Ký túc xá mùa nóng

Vượt 20 cây số từ nơi thực tập về, mồ hôi nhễ nhại, Thanh Ngọc (K46 Báo chí, ĐHKHXH&NV Hà Nội) hộc tốc lao vào nhà tắm. Nhưng chỉ ít phút sau cậu trở ra với bộ mặt nhăn nhó: “Lại mất nước!”

“Mới nắng hai hôm đã cắt nước, trời nóng nực thế này khác nào giết nhau”, Ngọc cáu gắt bật quạt vù vù cho vơi cơn nóng nực sau chặng đường dài từ toà soạn về. Mặc dù đã được thông báo trước nhưng không ít phòng cứ rối mù cả lên khi mới 6 giờ chiều ký túc xá (KTX) đã mất nước. Các thùng nước dự trữ hết nhẵn không còn một giọt.

 

Các nam SV thi nhau đổi thành “họ... trần”, “tên” nào “tên” ấy chỉ độc chiếc quần cộc ùa hết ra hành lang hóng gió. Sân KTX cũng vắng hẳn người chơi thể thao. “Trời nóng, nước lại không có, chơi xong mà không tắm được thì chịu sao nổi”, Minh Thanh (ĐHKHTN HN) giải thích.

 

6 giờ tối, Huyền (ĐHKHXH&NV) lụi hụi xách chiếc can 5 lít về phòng, thất vọng nói: “Tưởng chỉ trong ký túc mới thiếu nước, xách can vào thằng bạn trong Phùng Khoang xin nước, ai ngờ bọn nó cũng đang dở khóc dở mếu vì không có nước rửa rau. Cứ đà này thì không biết làm sao qua được mùa hè”.

 

Chắt những giọt nước cuối cùng trong xô, Thành ngao ngán lắc đầu: “Cả ngày bận tối mặt với sách vở, đêm về là lúc nghỉ ngơi sinh hoạt vậy mà không dám tắm, không dám giặt vì sợ hết nước uống thì cả phòng nguy. Áo quần cũng đành ngâm đó vài ngày chờ lúc rỗi thì giặt. Mùa hè mà thiếu nước, trông nhếch nhác lắm”.

 

Khổ cho các cô cậu SV là nước thường bị cắt vào đúng giờ sinh hoạt cao điểm. Xô nước to tướng được cắt cử người hứng dự trữ từ chiều không đủ đáp ứng cho nhu cầu tắm giặt của 10 con người. Giờ có nước thì ai cũng bận đi học, đi làm thêm. Không lẽ bỏ học chạy về hứng nước!

 

Tân (năm cuối ĐHKHTN) đang thực tập ở một cơ quan tận Tây Hồ. Mỗi buổi đến công ty, cậu không quên xếp theo bộ áo quần: “Tranh thủ đến cơ quan tắm cho thoải mái. Ở đó có hệ thống nóng lạnh, lại không lo thiếu nước như trong ký túc”.

 

Mất nước, cách duy nhất để SV nội trú chống lại cái nóng là những chiếc quạt điện. Tuy nhiên, muốn “kiếm tí gió” cũng không phải dễ khi Sở Điện lực Hà Nội chủ trương cắt điện luân phiên để tiết kiệm điện.

 

Ông Trần Xuân Nhâm, cán bộ quản lý điện nước KTX Mễ Trì cho biết: “Chúng tôi biết, mất điện mất nước thì sinh viên trong ký túc sẽ rất khó khăn. Nhưng ban quản lý cũng không biết làm thế nào vì việc cắt nước và cắt điện là chủ trương chung của Sở điện lực và công ty cấp nước. Cách duy nhất bây giờ sinh viên hãy cùng chia sẻ khó khăn chung và sử dụng điện nước một cách hợp lý, tiết kiệm”.

 

Theo Phan Văn KiềnGD-TĐ