Ký ức về “người thầy vĩ đại của học trò nghèo”

(Dân trí) - Biết bao câu chuyện của anh chị khóa trước kể về thầy cứ thế lan tỏa mãi về sau - một người thầy tận tụy, hết lòng thương yêu, dạy dỗ chúng em không chỉ về kiến thức mà cả bài học làm người.

1. Hôm ấy, thầy Nguyễn Trọng Mậu gọi cho PV báo Dân trí ở Nghệ An tha thiết kêu gọi nhà báo quan tâm viết bài giúp đỡ một em học sinh nghèo đỗ đại học, mẹ lại mắc bệnh tâm thần không có tiền nhập học.

Tôi được chỉ đạo về trường gặp thầy Nguyễn Trọng Mậu để xác minh sự việc viết bài. Khi nghe thông tin là học sinh của trường cũ gặp khó khăn, lòng tôi nôn nao, mong buổi tối hôm đó trôi qua nhanh để sáng mai về trường viết bài kịp thời giúp đỡ em. Thật bất ngờ, tôi gặp lại thầy giáo cũ đang chờ đón tôi trước cổng nhà em học sinh nghèo.

Bài viết đăng, em học sinh nghèo được độc giả trên khắp cả nước giúp em viết tiếp giấc mơ vào giảng đường đại học. Và thầy không quên gọi điện thoại chia sẻ cảm xúc: “Thầy vui và hạnh phúc lắm em ạ”.

Người thầy mà học sinh nào đi xa cũng nhớ cũng thương, cũng nhớ và để lại nhiều kỷ niệm.
Người thầy mà học sinh nào đi xa cũng nhớ cũng thương, cũng nhớ và để lại nhiều kỷ niệm.

 

Kể từ đó, mỗi khi học trò thầy gặp khó khăn, thầy gọi tôi về viết bài kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ.

Thầy chia sẻ, khi chủ nhiệm một tập thể, điều đầu tiên thầy quan tâm là hoàn cảnh gia đình của mỗi học sinh. Với học sinh nghèo thầy luôn vận động các em trong lớp chia sẻ, giúp đỡ bạn vượt qua khó khăn.

Và có cô học trò chia sẻ suy nghĩ về thầy trên Facebook rằng: “Người thầy vĩ đại của học trò nghèo, em phục thầy”.

2. Ngày đó tôi học chuyên Văn, thầy thường dạy chuyên Toán. Nên dân chuyên Văn hiếm khi được thầy đứng lớp môn Toán. Nhưng tất cả học sinh toàn trường khóa trước cũng như khóa sau dù học hay không học thầy luôn dành cho thầy một tình cảm mến mộ. Bởi lẽ, tình cảm của thầy dành cho học trò lan tỏa toàn trường về sự quan tâm, sẻ chia và hơn hết là thầy rất tâm lý.

Đó là những đêm trời mưa gió, lạnh, thầy vẫn khoác áo mưa cùng chiếc xe đạp đi kiểm tra tinh thần tự học bất kỳ học sinh nào của lớp thầy chủ nhiệm. Những ai đi ngủ sớm, thầy ghi lại chính xác giờ giấc sáng hôm sau lên lớp nhắc nhở nhẹ nhàng. Không ít học sinh ngủ sớm, đi chơi về muộn khi nghe cha mẹ kể lại đều tự thay đổi giờ giấc, chăm chỉ học bài bằng kết quả học tập để thầy không phải vất vả thăm học.

Vào buổi tối, thầy giáo Nguyễn Trọng Mậu đạp xe kiểm tra học sinh học bài.
Vào buổi tối, thầy giáo Nguyễn Trọng Mậu đạp xe kiểm tra học sinh học bài.

3. Khi dãy quán internet mọc lên nhan nhản hai bên đường đến trường, không ít học sinh trốn học, “bùng” tiết chơi game. Còn học sinh của thầy thì hầu như không có chuyện trốn học chơi điện tử. Có trường hợp học sinh cá biệt, bạn Phố cha mẹ đi làm ăn xa, ở với ông bà đã già yếu, không ai quản lý nên nghịch ngợm...

Hôm đó, Phố “bùng” tiết đi chơi điện tử, thầy đi qua lớp thấy vắng. Hết giờ dạy ở trường, thầy đến tất cả các quán internet tìm Phố, thấy Phố vẫn chăm chú chơi game, thầy bước vào đứng im lặng theo dõi sau lưng, khi Phố ngoảnh lại kêu chị chủ tính tiền thì thấy bóng thầy, lúc này Phố chỉ biết cúi mặt. Phố cứ đinh ninh là bị mắng một trận nhưng thái độ của thầy hoàn toàn khác.

Thầy nhẹ nhàng hỏi Phố đánh xong chưa và mời Phố đi ăn cơm trưa cùng thầy. Sau đó thầy mời Phố về nhà thầy cho dùng máy tính thỏa thích. Sau một ngày chơi ở nhà thầy, cậu học trò đã tự thay đổi tính nết mà thầy không phải la mắng.

Nghe cô bạn kể lại câu chuyện này lúc tan học, chúng tôi ai nấy ngưỡng mộ, thán phục thầy. Hiểu học sinh là những gì chúng tôi cảm nhận được từ thầy.

4. Còn với những bài giảng của thầy trên bục giảng, dãy số, hình vẽ đã không còn khô khan, cứng nhắc. Thầy vừa truyền đạt kiến thức vừa kết hợp kể cho chúng tôi về nghị lực vượt khó của nhiều học sinh cũ nay đã thành công trong cuộc sống hay những tin tức thời sự nóng hổi và hàng loạt câu đố vui hết sức thú vị. Cứ như thế giờ học của thầy trôi nhanh với bao nhiêu ánh mắt tiếc nuối của lũ học trò. Vì thế chúng tôi thường gọi thầy là cuốn “Bách khoa toàn thư”.

23 năm gắn bó với trường, tiếng nói của thầy được học trò bao thế hệ kính mến và yêu quý. Mỗi dịp lễ, nhiều thế hệ học sinh dù là cán bộ hay công nhân vẫn nườm nượp về thăm thầy để bày tỏ lòng biết ơn người thầy, người cha, người anh.

Gặp lại thầy trong buổi lễ kỷ niệm 50 năm thành lập trường tại TP.HCM, thầy ôm học trò cũ bộc bạch: “Thầy mong các em luôn hạnh phúc trong cuộc sống, đó là niềm vui lớn của thầy”.


Thầy Mậu gặp lại học sinh cũ của trường.

Thầy Mậu gặp lại học sinh cũ của trường.

50 năm kỷ niệm ngày thành lập Trường THPT Yên Thành II (huyện Yên Thành, Nghệ An) với niềm tự hào vô cùng, tôi kể lại ký ức đẹp về một nhà giáo tận tụy hết lòng vì học sinh như một lời tri ân sâu sắc. Học trò chúng em mong thầy sức khỏe dồi dào, vững bước truyền đạt kiến thức cũng như nhiều thông điệp hay đến các thế hệ học sinh sau này.

Cảm ơn người thầy vĩ đại để chúng em đi xa ai cũng nhớ cũng thương. Và trong tâm trí chúng em luôn mong ngóng ngày trở về thăm lại trường cũ cùng ôn lại kỷ niệm xưa.

Nhớ về thầy, chúng em muốn hát lời ca: “Cho em biết yêu cánh cò trong câu ca dao. Cho em biết yêu bống trắng ăn cơm vàng của cô Tấm ngoan và cho em yêu ai hai sương một nắng để làm nên lúa vàng. Bài học làm người em vẫn nhớ ghi. Công cha ơn nghĩa mẹ ơn thầy”.

Tâm Nhi