Lạm thu khó “chữa”, các nhà giáo “hiến kế”

(Dân trí)- Tình trạng lạm thu của các trường học luôn là vấn đề nóng bỏng và bức xúc của phụ huynh trong đầu năm học từ nhiều năm nay. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT đã thừa nhận khó có “thuốc chữa”. Để giải quyết tình trạng này, nhiều nhà giáo dục đã “hiến kế”.

Trong cuộc họp với Hội Khuyến học Việt Nam ngày 19/9 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã thừa nhận rằng: “Vấn đề lạm thu ở các trường học luôn là vấn đề bức xúc của người dân. Các Sở, ngành cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, nhiều biện pháp đưa ra để giải quyết vấn đề. Bộ cũng nhận được nhiều văn bản đề nghị của các Sở về vấn đề này nhưng vẫn rất khó “chữa” do bệnh đã nhờn thuốc. Trước tình hình trên, Bộ GD-ĐT đã mở diễn đàn bàn về lạm thu để lấy ý kiến đóng góp của nhiều nhà giáo dục, người dân”.

Để giúp ngành giáo dục giải quyết được tình trạng chống lạm thu này, nhiều giáo sư, nhà giáo đã đưa đưa ra giải pháp:

Lạm thu khó “chữa”, các nhà giáo “hiến kế” - 1
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam:
Cách chức hiệu trưởng làm sai

Theo tôi, nếu trường nào lạm thu mà dân kêu thì nên cách chức hiệu trưởng trường đó và phải làm mạnh tay. Vì các trường cứ làm thế này thì dân chết. Tại sao lãnh đạo ngành giáo dục không làm điều đó mà phải bó tay.

Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Ví dụ trong một cơ quan, nhân viên không chịu làm việc thì thủ trưởng cho thôi việc. Lạm thu dân kêu, nếu hiệu trưởng không biết trường lạm thu thì hiệu trưởng quản lý sai. Nếu hiệu trưởng biết mà vẫn để làm thì đó là chủ trương.

GS.Viện sĩ Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT:
Nên để cho Ủy ban nhân dân phường giám sát việc thu - chi
Lạm thu khó “chữa”, các nhà giáo “hiến kế” - 2

Nguyên nhân lạm thu từ phía nhà quản lý. Trước đây, Hội cha mẹ học sinh hoạt động rất hiệu quả, sau đó Bộ GD-ĐT lại chuyển thành Ban đại diện của các phụ huynh. Chính Ban đại diện này là bàn tay kéo dài của hiệu trưởng. Làm tự nguyện nhưng không tự nguyện vì thường trưởng Ban đại diện bầu ra là người giàu có, có chức có quyền họ có điều kiện để đóng. Khi Ban đại diện cha mẹ đưa ra các khoản thu nhiều phụ huynh nghèo không dám thắc mắc vì tâm lý sợ con mình bị ảnh hưởng.

Theo tôi, các cơ quan ngành giáo dục không làm nổi việc này nên giao cho chính quyền địa phương, cụ thể là UBND xã, phường vì đây là đơn vị sát dân nhất xem xét và giám sát việc này thì hiệu quả hơn.

 
Lạm thu khó “chữa”, các nhà giáo “hiến kế” - 3
PGS. Văn Như Cương, hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội:
Tăng học phí sẽ giải quyết được lạm thu

Năm nào Bộ GD-ĐT, các Sở GD-ĐT cũng ra văn bản, chỉ thị nói về vấn đề lạm thu chứng tỏ các giải pháp đưa ra không khả thi bởi nó có phần hợp lý của nó.

Khi đưa ra khoản thu, phụ huynh thì ngại nói và nghĩ họ đóng được thì mình cũng cố đóng cho xong vì sợ ảnh hưởng đến con mình. Bộ GD-ĐT có nói là phụ huynh giúp nhà trường là không hợp lý. Trong thu thì có khoản đúng, có khoản không đúng. Ví dụ, Sở GD-ĐT Hà Nội không cho nhà trường thu tiền giữ xe học sinh hàng tháng, nhưng nếu mất xe ai chịu trách nhiệm? Lãnh đạo Sở có nói trường nào làm sai thì cách chức hiệu trưởng… điều đó không thể được vì họ sai gì đâu mà cách chức, đó là tự nguyện của phụ huynh.

Theo tôi chỉ có cách là tăng học phí. Tất cả các khoản thu đó đều nằm trong mức học phí này như vậy các phụ huynh không phải đóng thêm khoản nào nữa và nhà trường lấy tiền trong khoản đó để chi tiêu theo quy định.

Nhà giáo ưu tú Đặng Đình Đại:
Cần quy định mức trần trong các khoản thu

Trước khi nói về lạm thu thì nên hiểu rõ lạm thu ở các khoản nào vì nhiều khoản học sinh phải đóng theo quy định. Theo tôi, vấn đề mà lạm thu nhiều nhất là dồn về quỹ cha mẹ học sinh và khoản xã hội hóa giáo dục.

Lạm thu khó “chữa”, các nhà giáo “hiến kế” - 4
Tuy nhiên, mọi người phải nên hiểu quy chế cha mẹ học sinh hoạt động rất minh bạch, rõ ràng nhưng do đặt ra rất nhiều khoản thu để trang bị cho cả năm học như món quà cảm ơn giáo viên nhân dịp 20/11, ngày Tết, ngày 8/3, sinh nhật thầy cô… mặc dù chỉ là gói quà bó hoa thôi nhưng giờ quà và hoa đều đắt nên phụ huynh “quy ra thóc” cho tiện để gửi tới thầy cô. Bên cạnh đó, còn có các khoản nữa như ủng hộ lũ lụt, ngày chất độc màu da cam, thưởng học sinh giỏi, ủng hộ học sinh nghèo… các khoản thu này phụ huynh thu luôn trong đầu năm để khi đến dịp các thầy cô chủ nhiệm báo một tiếng là có đầy đủ. Hay như các khoản trong khoản xã hội hóa là mua máy chiếu, rèm phòng học... Nhiều khoản như vậy dồn lại rất nhiều. Mỗi lớp thu một kiểu, lớp thu ít, lớp thu nhiều dẫn đến đua chen nhau về các khoản thu.

Do vậy, theo tôi tốt nhất là Ban đại diện cha mẹ trường đưa ra mức thu trần cho các lớp và hiệu trưởng là người duyệt. Nên giao quyền cho hiệu trưởng để hiệu trưởng chịu trách nhiệm và giải trình với cấp trên. Như vậy, nếu trường nào thu vượt mức trần mà Ban đại diện cha mẹ học sinh đã quy định thì mới xử lý được hiệu trưởng.

Hồng Hạnh (thực hiện)