Kinh tế, xã hội: Bên trồi bên sụt

Nếu như hai nhóm ngành <a href="http://www.dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2006/2/103023.vip">công nghệ và kỹ thuật bắt đầu đi vào thế ổn định</a> thì nhóm ngành khoa học xã hội lại có xu hướng giảm dần: giảm điểm chuẩn, giảm lượng thí sinh đăng ký dự thi.

Trong khi đó, mặc dù nhóm ngành kinh tế vẫn luôn có số đông thí sinh đăng ký dự thi (TS ĐKDT) nhưng điểm chuẩn (ĐC) lại không nằm ở mức cao...

 

Nhóm ngành xã hội: đi xuống

 

Có những năm TS thường "choáng" trước mức điểm tuyển của một số ngành khoa học xã hội như thư viện thông tin, địa lý... thì nay đã không còn nữa. Sự ra đời của nhiều ngành mới từ các trường ĐH khác và có nhiều nhóm ngành tuyển sinh thêm cả khối D... là những nguyên nhân dẫn đến ĐC tuyển sinh 2005 của nhóm ngành này thấp hơn mọi năm.

 

Tuy có vẻ khá hơn phía Nam, nhưng với mức điểm tuyển rải từ 18-20,5 của ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) cho cả hai khối C và D1 so với mặt bằng chung của phía Bắc như vậy vẫn chưa phải là cao.

 

Trong khi đó, tại ĐH KHXH&NV (ĐHQG TPHCM) ngoại trừ các ngành báo chí (khối C 18, khối D 20), Đông phương học và ngữ văn Anh cùng 18 điểm, các ngành khác đều nằm ở mức điểm trung bình là 15 cho cả hai khối A và D. Ở ĐH Luật, khối C điểm tuyển cũng chỉ nằm ở mức 15-16,5. Tại các đại học vùng, phần lớn ĐC cũng chỉ nằm ở mức 14-16 mà thôi.

 

Nhóm ngành kinh tế: ba mức điểm

 

Năm 2005, ĐC của nhóm ngành kinh tế chia khá rõ nét ở ba mức khác nhau: phía Bắc ĐC cao, các trường ĐH khu vực TPHCM ĐC nằm ở mức trung bình khá và các ĐH vùng ĐC trung bình.

 

Tại phía Bắc, các ngành của ĐH Ngoại thương đều có mức ĐC từ 24-26,5. Trong khi đó ở Khoa kinh tế (ĐHQG Hà Nội), ĐC thấp nhất (21 điểm) thuộc về ngành kinh tế chính trị, ba ngành còn lại của khoa này đều có ĐC từ 23,5-24,5.

 

Đặc biệt, điểm cao ngất ngưởng là tại ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội khi có đến bảy ngành (thuộc nhóm ngành tài chính ngân hàng) có ĐC là 27,5. Các ngành kinh tế của ĐH Hàng hải cũng có ĐC cao là kinh tế vận tải thủy 22,5, kinh tế ngoại thương 21,5, quản trị kinh doanh và quản trị kinh doanh bảo hiểm cùng có ĐC là 21, ngành quản trị tài chính - kế toán 22 điểm. Còn tại ĐH Xây dựng Hà Nội, ngành kinh tế xây dựng và quản lý đô thị cũng có ĐC lên đến 25,5.

 

Ở các trường ĐH lớn trên địa bàn TPHCM, mức ĐC ở tốp đầu có các ngành kinh tế đối ngoại, tài chính ngân hàng và kế toán kiểm toán đều nằm ở mức 19,5-21,5 cho cả hai khối A và D1 như ở Khoa kinh tế (ĐHQG TPHCM).

 

Các ngành còn lại như kinh tế học, kinh tế công cộng, hệ thống thông tin quản lý, luật kinh doanh điểm tuyển khối A lẫn D1 hằng năm đều nằm ở mức từ 15-17 điểm. Tại ĐH Kinh tế TPHCM, ĐC đã nhích lên so với năm 2004 là 19,5 (áp dụng chung cho tất cả các ngành).

 

Một trường khác là ĐH Ngân hàng TPHCM, năm đầu tiên tuyển sinh với ba ngành mới cũng có mức ĐC khá là tài chính ngân hàng và quản trị kinh doanh cùng 20,5 điểm, hai ngành còn lại hệ thống thông tin kinh tế và tiếng Anh thương mại cùng có ĐC là 20.

 

Trong khi đó tại ĐH Nông lâm TPHCM, các ngành kinh tế như kinh tế nông lâm, kinh tế tài nguyên môi trường, quản trị kinh doanh, quản trị kinh doanh thương mại đều có ĐC khối A là 15 và khối D1 là 16... Tương tự, hai ngành kinh tế của ĐH GTVT TP.HCM là kinh tế vận tải biển cũng chỉ 16 điểm, kinh tế xây dựng 17 điểm.

 

Tại các ĐH vùng, bắt đầu từ Trường ĐH Kinh tế (ĐH Huế) với ngành tài chính ngân hàng có mức ĐC cao nhất là 23,5, kế đến là kế toán 21,5, quản trị kinh doanh 18, các ngành còn lại như kinh tế chính trị, kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn đều có ĐC từ 15-15,5. Tiếp theo là Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) với 11 ngành đều có ĐC là 20.

 

Theo sau là ĐH Cần Thơ với ngành kế toán 17,5 điểm, tài chính 18, quản trị kinh doanh 17, ngoại thương 16,5. Hầu như tất cả các ĐH vùng còn lại như ĐH Qui Nhơn, ĐH Tây nguyên, ĐH Đà Lạt, ĐH An Giang... đều có mức ĐC của nhóm ngành kinh tế nằm ở khoảng trung bình 15 điểm.

 

Theo Nguyễn Phan

Tuổi Trẻ