GS Nguyễn Văn Hiệu - Nhà vật lý tiên phong, sáng tạo:

Kỳ IV: Một sự kiện hiếm thấy ở Dubna

(Dân trí) - “Anh không ngồi chờ khoa học đến bố thí cho mình! Anh đã đạt được những kết quả khoa học khiến mọi người ngạc nhiên bằng cách làm việc rất nhiều, với năng lực lao động rất lớn…Tôi tin chắc, anh sẽ còn đóng góp được nhiều cho khoa học."

Vị tiến sĩ khoa học người Việt Nam trẻ nhất

Một buổi sáng đầu tháng 11 năm 1963, trước hôm kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, GS. A.A.Logunov nói với Nguyễn Văn Hiệu: "Kết quả nghiên cứu của anh đã đủ để viết luận án tiến sĩ khoa học. Lúc này các kết quả ấy còn đang nóng hổi, nên bảo vệ luận án ngay, để chậm sẽ bớt lý thú."

Như nhiều người đã biết, luận án tiến sĩ khoa học của Liên Xô có những đòi hỏi khác với luận án PhD (tiến sĩ) của Mỹ hay luận án docteur d'état (tiến sĩ quốc gia) của Pháp. Theo G. M. Dobrov trong cuốn Khoa học về khoa học, thì ở Liên Xô, không kể một số rất ít trường hợp đặc biệt xuất sắc, trung bình một người có học vị tiến sĩ (kandidat, tương đương PhD) còn phải mất thêm 11 năm vất vả nghiên cứu nữa, mới có thể hoàn thành luận án tiến sĩ khoa học (doktor nauk). Bởi lẽ, luận án tiến sĩ khoa học phải là một bước tiến về chất so với luận án tiến sĩ, phải là một công trình độc đáo trong đó, trên cơ sở những kết quả nghiên cứu do tác giả đã thực hiện, hình thành các luận điểm khoa học mà tổng hợp lại, có thể xem là một hướng mới trong lĩnh vực khoa học tương ứng, hoặc là một sự tổng kết về lý luận, sự giải quyết một vấn đề lớn của khoa học. Vì vậy, ở Liên Xô trước đây cũng như Liên bang Nga hiện nay, rất ít người có thể bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học trước năm 30 tuổi.

Hệ thống học vị của nhiều nước lắm khi khiến cho những ai không tốn công tìm hiểu, dễ bối rối như lạc vào... "bát quái trận đồ"! Chẳng hạn, ở Pháp trước kia có tới 3 cấp tiến sĩ: tiến sĩ đệ tam cấp, tiến sĩ đại học và tiến sĩ quốc gia (hiện chỉ còn 1 cấp). Ở Đức, Ba Lan, có 2 cấp: tiến sĩ và tiến sĩ habil. Ở Hungary, Bulgaria, Romania, Czech, Slovakia,... cũng có 2 cấp tiến sĩ. Ở Mỹ chỉ có 1 cấp tiến sĩ, viết tắt là PhD và, sau đó, có thể học thêm sau-tiến sĩ (post-doctorate). Ở Liên Xô trước kia và LB Nga hiện nay, có 2 cấp: tiến sĩ (trước dịch là phó tiến sĩ) và tiến sĩ khoa học (trước dịch là tiến sĩ). Đó là chưa kể các học vị ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc trước kia và hiện nay...

Đáng tiếc, hiện nay ở nước ta, không phải không có người vẫn còn lẫn lộn hai học vị khác nhau: tiến sĩ và tiến sĩ khoa học.

Theo lời gợi ý của GS. Logunov, anh Hiệu bắt đầu viết luận án tiến sĩ khoa học ngay trong mấy ngày nghỉ lễ Cách mạng Tháng Mười.

Và rồi, đến ngày 4/5/1964, anh chính thức bảo vệ bản luận án ấy, khi chưa đầy 26 tuổi.

Từ ấy đến nay, 44 năm đã trôi qua, chỉ có một người Việt Nam thứ hai bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học năm 26 tuổi: anh Vũ Kim Tuấn, hiện là Giáo sư Đại học West Georgia, Mỹ.

Buổi bảo vệ luận án qua tường thuật báo chí

Hệ thức tiệm cận các biên độ tán xạ của lý thuyết trường lượng tử định xứ tương đối tính, đó là nhan đề bản luận án tiến sĩ khoa học của Nguyễn Văn Hiệu. Trong bản luận án ấy - như lời nhận xét của GS Markov, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô - "Nguyễn Văn Hiệu đã thiết lập những hệ thức mà, nếu được thực nghiệm xác nhận, thì sẽ xác lập những nguyên lý của lý thuyết trường lượng tử hiện đại".

Về phẩm chất con người của tác giả bản luận án, GS Markov nói: "Chỉ vài tháng sau khi đến Dubna, Nguyễn Văn Hiệu đã trình bày một bản báo cáo khoa học đáng chú ý. Anh dự các xê-mi-na không phải với thái độ thụ động, mà thường đề xuất những giải pháp mới lạ. Anh quan tâm đến hoạt động của tất cả các phòng thí nghiệm của Viện Dubna và được các nhà bác học lỗi lạc, những cộng tác viên của Viện, giúp tìm ra phương hướng trong các lý thuyết hiện đại. Sau bốn năm đến Dubna, anh lần lượt bảo vệ thành công hai bản luận án: tiến sĩ, rồi tiến sĩ khoa học."

Nhà báo Liên Xô Svanev tường thuật buổi bảo vệ luận án của Nguyễn Văn Hiệu: "Chúng tôi đến dự buổi bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học. Hội đồng bác học do VS N. N. Bogolyubov đứng đầu. Trong phòng có mặt nhiều nhà bác học nổi tiếng của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa thành viên Viện Dubna.

(...) Sau khi Nguyễn Văn Hiệu trình bày vắn tắt nội dung bản luận án, những người phản biện đã đọc lời nhận xét: I. Ya. Pomeranchuk, O. S. Parasiuk, A. N. Tavkhelidze. Các bản nhận xét đều đánh giá Nguyễn Văn Hiệu là "một nhà bác học lớn", "đầy tài năng", "đạt trình độ cao"...

VS N. N. Bogolyubov, Viện trưởng Viện Dubna, coi bản luận án là "xuất sắc".

Hội đồng bác học bỏ phiếu kín nhất trí tán thành tặng học vị tiến sĩ khoa học cho tác giả."

GS M. A. Markov nói với nhà báo Svanev: "Anh và tôi đang tiếp xúc với một con người xuất chúng. Đôi khi người ta thực sự gặp may trong công việc: Tìm thấy một ý tưởng thiên tài đẫn đến những kết quả quan trọng như tìm thấy một mỏ vàng! Nguyễn Văn Hiệu đi theo một con đường khác. Như người ta thường nói, anh không ngồi chờ khoa học đến bố thí cho mình! Anh đã đạt được những kết quả khoa học khiến mọi người ngạc nhiên bằng cách làm việc rất nhiều, với năng lực lao động rất lớn. Viện Dubna đã tạo môi trường thuận lợi cho anh. Mọi điều còn lại phụ thuộc vào lao động và phẩm chất cá nhân. Anh là một nhà bác học thật lớn. Tôi tin chắc, anh sẽ còn đóng góp được nhiều cho khoa học."

Trong nhiều ngôn ngữ châu Âu, người ta thường dùng từ bác học để chỉ người khám phá ra cái mới, góp phần vào sự phát triển tri thức của nhân loại, và từ học giả để chỉ người đọc nhiều, tích luỹ lắm kiến thức, nhưng không hẳn đã có phát minh, sáng chế gì.

"Tôi không quên - Svanev viết tiếp - phỏng vấn vị tiến sĩ khoa học tân khoa:

- Làm thế nào giải thích được hiện tượng hai thời điểm cách nhau ngắn như vậy, anh có thể bảo vệ được luận án tiến sĩ, rồi luận án tiến sĩ khoa học?

- Thật ra, luận án là điều tôi ít nghĩ đến nhất! Tôi chỉ nghĩ đến công việc. Điều tôi mong muốn nhất là trở nên có ích cho Tổ quốc tôi."

Sự đánh giá cao của các nhà bác học lớn

Tiếp theo bài của Svanev, GS Markov còn tự viết một bài báo khác đăng trên báo ảnh Liên Xô. GS nhận định: "Việc bảo vệ luận án của nhà bác học Việt Nam chưa đầy 26 tuổi là một sự kiện ở Dubna." Ông cho biết: "Các nhà bác học lớn nhất ở Liên Xô đều đến nghe anh."

Thật hiếm thấy một buổi bảo vệ luận án nào thu hút được nhiều nhà bác học cỡ lớn tới dự như buổi bảo vệ của Nguyễn Văn Hiệu hôm ấy. Bởi vì, như lời GS Logunov dự báo, do những kết quả mà anh Hiệu đạt được có ý nghĩa rất cơ bản, và... "đang còn nóng hổi", rất "lý thú"!

Một nhà bác học lớn có mặt hôm ấy là Bruno Pontecorvo. Ông là người gốc Italy, cộng sự gần gũi của Enrico Fermi (Giải thưởng Nobel về vật lý năm 1938). E. Fermi phát minh ra phép thống kê Fermi-Dirac rất nổi tiếng trong vật lý hạt, và là cha đẻ của pin nguyên tử, máy gia tốc. Cộng tác với E. Fermi, B. Pontecorvo gián tiếp tham gia vào việc chế tạo quả bom nguyên tử đầu tiên của Mỹ, vì tưởng lầm rằng bọn phát-xít cũng đang chế tạo loại bom đó. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, thất vọng trước việc Washington ném hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản, B. Pontecorvo rời Mỹ sang Dubna, nhập quốc tịch Liên Xô, được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, được tặng Giải thưởng Lênin vì khám phá ra một lượng tử mới của neutrino.

Chúng ta có thể nghe nhà bác học lỗi lạc ấy nhận xét về Nguyễn Văn Hiệu: "Có thể tóm tắt đặc điểm khoa học của nhà bác học Việt Nam trẻ tuổi ấy bằng hai từ: tài năng và nghị lực. Song còn có thể thêm một từ thứ ba: năng suất."

Không phải không có người sau khi cầm được tấm bằng tiến sĩ, hay hơn nữa, tiến sĩ khoa học, là mãn nguyện lắm rồi, coi như "công thành danh toại", có thể "ngủ say trên cành nguyệt quế"!

Nguyễn Văn Hiệu không rơi vào tấn bi kịch đó. Ngay sau khi bảo vệ luận án về các hệ thức tiệm cận, anh liền lao ngay vào một lĩnh vực nghiên cứu mới đầy hứa hẹn: Nghiên cứu các tính chất đối xứng cao, thống nhất sự đối xứng nội tại của các hạt cơ bản với tính đối xứng của không-thời gian.

Anh lại bước tiếp tới những "giới hạn mới" về phía chân trời của nhận thức.
Hàm Châu
(Còn nữa)
Dòng sự kiện: GS Nguyễn Văn Hiệu