Kỳ thi tốt nghiệp THPT và những nỗi âu lo

(Dân trí) -Chiều 23/5, Bộ GD-ĐT đã tổ chức cuộc gặp gỡ báo chí để trao đổi công tác chuẩn bị kì thi, thanh tra… ở kì thi tốt nghiệp THPT. Vấn đề được báo chí tập trung thảo luận đó là việc cho phép thí sinh mang thiết bị thu âm, ghi hình vào phòng thi.

Ông Ngô Kim Khôi - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, theo số liệu báo cáo từ các địa phương gửi về được tổng hợp đến ngày 22/5, tổng số thí sinh đăng ký dự thi (ĐKDT) tốt nghiệp THPT năm 2013 là 946.064 em, so với năm 2012, giảm 17.507 thí sinh (1,82%). Trong đó, có 854.355 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, so với năm 2012 giảm 1.916 em, tương đương giảm 0,223%; GDTX có 91.759 thí sinh ĐKDT, so với năm 2012 giảm 15.591 em (14,5%). Cả nước đã chuẩn bị 40.361 phòng thi (giảm 259 phòng so với năm 2012).

Ông Ngô Kim Khôi -Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục trao 
Ông Ngô Kim Khôi -Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục trao đổi với báo chí xoay quanh về khâu chuẩn bị kì thi tốt nghiệp THPT.

Theo đánh giá của ông Ngô Kim Khôi, công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT về cơ bản đã sẵn sàng. Đến thời điểm này, Bộ đã ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo, văn bản hướng dẫn đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT; đã gửi cho các địa phương, các sở GD-ĐT, các nhà trường cũng như các bộ ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan để đề nghị phối hợp, giúp đỡ, tạo điều kiện tổ chức tốt kỳ thi.

“Nóng” chuyện thu âm, ghi hình

Điểm mới ở kì thi tốt nghiệp THPT năm nay đó là cho phép thí sinh mang thiết bị ghi âm, thu hình nhưng không có chức năng phát trực tiếp hoặc truyền tin ra ngoài vào phòng thi. Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn cụ thể từ phía Bộ GD-ĐT nên mỗi địa phương làm một kiểu. Thậm chí có nơi yêu cầu thí sinh muốn mang thiết bị phải đăng ký trước. Việc làm này có sai chủ trương của ngành?

Trước câu hỏi này, ông Phạm Ngọc Trúc - Phó Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT nhấn mạnh: “Trong kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012, Bộ GD-ĐT đã đưa quy định này và đã diễn ra an toàn, nghiêm túc. Các trường cũng không gặp khó khăn gì. Mục đích của việc làm này là nhằm tăng cương giám sát từ phía xã hội”.

Ông Trúc cũng cho hay, Bộ GD-ĐT đã ban hành công văn số 273 ngày 16/4/2013 hướng dẫn về thanh tra thi tốt nghiệp THPT năm 2013 yêu cầu các địa phương, hội đồng coi thi phải có hướng dẫn việc kiểm tra các thiết bị ghi âm, ghi hình thí sinh được phép mang vào phòng thi để tránh các tiêu cực trong kỳ thi. Như vậy, các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương mình, khả năng về thiết bị kỹ thuật, chuyên gia để đưa ra những quy định, cách để kiểm tra thiết bị nào thí sinh được phép mang vào phòng thi. Đây là một trong những chủ trương theo đúng định hướng từng bước tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các địa phương trong việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT hàng năm trong thời gian tới.
 

“Trong nhà trường, ngoài lệ phí thì học sinh không phải nộp gì cả, địa phương nào thu các khoản ngoài là trái quy định. Bộ GD-ĐT sẽ có biện pháp xử lý nghiêm nêu phát hiện địa phương nào làm sai”- Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học nêu quan điểm trước phản ánh của báo chí về việc có quỹ “chống trượt”

Ông Trúc khẳng định, việc khi mang thiết bị ghi âm gi hình, thí sinh phải thông báo trước để kiểm tra không có gì là sai với chủ trương của ngành. Bởi cách làm này nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình làm việc.

Trước câu hỏi của PV Dân trí về việc, nếu đưa ra quy định này thì liệu có mất công bằng đối với thí sinh chẳng may mang điện thoại di động vào phòng thi ở trạng thái tắt máy (ở trạng thái này không thu cũng không phát - PV) nhưng khi bị phát hiện lại bị đình chỉ thi, cấm dự thi năm kế tiếp…ông Phạm Thanh Trúc đưa ra lời giải thích: “Quan điểm của Bộ GD-ĐT là nghiêm cấm việc thí sinh mang thiết bị thu nhưng có chức năng phát vào phòng thi. Điện thoại di động vừa có chức năng thu lại vừa có chức năng phát, do đó thuộc danh mục cấm mang vào phòng thi. Còn trường hợp điện thoại đã tắt rồi thì cũng khó kiểm chứng bởi cán bộ coi thi không thể giám sát được lúc nào tắt lúc nào bật. Do đó đề nghị tăng cường công tác nhắc nhờ để tuyệt đối thí sinh không mang điện thoại di động vào phòng thi”.

Mặc dù Bộ GD-ĐT đã đưa ra quan điểm của mình liên quan đến thiết bị thu âm, ghi hình nhưng trong đó vẫn còn nhiều điều đáng để bàn. Chẳng hạn như, khuyên khích việc tố cáo tiêu cực trong thi cử nhưng người mang thiết bị vào phòng thi lại phải công khai danh tính (thể hiện việc đăng ký mang thiết bị vào phòng thi - PV). Bên cạnh đó, trong quy chế của Bộ GD-ĐT và các văn bản hướng dẫn chưa đề cập đến việc nếu giáo viên cũng tham gia chống tiêu cực bằng cách mang thiết bị ghi âm, thu hình đúng quy định vào phòng thi thì có bị xử lý…

Thanh tra tra đột xuất không báo trước 15 địa phương

Liên quan đến công tác thanh tra ở kì thi tốt nghiệp THPT năm nay, Phó Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Trúc cho hay, năm nay, công văn của Bộ trưởng đề nghị tăng cường công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra việc tổ chức thi, chấm thi và công bố kết quả thi. Cụ thể, trong công văn hướng dẫn công tác thanh tra năm nay nêu rõ, các địa phương phải chịu trách nhiệm hoàn toàn việc thanh tra, kiểm tra các điều kiện đảm bảo cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Về công tác coi thi, đối với lực lượng thanh tra của Sở GD-ĐT sẽ tổ chức thanh tra dưới 2 hình thức: Thanh tra cắm chốt với tỷ lệ cứ 7-10 phòng thi có 1 thanh tra và tổ chức các đoàn thanh tra lưu động của Sở, thanh tra không báo trước các hội đồng thi, đảm bảo việc đánh giá là khách quan, chính xác. Đối với công tác coi thi, Bộ thành lập các đoàn thanh tra lưu động để thanh tra đột xuất không báo trước cho bất cứ một hội đồng coi thi nào. Việc đến hội đồng nào là do trưởng đoàn thanh tra quyết định chứ không phải do địa phương hướng dẫn.

Ông Ngô Kim Khôi -Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục trao 
Phần lớn thời gian của buổi gặp mặt báo chí tập trung vào công tác thanh tra, thiết bị ghi âm, thu hình. Trong ảnh: Ông Phạm Ngọc Trúc trả lời báo chí các vấn đề liên quan về công tác thanh tra.

Ngoài ra, nếu trong quá trình chấm thi phát hiện ra có dấu hiệu làm bài tập thể, cán bộ coi thi, giám sát phòng thi, thanh tra, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định. Cán bộ coi thi nào coi thi không nghiêm túc, để xảy ra chuyện thí sinh chép lẫn của nhau, làm bài tập thể, sau này chấm thi phát hiện ra vẫn quay lại để xử lý kỷ luật.

“Năm nay quy chế quy định các hội đồng chấm thi phải chấm kiểm tra ít nhất 5% bài tự luận, song song với quá trình chấm thi, kịp thời phát hiện ra những dấu hiệu bất thường để điều chỉnh quá trình chấm thi, đảm bảo chấm thi chính xác, khách quan, công bằng. Ngoài ra, lực lượng thanh tra chấm thi cũng được tăng cường. Thanh tra không chấm thanh tra mà chủ yếu tập trung thanh tra việc thực hiện các quy định của quy trình chấm nhằm đảm bảo chấm độc lập 2 vòng thực sự, đảm bảo chính xác, khách quan” - ông Trúc nhấn mạnh.

ông Trúc cho biết thêm, Bộ GD-ĐT sẽ thành lập các đoàn thanh tra lưu động không báo trước. Đi đến đâu, thanh tra điểm thi nào là quyền của đoàn thanh tra. Năm nay Bộ sẽ có 10 đoàn thanh tra, thanh tra 15 địa phương, rải từ Bắc đến Nam. Những địa phương được chọn là những địa phương mà đặc điểm địa hình, địa lý dân cư có những nét cần phải lưu ý trong quá trình thanh tra.

Nguyễn Hùng