc Edexcel khu vực châu Á - Thái Bình Dương về tình hình giáo dục Việt Nam trong một vài năm gần đây. Và theo ông, sự bùng nổ này cũng chính là một trong những biểu hiện hội nhập quốc tế mạnh mẽ của Việt Nam.

Ông có thể cho biết hiện tượng kinh doanh giáo dục bùng nổ ở Việt Nam được biểu hiện thế nào? 

 

Tôi nhận thấy trong vài năm trở lại đây, Việt Nam có rất nhiều trung tâm, công ty tư vấn du học nở rộ và mọc lên như nấm tập trung tại các tỉnh, thành phố lớn, tiêu biểu là Hà Nội và TPHCM. Cùng với đó, các trường đại học trong nước cũng nỗ lực không ngừng trong việc hợp tác với các trường đại học, cao đẳng có uy tín của các nước có nền giáo dục tiên tiến, phát triển như Anh, Mỹ, Hà Lan, Trung Quốc, Thái Lan, Đức, Nga... nhằm xây dựng các chương trình đào tạo sau đại học, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ  bậc cao, đạt chuẩn quốc tế.

 

Tuy nhiên một vấn đề quan trọng khác là khi Nhà nước cho phép mở ra nhiều mô hình giáo dục - đào tạo, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của đời sống - xã hội, thì cũng cần phải có một cơ chế giám sát, quản lý chặt chẽ thì chất lượng giáo dục mới đi vào thực chất, nâng cao trình độ, sử dụng được chất xám của lực lượng lao động xã hội. Có như vậy mới thực sự đáp ứng được công cuộc đổi mới, hiện đại hóa đất nước trong xu hướng hội nhập quốc tế mạnh mẽ hiện nay. Nhất là khi dự kiến Việt Nam sẽ gia nhập WTO trong năm 2006 này.

 

Những cơ hội và thách thức của nền giáo dục Việt Nam trước thềm hội nhập WTO, theo ông là gì?

 

Hiện, Chính phủ Việt Nam đang đưa ra thảo luận và có quyết tâm cao trong việc thực hiện xây dựng mô hình trường đại học đẳng cấp quốc tế của Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của cả đội ngũ giảng dạy và học viên, đóng góp nền giáo dục cao, chất lượng quốc tế sánh ngang với các nước có nền giáo dục phát triển trong khu vực và quốc tế. Điều này là hết sức cần thiết và vô cùng quan trọng trong công cuộc hội nhập, phát triển chung của đất nước.

 

Tôi cũng được biết, chủ trương của Bộ GD-ĐT xây dựng và triển khai chương trình tiên tiến, là bước tiến mới trong giảng dạy. Theo tôi các bạn có thể lấy chương trình của các nước tiên tiến bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cùng kết hợp các giáo sư nước ngoài thực hiện giảng dạy chương trình tiên tiến.

 

Edexcel là Hội đồng khảo thí Quốc gia Anh và là tổ chức quản lý chương trình, văn bằng phổ thông (GCSE, GCE O Levels, GCE AS và A Levels), Cao đẳng Quốc gia Anh BTEC HND và các chương trình đào tạo quốc gia khác tại Anh.

 

Edexcel được Chính phủ Anh bảo hộ; đóng vai trò cố vấn, định hướng cho chính phủ các chính sách phát triển giáo dục tại Vương Quốc Anh cũng như truyền bá phát triển giáo dục Anh tại nước ngoài.

 

Edexcel hiện nay là tổ chức quản lý chương trình và khảo thí tại 4.000 trường phổ thông, 450 trường Cao đẳng và trên 100 trường đại học tại Vương Quốc Anh cùng trên 7.000 cơ sở đào tạo phổ thông và đại học khác tại nước ngoài.

Để góp phần đưa nền giáo dục của Việt Nam đạt đẳng cấp quốc tế, mới đây Edexcel đã đưa chương trình đào tạo BTEC HND (BTEC Higher National Diploma) vào Việt Nam. Đây là một trong những chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn Anh, được thống nhất giảng dạy tại hầu hết các trường đại học, cao đẳng và là chương trình đào tạo tồn tại song song với các chương trình đại học truyền thống tại nước Anh. 

 

Xin ông cho biết, điều kiện nào để được giảng dạy chương trình BTEC HND và hướng phát triển của chương trình này tại Việt Nam trong thời gian tới?

 

Trong năm 2005, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội và ĐH Đà Nẵng là hai trường đại học đầu tiên được Edexcel phê duyệt giảng dạy Chương trình BTEC HND. Năm 2006 này Edexcel cũng đã phê duyệt thêm một số trường ĐH khác của Việt Nam với nhiều chuyên ngành đào tạo đa dạng từ quản lý đến kỹ thuật như: Học viện Ngân hàng Hà Nội đối với chương trình BTEC HND ngành Kinh doanh & Tài chính; Đại học Đà Nẵng ngành Công nghệ Thông tin; Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM ngành Điện & Điện tử; Đại học Quốc gia TPHCM ngành Quản trị Kinh doanh. 

 

Các cơ sở đào tạo BTEC được Edexcel phê duyệt đều là những cơ sở đào tạo công lập có chất lượng, là các trường đại học chuyên ngành hàng đầu trong nước.

 

Phát triển BTEC ổn định tại Việt Nam luôn là ưu tiên số một của Edexcel, bên cạnh các cam kết về hỗ trợ tài chính, cung cấp giáo trình, đào tạo giảng viên về công nghệ giảng dạy thì hiện nay mục tiêu chiến lược của Edexcel là địa phương hoá một số nội dung của chương trình BTEC đào tạo tại Việt Nam, phù hợp với trình độ, đặc điểm kinh tế văn hoá xã hội của Việt Nam, góp phần tạo ra được một thế hệ sinh viên mới, giỏi ngoại ngữ và có trình độ cao phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.

 

Xin cảm ơn ông! 

Minh Hạnh
(Thực hiện)