Ký túc xá tư nhân, vào hay thôi?

Không được vào ký túc xá (KTX) trong trường, nhiều sinh viên đã tìm đến KTX tư nhân. Những lời quảng cáo ngon lành, những điều kiện không thể hấp dẫn hơn... Nhưng khi vào ở, không ít sinh viên bị vỡ mộng.

Thiếu không gian

Vào năm 2006, KTX tư nhân đầu tiên ở địa bàn TPHCM được anh Huỳnh Phi Châu xây dựng trên đường Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp). Từ đó đến nay, nhiều chủ nhà trọ đã học tập mô hình này để tăng nguồn cung chỗ ở cho sinh viên. Điển hình là KTX Thanh Bình trên đường Lê Đức Thọ cũng ở quận Gò Vấp. Tiền thân của KTX này là dãy nhà trọ được đầu tư xây dựng lại.

Cũng giống như hình ảnh thường thấy ở KTX thuộc các trường đại học và cao đẳng, ở KTX tư nhân, mỗi sinh viên được sử dụng một chiếc giường. Mọi sinh hoạt, học tập, giải trí đều trên chiếc giường này. Hơn thua nhau là ở không gian xung quanh chiếc giường. Chẳng hạn, ở KTX Thanh Bình, mỗi sinh viên được sử dụng chừng 2m2. Một căn phòng 35m2 nhưng có tới 19 người. Lối đi giữa phòng vừa đủ để hai người tránh nhau.

Còn tại KTX Quang Ninh (do Công ty Quang Ninh) xây dựng trên đường Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp) thì không có chỗ gửi xe. Bạn nào có phương tiện đi lại phải tự tìm chỗ gửi bên ngoài. Các hoạt động sinh hoạt chung hay vui chơi giải trí ngoài trời là những món hàng xa xỉ.

Ký túc xá tư nhân, vào hay thôi? - 1
Ký túc xá như thế này là niềm mơ ước của nhiều sinh viên.

Nhiều khoản phạt “lạ”    

Điều kiện để nhập cư vào KTX tư nhân “thoáng đãng”, nghe thấy là thèm, nhưng hầu hết sinh viên phải chịu mức giá cao gấp đôi so với KTX của các trường đại học, cao đẳng.

Một con số cụ thể: Trong khi sinh viên nội trú ở KTX Trường ĐH Công nghiệp TPHCM trả mức phí 1,5 triệu đồng/năm thì tại KTX Thanh Bình lên đến 2,5 triệu đồng. Sinh viên ở KTX các trường được sử dụng điện nước miễn phí. Còn ở các KTX tư nhân, các bạn sẽ phải trả mức phí cao gấp 3 lần so với giá điện, nước do Nhà nước quy định. Chẳng hạn, ở KTX Thanh Bình, điện được tính ở mức 2.500 đồng/kWh. Nước giếng bơm nhưng chủ ký túc xá vẫn tính 2.500 đồng cho 3m3 đầu tiên, 2m3 kế tiếp tăng gấp đôi và từ mét khối thứ 5 trở đi là 10.000 đồng. Sinh viên ở tại KTX Quang Ninh phải đóng mức phí tới 4 triệu đồng/năm.

Vào ở KTX tư nhân, sinh viên chắc chắn phải chấp nhận một số những quy tắc lạ lùng. KTX Thanh Bình sẽ phạt 100.000 đồng nếu bạn nào… ngồi trên ban công. Tương tự, sinh viên làm hư hỏng tài sản trong khuôn viên KTX sẽ chịu mức phạt gấp… 10 lần chi phí sửa chữa. Các bạn không dọn vệ sinh trong phòng, không đổ rác, để xe sai nơi quy định thì chịu mức phạt 20.000 đồng/lần. Nếu vì lý do nào đó mà bị buộc phải rời khỏi KTX, người quản lý sẽ không hoàn trả lại sinh viên khoản tiền đã đóng.

Để tránh phiền toái phức tạp, KTX Quang Ninh chỉ nhận sinh viên nữ.

Tư nhân tham gia giải quyết bài toán về chỗ ở cho sinh viên là một mô hình xã hội hóa rất tốt và nên nhân rộng. Nhưng đi cùng mô hình ấy, rất cần có cách quản lý thích hợp. Khi chọn vào ở KTX tư nhân, chứ không phải nhà trọ, các bạn sinh viên ít nhiều đều hy vọng vào điều kiện sống và an ninh được đảm bảo và những quyền lợi rõ ràng. Làm sao có được phương pháp điều hành  nghiêm túc và khoa học? Làm thế nào để đảm bảo quyền lợi cho những sinh viên khi có tranh chấp, bất đồng xảy ra? Đây thực sự là bài toán không khó nhưng vẫn chưa có lời giải thích hợp.

Lực bất tòng tâm

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, chủ KTX tư nhân Thanh Bình (quận Gò Vấp, TPHCM) cho biết: "Chúng tôi xây dựng KTX là xuất phát từ sự cảm thông, chia sẻ khó khăn với sinh viên. Có người nói chúng tôi thu tiền cao như thế là làm kinh doanh. Nhưng không thu tiền cao, lấy gì chúng tôi duy trì và thu hồi vốn đã bỏ ra xây dựng KTX? Ở đây, sinh viên cũng có phản ánh về chuyện thiếu không gian riêng, khu vui chơi thể thao, học tập… Chúng tôi biết hết nhưng lực bất tòng tâm. So với các khu nhà trọ khác, KTX chúng tôi tốt hơn rất nhiều. Ở TPHCM, nếu các em cứ yêu cầu chúng tôi xây dựng cơ sở vật chất có đầy đủ tiện nghi thì bao giờ chúng tôi mới có thể thu hồi vốn. Giá tiền cao làm sao sinh viên dám vào ở?".

Phải cùng nhau hợp tác

Ông Phan Đình Mãi, Giám đốc KTX trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM) chia sẻ suy nghĩ về mô hình KTX tư nhân: "Những KTX tư nhân ra đời đã góp phần giảm sức ép lên các KTX trong các trường đại học và cao đẳng, giúp sinh viên tránh được cảnh nhà trọ ẩm thấp, ngột ngạt. Nhưng khi xây dựng, các KTX tư nhân phải đảm bảo các điều kiện về học tập, vui chơi, giải trí cho sinh viên. Các KTX tư nhân hiện nay trên địa bàn TPHCM chỉ mới giải quyết được khía cạnh chỗ ở. Các điều kiện khác đang còn bỏ ngỏ. Nói đúng hơn, các KTX tư nhân hiện nay chỉ là mô hình nhà trọ kiểu mới. Muốn khai thác và quản lý tốt KTX tư nhân, chúng ta cần có chế tài cụ thể. Nhà nước, tư nhân và các trường đại học, cao đẳng phải cùng hợp tác với nhau, làm sao đảm bảo cho sinh viên ăn, ở và học tập được tốt nhất".

Theo Nguyễn Quang
Sinh Viên Việt Nam