Kỷ luật học trò theo Thông tư cách đây gần 30 năm: Lỗi thời và bị “bỏ rơi”!

(Dân trí) - “Tố” học sinh vi phạm trước lớp, trước trường; “tố” mà học sinh vẫn không thay đổi thì… đuổi học. Kỷ luật học sinh theo Thông tư 08 từ năm 1988 với nhiều hình thức lạc hậu, không còn phù hợp vẫn đang được duy trì trong trường học.

Kỷ luật trước tập thể

Hiện nay các trường phổ thông áp dụng theo Thông tư 08 của Bộ Giáo dục ban ngày ngày 21/3/1988 trong việc kỷ luật học trò. Cho dù, chỉ cần đọc qua, kể cả những người không công tác trong ngành giáo dục cũng sẽ dễ dàng nhận thấy hình thức kỷ luật học trò theo thông tư đã quá lỗi thời.

Trong thông tư có 5 hình thức kỷ luật và cùng có điểm chung là… kỷ luật trước tập thể. Ngay ở mức kỷ luật nhẹ nhất cho một số vi phạm như không thuộc bài hoặc làm bài, không chuẩn bị bài đầy đủ do thầy cô quy định, đi học không đúng giờ từ 3 lần trở lên trong thời gian 1 tháng; nói năng thô tục, đánh bạc, hút thuốc lá… sẽ bị khiển trách trước lớp.

Kỷ luật học trò theo Thông tư cách đây gần 30 năm: Lỗi thời và bị “bỏ rơi”! - 1

Trong khi những vi phạm như hút thuốc lá, đánh bạc, chơi đề… mà đơn thuần là bị triển trách có thể là quá nhẹ, không có sức răn đe.

Nặng hơn là hai hình thức: khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường và cảnh cáo trước toàn trường.

Sau nữa là hình thức đuổi học một tuần lễ đối với những học sinh vi phạm các khuyết điểm đã bị cảnh cáo trước toàn trường nhưng không biết hối lỗi và sửa chữa khuyết điểm, có ảnh hưởng xấu tới những học sinh khác; hoặc phạm khuyết điểm lần đầu nhưng có tính chất và mức độ nghiêm trọng, làm tổn thương nhiều đến danh dự của nhà trường, của thầy cô giáo và tập thể học sinh như: trộm cắp, trấn lột, gây gổ đánh nhau có tổ chức và gây thương tích cho người khác.

Thông tư 08/1988 với những hình thức kỷ luật học sinh đã không còn phù hợp.
Thông tư 08/1988 với những hình thức kỷ luật học sinh đã không còn phù hợp.

Và hình thức kỷ luật nặng nhất là đuổi học một năm. Tuy nhiên, thông tư đặt ra “yêu cầu” vô cùng thách thức và hài hước với học sinh, gia đình và cả địa phương là học sinh bị đuổi học muốn quay lại trường thì phải có xác nhận của phường, xã về sự tiến bộ của bản thân.

Các em vi phạm kỷ luật trong trường học khi có thầy cô kèm cặp, giáo dục mà quy định lại đòi hỏi các em phải tiến bộ sau thời gian bị đuổi học không có môi trường sinh hoạt tập thể, không đến lớp, hầu hết các em chỉ lông bông, tụ tập?

"Bỏ rơi" giáo dục đạo đức?

Áp dụng thông tư này nên nhiều năm qua, trong trường học những giờ sinh hoạt lớp, giờ chào cờ lại nghe ra rả tên học sinh bị “bêu gương” trước lớp, trước trường trở nên quen thuộc. Các em học sinh khởi đầu một tuần mới không phải bằng những niềm vui, những lời động viên mà chỉ toàn những trời trách phạt, chê bai.

TS xã hội học Phạm Thị Thúy cho rằng, Thông tư 08 về kỷ luật học sinh đã không còn phù hợp. Nguyên tắc cơ bản nhất của ứng xử là khen thì cần khen nơi đông người, chê nơi riêng tư thì giáo dục chúng ta toàn làm ngược lại. Lâu nay, giờ chào cờ là lôi những điểm chưa được của học sinh ra nói, em nào vi phạm thì bị gọi tên, đứng dưới cột cờ để trừng phạt, bêu rếu… Trong khi lễ chào cờ, sinh hoạt cần khen ngợi, động viên, khích lệ học sinh để các em có được niềm vui, sự phấn chấn khi tới trường.

Khen thưởng học sinh và tập thể lớp trong giờ chào cờ đầu tuần tại một Trường THCS ở TPHCM
Khen thưởng học sinh và tập thể lớp trong giờ chào cờ đầu tuần tại một Trường THCS ở TPHCM

Rồi hình thức đuổi học, loại các em vi phạm ra khỏi môi trường tập thể khi các em đang “có vấn đề” đồng nghĩa với việc đẩy các em vào đường cùng. Trong khi các em chính là đối tượng cần nhận được sự giáo dục tích cực nhất. Các em tiếp tục quay lại hoặc bỏ học luôn đều gây ra những khó khăn, bất ổn cho gia đình, nhà trường và xã hội.

Hiệu trưởng một Trường THCS ở Phú Nhuận cho hay những học sinh “nổi loạn”, có những hành vi vi phạm kỷ luật phần lớn các em có những bất ổn phía sau, các em rất cần được hỗ trợ, được quan tâm, động viên và tìm ra những mặt tích cực để khen ngợi thì chúng ta “ném” các em bằng những cách phải nói là bêu riếu, bôi nhọ và loại các em ra khỏi môi trường bạn bè, thầy cô.

Theo vị hiệu trưởng này, Thông tư 08 không còn phù hợp và cần phải thay đổi ngay để không ảnh hưởng đến học sinh cũng như để nhà trường phát huy vai trò giáo dục thật sự.

Mục đích của kỷ luật là giáo dục và răn đe thì các hình thức kỷ luật theo Thông tư 08 đều không còn đáp ứng được. Các hình thức kỷ luật thiếu tính giáo dục và nhân văn, mâu thuẫn với những bài học đạo đức và lòng bao dung, về khắc phục lỗi lầm mà các em nghe hàng ngày.

Những hình thức kỷ luật này cũng mâu thuẫn với quyền của trẻ em là quyền được bảo vệ, tôn trọng và quyền được đi học.

Thông tư với những hình thức kỷ luật lạc hậu gây nhiều khó khăn cho nhà trường, giáo viên. Hiện nay, nhiều địa phương đang chú trọng đến công tác tư vấn ở trường học, đưa liệu pháp tâm lý vào trường học hỗ trợ học sinh. Nhưng nếu cứ chiếu theo Thông tư kỷ luật, học sinh vi phạm là bị “bêu”, bị đuổi học thì hoạt động tư vấn tâm lý trường học e rằng sẽ không sân để tồn tại.

Trong rất nhiều hội thảo về chủ đề đạo đức học sinh ngày nay, về tình trạng bạo lực học đường ngày càng trầm trọng… đã có rất nhiều nhà giáo dục, tâm lý lên tiếng cảnh báo hậu quả của Thông tư 08 đang được duy trì trong trường học.

Những bất ổn của học sinh ngày nay là hệ quả của giáo dục bỏ quên lễ nghĩa, đạo đức?
Những bất ổn của học sinh ngày nay là hệ quả của giáo dục bỏ quên lễ nghĩa, đạo đức?

Chuyện học hành, thi cử chúng ta thấy liên tục thông báo này tới thông báo khác, hội thảo này đối hội thảo khác, năm nào cũng thay đổi đến mức học sinh và giáo viên “chóng mặt” chạy theo không kịp. Trong khi việc khen thưởng - nội dung quan trọng hàng đầu trong giáo dục đạo đức, nhân cách học trò cần có điều chỉnh phù hợp với thời đại, với tâm lý, với sự phát triển của xã hội lại bị “bỏ quên”.

Thật khó hiểu khi Thông tư kỷ luật cách đây gần 30 năm, đến nay đã qua 5 đời Bộ trưởng, không còn phù hợp, lạc hậu, lỗi thời vẫn đang được áp dụng chính thức trong nhà trường?

Phải chăng chúng ta nhắc nhiều, hô hào nhiều đến việc chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách học trò để không hổ thẹn với khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” được treo ở khắp các trường học. Nhưng tất cả chỉ mới nói chứ không làm. Giáo dục vẫn ưu tiên, vẫn dồn mọi sức lực cho học hành và thi cử, còn giáo dục đạo đức, lễ nghĩa bị bỏ rơi để rồi chúng ta lại quay sang than phiền, lo sợ “Con trẻ ngày nay…”.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)