Bạn đọc viết:

Làm văn ở Tiểu học: Cần khơi lên ngọn lửa say mê và sáng tạo!

(Dân trí) - Bắt rễ từ hiện thực, văn học tái hiện cuộc sống và sáng tạo sự sống. Làm văn chính là viết, kể, tả, vẽ lại bức tranh cuộc sống muôn màu với một chất liệu đặc biệt: Ngôn từ. Chính vì vậy, ngay từ bậc Tiểu học, các con rất cần được khơi lên lòng say mê văn học và nuôi dưỡng sự sáng tạo đúng cách.

Học sinh viết văn tả con trâu, cây tre, cánh đồng lúa chín vàng… nhưng chỉ thấy các sự vật đó qua tranh ảnh. Kể một lần về quê hay một chuyến tham quan bảo tàng nhưng chưa hề đặt chân đến những nơi xa lạ đó. Vậy thì làm sao các con có hứng thú làm văn và viết văn chân thực? Cuối cùng chỉ còn cách tìm đến văn mẫu và học thuộc lòng.

Hãy tập cho con biết quan sát

Tập cho các con quan sát chính là dạy cách nhìn, ngắm, sờ, ngửi và cảm nhận trực tiếp về đối tượng. Hiểu - biết chính là những viên gạch đầu tiên để viết văn.

Thiết nghĩ mỗi giáo viên cần tạo ra thói quen quan sát cho học sinh. Trước khi làm một bài văn tả một loài cây, cần yêu cầu các con nhìn sắc xanh của lá, sờ lớp vỏ xù xì của thân, ngửi hương thơm của hoa, chạm nhẹ vào lớp sương ban mai mát lạnh còn đọng trên lá hay đứng trong bóng cây để cảm nhận cái dịu mát của bóng râm… Chuẩn bị tả một đêm trăng, như một bài tập về nhà, hãy yêu cầu các con quan sát và ghi lại những nét cần tả về mặt trăng to tròn hay lơ lửng vành trăng khuyết, ánh sáng bàng bạc của trăng rải lên vạn vật thế nào, bóng trăng ôm bóng lá ra sao, lũ trẻ chơi đùa cùng trăng có vui không…

Cha mẹ đóng vai trò không nhỏ trong việc nâng cao năng lực quan sát của con trẻ. Những tiết học trên lớp cố định thời gian còn gia đình có thể giúp các con học mọi lúc, mọi nơi. Hãy cùng với con ngồi trước mặt một chú mèo con hay một món đồ chơi nào đó, cùng săm soi, cùng bán tán sôi nổi.

Hãy dạy con biết lắng nghe

Không đơn giản là sự lắng nghe bằng đôi tai, tâm hồn của các con cũng có thể lắng nghe những thanh âm của tự nhiên, của con người. Tiếng suối chảy rì rào sẽ khác với tiếng thác đổ ầm ầm. Tiếng của em bé lên hai bi bô, ngượng nghịu sẽ không giống giọng cô giáo thánh thót, giọng ông khàn khàn. Bình minh lên có tiếng chim ríu rít, tiếng mở cửa ken két, tiếng xì xào sớm mai. Giờ cao điểm nhộn nhịp với tiếng xe cộ nối đuôi nhau, tiếng bước chân người vội vã, tiếng thở dài giữa cái nắng chói chang hay mùa đông lạnh giá. Màn đêm vẳng đâu đây tiếng kẽo kẹt của những chiếc xích lô chở hàng muộn hay tiếng chổi quét rác xào xạc khua giữa mặt đường.

Các con sẽ tập lắng nghe tiếng bát đũa xoong nồi khua lẻng xẻng để biết cảm ơn mẹ đã bận rộn chuẩn bị mâm cơm gia đình. Con sẽ lắng nghe ông rên đau chân hay bà than nhức khớp để biết quan tâm hỏi han cơn đau của ông bà. Con sẽ lắng nghe tiếng một em bé khóc ngặt nghẽo trên tay người mẹ nghèo ăn xin để biết quí hơn những gì mình đang có và biết thương cảm với những số phận bất hạnh…

Hãy tạo cho các con cơ hội được trải nghiệm

Để kể về một việc tốt em đã làm giúp mẹ, không ít trẻ tưởng tượng với lối viết sáo mòn và cảm xúc khô khan. Hãy dành cho trẻ một buổi sáng chủ nhật cùng bố mẹ dọn dẹp nhà cửa. Những vật thật, những thao tác thật cùng cảm giác mỏi tay hay mái tóc đầy bụi nhưng niềm vui quây quần bên gia đình và niềm hạnh phúc nhận lời khen từ bố mẹ sẽ là động lực để trẻ bắt đầu cầm bút.

Hãy sẵn sàng chở con về quê để ngắm cánh đồng lúa, sẵn sàng đưa con ra bờ sông để nhìn dòng sông quê hương, hãy cho con chơi cùng chú cún nhỏ hay em mèo dễ thương… Hãy quan sát cùng con, giải đáp mọi thắc mắc của trẻ…

Hãy hướng dẫn trẻ cách diễn đạt

Làm văn khác với ngôn ngữ nói nhưng bắt nguồn từ cách nói. Khi con trẻ nói một cách ngây ngô, vụng về, thậm chí buồn cười về những điều quan sát, lắng nghe, trải nghiệm, cha mẹ đừng vội gạt ngay đi. Để con trẻ tự do nói, bạn sẽ ngạc nhiên phát hiện ra những cách so sánh ví von đặc biệt, bằng trí tưởng tượng riêng của con.

Giải thích cho trẻ hiểu rằng: Giống như một bài toán có nhiều cách giải, một câu văn, một ý văn, một lời văn cũng có nhiều cách diễn đạt khác nhau và chúng ta cần chọn cách diễn đạt nào phù hợp nhất. Ví dụ: Mẹ của con thấp người, thay vì viết một cách ngô nghê, con có thể viết: “Dáng người mẹ nhỏ nhắn.”; đầu ông ít tóc và mặt đầy nếp nhăn thì con có thể diễn đạt: “Mái tóc ông thưa dần và thời gian in những nếp gấp trên khuôn mặt làm em càng thương ông hơn.”…

Cây non dễ uốn, nâng cao năng lực làm văn cho con trẻ cũng cần thực hiện ngay từ nhỏ, từng bước một…

Thùy Mai

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!