Kỳ thi quốc gia 2 trong 1: Nên tổ chức theo phương án thi 8 môn

(Dân trí) - Tiến sĩ Nguyễn Đức Trọng, nguyên trưởng phòng đào tạo trường ĐH Hàng hải tán đồng với dự thảo Đề án thi quốc gia theo phương án 1. Tuy nhiên, với kinh nghiệm nhiều năm làm tuyển sinh, Tiến sĩ Trọng đã có những ý bổ sung thêm để kỳ thi nhẹ nhàng hơn.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Trọng cho rằng: "Mục đích của kỳ thi 2 trong 1 là xét công nhận tốt nghiệp THPT và là căn cứ để các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh. Trên nguyên tắc, đảm bảo nghiêm túc, khách quan, công bằng để các trường ĐH, CĐ yên tâm sử dụng kết quả thi phục vụ công tác tuyển sinh".

 
Phụ huynh, học sinh, mong muốn kỳ thi 2 trong 1 phải nhẹ nhàng, khách quan, công bằng
Phụ huynh, học sinh, mong muốn kỳ thi 2 trong 1 phải nhẹ nhàng, khách quan, công bằng.

Do đó, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trọng đã có những ý kiến bổ sung vào dự thảo Đề án thi quốc gia với 8 môn thi để kỳ thi nhẹ nhàng hơn. Cụ thể:

Về các môn thi: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và Ngoại ngữ; Kỳ thi được tổ chức vào tuần thứ hai của tháng 6 hàng năm; có 8 buổi thi trong 4 ngày, mỗi buổi thi 1 môn.

Các môn thi tự luận: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí . Thời gian làm bài: 180 phút.

Các môn thi trắc nghiệm: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ. Thời gian làm bài: 90 phút.

Ban ra đề thi: Do Bộ GD-ĐT đảm nhiệm. Đề thi sẽ có phần hết sức cơ bản để dùng xét tốt nghiệp nhưng bên cạnh đó có phần nâng cao, tích hợp, khó hơn (giống đề thi ĐH năm nay) để các trường ĐH, CĐ dùng làm cơ sở xét tuyển vào trường (Không bắt buộc tất cả các trường sử dụng kết quả này). Các trường có thể sử dụng toàn bộ kết quả như 62 trường tuyển sinh riêng trong năm nay hoặc có thể sử dụng một phần kết quả, sau đó thi vài môn khác, phỏng vấn… Đề thi được xây dựng theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở. Cùng với quá trình chuyển mạnh việc dạy và học từ chủ yếu truyền thụ kiến thức sang chú trọng hình thành phẩm chất, năng lực của học sinh.

Để xét công nhận tốt nghiệp THTP: Mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn (gọi là các môn thi tối thiểu) gồm: 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí.

Kết quả của 4 môn thi tối thiểu được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT; kết quả 4 môn thi này cũng được sử dụng để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có các môn thi phù hợp với ngành đào tạo.

Ngoài 4 môn thi nói trên, thí sinh có quyền đăng ký thi thêm các môn thi của kỳ thi THPT quốc gia còn lại để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ theo yêu cầu của các ngành đào tạo do từng trường ĐH, CĐ quy định.

Cách tổ chức thi: Mỗi  một tỉnh có một cụm thi quốc gia (Tương tự như các cụm thi Cần Thơ, Quy Nhơn, Vinh, Hải Phòng), do một trường đại học làm Trưởng cụm.(riêng tại Hà Nội và TPHCM thì do Giám đốc ĐH quốc gia làm Trưởng cụm.

Hội đồng coi thi và chấm thi: Chủ tịch Hội đồng: Hiệu trưởng một trường đại học được Bộ GD-ĐT ủy quyền. Phó chủ tịch HĐ: Phó Giám đốc Sở GD-ĐT phụ trách Khối THPT. Các ủy viên: Lãnh đạo, Cán bộ, giảng viên của các trường ĐH, CĐ và các Trường THPT.

Cán bộ coi thi: Là giảng viên các trường ĐH, CĐ và giáo viên các trường THPT.

Thanh tra, giám sát: Cán bộ Bộ GD-ĐT, Cán bộ, Giảng viên các trường ĐH, CĐ, THPT.

In sao đề thi: Giao cho trường ĐH là Trưởng cụm phụ trách. Các lực lượng hỗ trợ là công an các tỉnh thành.

Các phòng thi: Toàn bộ thí sinh của một tỉnh được xếp theo vần ABC.

Xử lý dữ liệu tuyển sinh:

+ Các trường THPT nhập dữ liệu thi gửi về Sở GD-ĐT sau đó chuyển về Trưởng cụm thi.

+ Đối với các thí sinh tự do (thi lại để xét tốt nghiệp THPT, hoặc xét tuyển ĐH, CĐ) thì đăng ký tại Sở GD-ĐT và sau đó chuyển về Trưởng cụm thi.

+ Trưởng cụm thi xử lý dữ liệu và xếp phòng thi theo vần ABC.. và đánh số báo danh. Sau đó kết hợp với Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ và Sở GD-ĐT để phân công cán bộ coi thi.

+ Trưởng cụm thi có trách nhiệm tập huấn cán bộ coi thi, Ban thư ký...

Chấm thi:

Bài thi trắc nghiệm: Việc chấm toàn bộ bài thi trắc nghiệm do Trường đại học đảm nhiệm.

Bài thi tự luận: Được chấm chéo giữa các tỉnh với nhau hoặc vẫn giao cho Trưởng cụm thi phụ trách để đảm bảo công bằng, nghiêm túc không xảy ra tiêu cực.

Xử lý kết quả chấm thi và thông báo cho thí sinh: Toàn bộ dữ liệu và bài thi sau khi chấm xong được lưu trữ tại trường ĐH làm Chủ tịch Hội đồng thi. Trường ĐH phối hợp với Sở GD-ĐT đưa kết quả về các trường THPT và công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Sử dụng kết quả thi:

Nguyên tắc: Điểm thi của thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ, Trung cấp chuyên nghiệp. Như vậy, học sinh sẽ thi quốc gia trước, đăng ký vào học ở ngành và trường ĐH, CĐ sau khi đã có kết quả thi quốc gia.

Xét công nhận tốt nghiệp: Những học sinh đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định trong quy chế thi sẽ được xét công nhận tốt nghiệp như sau:

 Điểm xét tốt nghiệp: Điểm của 4 môn thi tối thiểu. Đối với những thí sinh giáo dục thường xuyên không thi ngoại ngữ thì điểm công nhận tốt nghiệp là điểm của 3 môn thi; Điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có): Công nhận tốt nghiệp theo quy định trong quy chế thi.

Tuyển sinh ĐH, CĐ: Các trường ĐH, CĐ phải công bố thông tin về tuyển sinh trước kỳ thi quốc gia 6 tháng trên website của trường và cổng thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT. Thông tin về tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ phải nêu rõ phương thức tuyển sinh, trong đó cần chỉ rõ hình thức và mức độ sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia trong việc tuyển sinh vào trường theo từng ngành học để học sinh biết và đăng ký thi.

Các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh: Công bố phương thức tuyển sinh của trường mình trong đó có các môn thi của kỳ thi THPT quốc gia sẽ được dùng để xét tuyển đối với những ngành đào tạo của trường (gọi là các môn thi xét tuyển) và công bố môn thi xét tuyển đối với từng ngành đào tạo của trường.

Trên cơ sở kết quả kỳ thi THPT quốc gia, tùy thuộc tính đặc thù của nhà trường, có thể bổ sung các hình thức kiểm tra năng lực khác như: sơ tuyển, phỏng vấn, viết luận, kiểm tra IQ, thi bổ sung… theo quy định của quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ.

Đối với các trường ĐH, CĐ không sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh: Xây dựng đề án tuyển sinh riêng, trình Bộ GD-ĐT. Đề án tuyển sinh riêng chỉ cần nêu rõ phương thức tuyển sinh, điều kiện đảm bảo chất lượng nguồn tuyển.

Phúc khảo: Thí sinh gửi đơn phúc khảo về Hội đồng tuyển sinh. Hội đồng tuyển sinh có trách nhiệm chấm phúc khảo và thông báo công khai cho thí sinh được biết.

Hồng Hạnh (ghi)