Làm thế nào để giới trẻ đọc sách nhiều hơn?

(Dân trí) - Chúng ta hô hào giới trẻ đọc sách, nhưng đọc sách không phải là nhu cầu tự nhiên hàng ngày như cơm ăn, nước uống mà người ta bắt buộc phải làm. Do vậy, chỉ người nào có nhu cầu đọc sách mới tìm đến sách. Vậy thì vấn đề mấu chốt ở đây là làm thế nào để thúc đẩy nhu cầu đọc sách ở nhiều người hơn?

Bấy lâu nay, nhiều chuyên gia, tổ chức giáo dục trăn trở với việc phát triển văn hóa đọc, nỗ lực tìm các biện pháp để người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên, phát triển thói quen đọc sách. Tôi nghĩ, người ta làm gì cũng vì có nhu cầu, vì để đạt được lợi ích nào đó. Người ta phải biết mình cần gì thì mới biết mình phải làm gì.

Xét với việc đọc sách, ngoài những sách đọc đơn thuần để giải trí, người ta phải biết mình cần kiến thức gì, thì sau đó người ta mới nảy sinh nhu cầu tìm đến sách thích hợp để bồi bổ kiến thức đó. Và khi có kiến thức trong tay rồi, người ta đem áp dụng, đưa vào thực hành, xem có hiệu quả với mình không, lâu dần những kiến thức đọc được trong sách và được áp dụng đó trở thành kỹ năng. Và một người trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết sẽ có thể sống tốt hơn, thành công hơn, thỏa mãn hơn trong cuộc sống luôn luôn thay đổi này.

Đọc sách là một cách thức để học hỏi. (Ảnh minh họa)
Đọc sách là một cách thức để học hỏi. (Ảnh minh họa)

Đọc sách là một cách thức để học hỏi. Nói như nam diễn viên, tác giả nổi tiếng người Mỹ Will Rogers (1879-1935) thì: “Có ba kiểu người: kiểu người học bằng cách đọc sách, kiểu người học bằng cách quan sát và kiểu người học bằng cách trải nghiệm”. Còn diễn giả truyền động lực hàng đầu thế giới Charles “Trenmendous” Jones (1927-2008) có câu nói nổi tiếng, đại ý là: “Có hai yếu tố giúp bạn thông thái hơn, đó là sách và những người mà bạn gặp”.

Chỉ khi nào người ta thấy rằng, đọc sách mang lại cho người ta thứ người ta đang tìm kiếm, thì tự người ta mới chủ động tìm đến sách và yêu thích việc đọc sách. Đọc sách, do vậy, không phải là thứ có thể ép buộc, mà là một dạng nhu cầu tự thân.

Nếu bạn trẻ nào có thói quen đọc sách từ nhỏ, thì khi lớn lên nhiều khả năng là bạn đó vẫn tiếp tục thích đọc sách. Còn bạn nào chưa có thói quen đọc sách, muốn phát triển thói quen đọc sách thì trước hết phải xác định mình đọc sách để làm gì.

Sau khi đã xác định được nhu cầu đọc sách của mình (tức là biết mình cần đọc sách về lĩnh vực gì), bạn có thể bắt đầu với những quyển sách mỏng. Sách mỏng khiến bạn bớt có cảm giác ngại đọc, bạn đọc sẽ thấy nhanh hết, và khi bạn đọc xong rồi, rất có thể bạn lại muốn đọc quyển khác nữa. Cứ như vậy, dần dần bạn trở nên thích đọc sách, và đến một lúc nào đó, đọc sách sẽ trở thành nhu cầu hàng ngày của bạn như cơm ăn, nước uống!

Đọc sách tuy không phải là thứ có thể ép buộc, nhưng là thứ có thể dẫn dắt. Vậy làm thế nào để các bậc cha mẹ nuôi dưỡng thói quen đọc sách ở con nhỏ để khi lớn lên, các con trở thành những người trẻ ham đọc sách?

Tôi nghĩ rằng, cơ bản có 2 yếu tố giúp hình thành và phát triển thói quen đọc sách ở trẻ. Thứ nhất, bố mẹ phải làm gương: bố mẹ ham đọc sách thì chắc chắn con cũng say mê đọc sách.

Thứ hai, bố mẹ phải tạo điều kiện cho con dễ tiếp cận sách: Khi con chưa biết đọc thì bố mẹ đọc sách cho con nghe. Khi con lớn hơn, đã biết tự đọc sách thì bố mẹ chuẩn bị sách phù hợp trong nhà để con đọc, dẫn con đi chơi nhà sách để con tìm hiểu và chọn sách.

Đọc sách tuy không phải là thứ có thể ép buộc, nhưng là thứ có thể dẫn dắt. Bố mẹ cần tạo điều kiện cho con dễ tiếp cận sách. (Ảnh minh họa)
Đọc sách tuy không phải là thứ có thể ép buộc, nhưng là thứ có thể dẫn dắt. Bố mẹ cần tạo điều kiện cho con dễ tiếp cận sách. (Ảnh minh họa)

Nói về việc mở rộng tri thức, trong cuốn sách “Chữa lành nỗi đau” (NXB Trẻ), nữ tác giả người Mỹ Louise L. Hay (sinh năm 1926, top 100 nhân vật có ảnh hưởng tâm linh lớn nhất thế giới) dạy rằng: “Tôi khuyên bạn hãy đọc tất cả những gì bạn có thể đọc để làm tăng hiểu biết và nhận thức của bạn. Có rất nhiều kiến thức về các lĩnh vực để bạn tìm hiểu. Ngay cả quyển sách bạn đang cầm trên tay đây cũng chỉ là một bước trong chuyến hành trình dài của đời bạn mà thôi.

Việc đổi mới chính mình là công việc của cả một đời người. Nếu bạn càng học hỏi nhiều thì bạn càng có thêm sự hiểu biết, và nếu bạn thực hành thường xuyên thì bạn sẽ có những cảm nghĩ ngày càng tốt đẹp, và cuộc sống của bạn sẽ càng tuyệt hảo hơn.”

Nguyên Chi

(Email: minhthuong@dantri.com.vn)