Sơn La:

Kinh phí đào tạo gần trăm tỷ đồng, sinh viên cử tuyển vẫn thất nghiệp

(Dân trí) - Theo thống kê của Sở Nội vụ Sơn La, từ năm 2008 đến nay, tổng số sinh viên cử tuyển là 1.842 em. Qua rà soát thì 1.567 em đã tốt nghiệp nhưng chỉ có 743 người được bố trí việc làm. Hơn 800 sinh viên cử tuyển tốt nghiệp vẫn đang “thất nghiệp”. Trong khi đó, tổng số kinh phí cho đào tạo cử tuyển từ năm 2011 đến năm 2015 ước tính gần 100 tỷ đồng.

Theo số liệu của Phòng đào tạo – Bồi dưỡng (Sở GD-ĐT Sơn La), trong giai đoạn từ 1995 - 2010, tổng số sinh viên cử tuyển của Sơn La là 2.332. Giai đoạn năm 2011-2015 là 1.291 em và đã có 950 sinh viên tốt nghiệp.

Tính từ năm 2011 đến năm 2015, tổng số kinh phí cho đào tạo cử tuyển ước tính lên đến gần 100 tỷ đồng. Số lượng sinh viên đi học cử tuyển nhiều với nguồn ngân sách chi cho đào tạo hàng năm khoảng 15 tỷ nhưng kết quả cuối cùng được Phòng đào tạo – Bồi dưỡng nhấn mạnh trong báo cáo: Hiện nay, đang tồn tại nghịch lý và phần lớn sinh viên cử tuyển sau khi tốt nghiệp ra trường không có việc làm trong khi vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc lại đang thiếu cán bộ có trình độ.

Sở GD-ĐT Sơn La cũng khẳng định: Cơ cấu ngành nghề đào tạo cử tuyển chưa phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ngành nghề cử tuyển hàng năm tập trung vào một số ngành nông, lâm nghiệp, văn hóa, thể thao, trong đó y tế và sư phạm là chủ yếu. Các ngành khoa học đòi hỏi điểm thi đầu vào cao như: Giao thông, Thủy lợi, Kiến trúc, Bách khoa, Kinh tế quốc dân, Xây dựng… tuy được giao chỉ tiêu nhưng số lượng còn hạn chế.

Nỗi niềm sinh viên cử tuyển

Trước tình trạng sinh viên cử tuyển ở Sơn La “thất nghiệp” một cách đột biến, phóng viên Dân trí đã về trực tiếp địa phương này để tìm hiểu nguyên nhân.


Các sinh viên cử tuyển đã tốt nghiệp chia sẻ với phóng viên Dân trí sáng 22/12

Các sinh viên cử tuyển đã tốt nghiệp chia sẻ với phóng viên Dân trí sáng 22/12

Gặp gỡ trao đổi với phóng viên, nhiều sinh viên cử tuyển tốt nghiệp bày tỏ sự chua chát khi nói về tình trạng thất nghiệp của mình.

“Quá trình đi học cử tuyển, mặc dù được địa phương hỗ trợ ngân sách nhưng gia đình vẫn phải cung cấp tiền ăn học. Để phục vụ học 4-5 năm cử tuyển (nếu đúng thời hạn) các gia đình đã phải đi vay ngân hàng. Giờ đây đã tốt nghiệp nhưng lại không được bố trí việc làm nên món nợ lên đến cả chục triệu đồng chưa biết giờ nào trả hết” - nhiều sinh viên cử tuyển bày tỏ.

Theo phản ánh của các sinh viên theo học hệ cử tuyển, một điều rất nghịch lý ở Sơn La đó là khi có nhu cầu vị trí việc làm thì cử đi học nhưng khi tốt nghiệp quay trở về địa phương lại nhận được cái “lắc đầu” kèm theo lời giải thích: Ngành này chưa có vị trí việc làm nên chưa tuyển được.

Chính nghịch lý đó đã khiến cho nhiều bạn sinh viên phải chờ đợi một cách mỏi mòn và không biết bao giờ mới có hồi kết.

“Không phải bọn em ngại tìm một công việc mới mà ở Sơn La để tìm được một việc làm là vô cùng khó khăn. Chính sách Đảng và Nhà nước nhằm tạo cơ hội cho con em người dân tộc chúng em cống hiến cho quê hương nhưng dường như con đường quá chông gai” – Vừ A Của, sinh viên được cử đi học cử tuyển từ năm học 2005-2006 và đã tốt nghiệp chia sẻ.

May mắn hơn khi có chỉ tiêu tuyển dụng nhưng chẳng hiểu sao lại không được nhận bất kỳ ưu tiên nào, em Vàng Lao Ka buồn rầu cho biết: Quyết định của tỉnh cử em đi học cử tuyển năm 2007 ở trường CĐ Sư phạm Sơn La, đến năm 2011 em hoàn thành khóa học và nhận bằng tốt nghiệp. Tuy nhiên khi về địa phương thì lại không được hưởng các quyền ưu tiên trong tuyển dụng. Theo quy định hiện hành thì sinh viên cử tuyển bọn em được tuyển dụng không qua thi tuyển thì em vẫn phải thi. Mặc dù đạt điểm thực hành 63 điểm nhưng vẫn không được trúng tuyển.

Trong khi đó, sau khi có Nghị định 49/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 134/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ ĐH, CĐ, Trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân thì Sở Nội vụ Sơn La có hướng dẫn mới trong đó có quy định: Chỉ cần thi điểm phỏng vấn hoặc điểm thực hành đạt 50 điểm trở lên thì trúng tuyển.

Sở Nội vụ Sơn La nói gì?

Trao đổi với Dân trí sáng 22/12, ông Nguyễn Viết Hưng – Phó giám đốc Sở Nội vụ Sơn La thẳng thắn nhìn nhận: Trước khi có Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-BNV-UBDT hướng dẫn thi hành chính sách cán bộ, công, viên chức người dân tộc thiểu số quy định tại Điều 11 Nghị định 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc thì đơn vị nào cử đi, sau khi có tốt nghiệp về khi các cháu nộp hồ sơ thì đơn vị, địa phương đó phải có việc rà soát các vị trí và bố trí việc làm. Sở Nội vụ chỉ có vai trò hướng dẫn chứ không trực tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho các cháu.

Còn số liệu khá đông các cháu chưa được giải quyết việc làm là do trước đây, chỉ tiêu cử tuyển là do các trường đại học, cao đẳng bố trí. Trên cơ sở đó, tỉnh có yêu cầu các địa phương rà soát, đề xuất với hội đồng tỉnh xem xét cử đi.

ông Nguyễn Viết Hưng - Phó giám đốc Sở Nội vụ Sơn La trao đổi với Dân trí về công tác tuyển dụng sinh viên cử tuyển
ông Nguyễn Viết Hưng - Phó giám đốc Sở Nội vụ Sơn La trao đổi với Dân trí về công tác tuyển dụng sinh viên cử tuyển

 

“Ở đây có sự không ăn khớp đó là khi xét cử đi chưa tính được hết các yếu tố như 4 năm sau các cháu ra trường, nhóm ngành này lại không có nhu cầu nữa. Có sự bất cập trong công tác quản lý nhà nước là lúc bấy giờ các thành viên Hội đồng chưa tính hết được. Chẳng hạn có một số em được cử đi học ngành Xây dựng, Giao thông,.. tốt nghiệp ra trường thì bây giờ thì không có vị trí việc làm. Một phần là do trước kia việc tuyển dụng không chuyên môn hóa sâu như bây giờ” – ông Hưng lý giải tình trạng “thất nghiệp” của sinh viên cử tuyển.

Cũng theo ông Hưng, trước tình trạng này thì Sở Nội vụ đã tham mưu tư vấn cho UBND tỉnh là siết chặt việc cử đi học cử tuyển hai năm trở lại đây. Năm 2014 chỉ có duy nhất một em được cử đi học và năm 2015 thì không cử em nào.

Trong năm 2015 thì địa phương đã tuyển dụng 106 em thuộc diện cử tuyển đã tốt nghiệp vào làm việc. Trong số này có những em được tuyển dụng không qua thi tuyển nhưng cũng có em chịu tác động của quy định mới nên phải đạt điểm thực hành (hoặc phỏng vấn) từ 50 điểm trở lên.

Giải thích về việc có sự “chuyển đổi” này ông Hưng cho hay: Năm 2014, Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-BNV-UBDT được ban hành và có hiệu lực, trong đó quy định sinh viên cử tuyển tốt nghiệp được tuyển dụng không qua thi vào công chức, viên chức và phân công công tác theo quy định tại Nghị định số 134/2006/NĐ-CP. Nhưng sau đó, Chính phủ lại có Nghị định 49/2015/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung Nghị định 134/2006/NĐ-CP và có hiệu lực từ ngày 6/7/2015 có nêu: UBND cấp tỉnh chỉ đạo việc tiếp nhận hồ sơ và xét tuyển hoặc gửi hồ sơ tới các cơ quan, đơn vị dự kiến sử dụng để xét tuyển vào vị trí việc làm theo quy định tại Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức đối với người cử đi học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp.

Do yêu cầu của Nghị định 49/2015/NĐ-CP nên Sở Nội vụ đã tham mưu cho UBND tỉnh để ra thông báo 778/HD-SNV. Trong thông báo này đề cập đến việc, đối với xét tuyển viên chức thì đối tượng cử tuyển phải có điểm học tập, điểm tốt nghiệp và điểm phóng vấn (hoặc điểm thực hành), mỗi loại đạt từ 50 điểm trở lên thì trúng tuyển.

“UBND tỉnh Sơn La rất quan tâm đến đối tượng cử tuyển nên trong thông báo 778 đã nêu rõ sẽ ưu tiên tuyển dụng đối tượng cử tuyển trước, những người đạt 50 điểm theo quy định thì công nhận trúng tuyển. Sau khi ưu tiên đối tượng cử tuyển xong mà còn chỉ tiêu thì mới tính cho các đối tượng khác” – ông Hưng nhấn mạnh.

Phó giám đốc Sở Nội vụ Sơn La cũng bày tỏ: Vấn đề khó hiện nay là các đơn vị không có vị trí việc làm ứng với chuyên ngành của các em tốt nghiệp. Vấn đề này Sở Nội vụ sẽ tiếp tục nghiên cứu để tham mưu cho UBND tỉnh. Sở cũng hướng đến việc cập nhật thông tin về tuyển dụng cũng như văn bản liên quan lên website để thí sinh có thể nhanh chóng nắm bắt thông tin.

Về việc một số sinh viên cử tuyển phản ánh có vị trí việc làm nhưng lại bị làm khó khi tham gia tuyển xét tuyển, Phó giám đốc Sở Nội vụ Sơn La khẳng định sẽ kiểm tra để nắm bắt và có chấn chỉnh (nếu sai phạm).

“Quan điểm của Sở là cần phải quan tâm và ưu tiên đối tượng cử tuyển. Chúng tôi cũng đã có chỉ đạo đối với những em được cử đi học cử tuyển tốt nghiệp không đúng y nguyên với chuyên ngành của vị trí việc làm theo Quyết định 28 của UBND tỉnh nhưng ngành đào tạo có thể đáp ứng được vị trí việc làm thì báo cáo Sở Nội vụ để trình lên UBND tỉnh xem xét quyết định” – Phó giám đốc Nguyễn Viết Hưng chốt vấn đề.

Vậy lộ trình giải quyết số lượng lớn sinh viên cử tuyển của tỉnh Sơn La trong thời gian tới như thế nào? Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc diễn biến tiếp theo của vụ việc này.

Nguyễn Hùng 

(Email hungns@dantri.com.vn)