Kỷ niệm Ngày quốc tế chống nạn mù chữ và 65 năm Bình dân học vụ

(Dân trí) - Ngày 8/9, tại Hà Nội, UNESCO Việt Nam, CLB UNESCO Chiến sỹ diệt dốt Nguyễn Văn Tố và Trung tâm GDTX Nguyễn Văn Tố đã phối hợp tổ chức Lễ kỷ niệm ngày quốc tế chống nạn mù chữ và 65 năm Bình dân học vụ (1945-2010).

Kỷ niệm Ngày quốc tế chống nạn mù chữ và 65 năm Bình dân học vụ - 1
Một lớp học Bình dân học vụ.

Ngày 8/9/1945, Chính phủ ban hành sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ quyết định thành lập cho nông dân và thợ thuyền những lớp học bình dân buổi tối. Việc học chữ quốc ngữ bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người. Hạn trong một năm, toàn thể dân chúng Việt Nam trên 8 tuổi phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ.

Chỉ sau một năm hoạt động Bình dân học vụ đã có 2.520.678 người thoát nạn mù chữ (dân số lúc đó là 22 triệu người).

Năm 2000, Việt Nam đã thực hiện xong việc xóa nạn mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học trong cả nước theo chuẩn quốc gia với hơn 82 triệu người.

Hiện cả nước có 22 triệu học sinh, sinh viên và hơn một triệu thầy cô giáo bước vào năm học mới 2010-2011; trong đó số học sinh ở các cấp là 19,6 triệu học sinh, số sinh viên cao đẳng và đại học hơn 2,2 triệu.
 
Kỷ niệm Ngày quốc tế chống nạn mù chữ và 65 năm Bình dân học vụ - 2
Phổ cập giáo dục.

Hiện nay, nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước đã ban hành nhằm đạt mục tiêu phổ cập giáo dục THCS vào năm 2010, thế nhưng trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn.

Năm học 2008-2009, cả nước vẫn còn hơn 746.000 chiếm 12,12% em trong độ tuổi THCS không học ở trường THCS, trong đó có 216.515 em đang học ở tiểu học, còn lại là học ở trung tâm giáo dục thường xuyên và không đi học THCS; còn 326.262 học sinh THCS học không đúng độ tuổi (trên 14 tuổi).

Khu vực miền núi phía Bắc, vùng duyên hải Trung bộ và khu vực ĐBSCL có số học sinh chưa được đến trường THCS chiếm tỷ lệ cao hơn các vùng khác. Ở các vùng sâu, vùng xa, khả năng nhập học của trẻ em tuy có tiến bộ nhưng tỷ lệ huy động chưa cao.

Trước những thách thức đó, năm học 2009-2010, Bộ GD-ĐT đã ban hành hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục THCS. Theo đó sẽ phấn đấu đạt mục tiêu tất cả các tỉnh, thành phố đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục THCS vào năm 2010. Đối với các tỉnh, thành phố đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS, phải củng cố và nâng cao vững chắc chất lượng phổ cập giáo dục, thực hiện việc kiểm tra, đánh giá, công nhận và báo cáo hằng năm. Tập trung cao độ chỉ đạo đối với các địa phương chưa đạt chuẩn và các địa phương tuy đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS nhưng chưa thực sự vững chắc. Phát triển giáo dục sau THCS bằng nhiều hình thức (phổ thông, bổ túc văn hóa, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề) theo phương châm phát triển số lượng trên cơ sở các điều kiện bảo đảm chất lượng.

Hồng Hạnh (tổng hợp)