Làn sóng phẫn nộ lạm thu học phí

Tiếp theo việc chính phủ công bố "danh sách đen" với 4 trường CĐ và 4 trường trung học lạm thu học phí 3 triệu USD một cách bất hợp pháp, các trang web thu nhận ý kiến ở Trung Quốc đã bị tràn ngập bởi một làn sóng phẫn nộ tố cáo tình trạng lạm thu ở các nơi.

Ủy ban cải cách và tình trạng phát triển Trung Quốc (SDRC) mới đây đã công bố "danh sách đen" gồm 8 trường bị buộc tội là thu học phí quá cao, tổng cộng khoảng 22,7 triệu NDT (gần 3 triệu đôla Mỹ).

 

8 trường trên gồm 4 trường CĐ và 4 trường trung học. Các trường này đã được nhắc tới trong cuộc điều tra toàn quốc lần thứ 3 về chi phí cho giáo dục do Ủy ban thực hiện nhằm thay đổi để tiêu chuẩn hóa chi phí cho giáo dục của quốc gia. Một chuyên viên của Ủy ban cấp Bộ cho biết: "8 trường học trên đã vi phạm nghiêm trọng chính sách của quốc gia về thu phí giáo dục. Chúng tôi hiện đang xử lý vi phạm này". Chuyên viên này cũng cho rằng, bất cứ trường nào thu phí không hợp lý đều phải được đưa ra ánh sáng, bị trừng phạt và công chúng được khuyến khích tố cáo những vấn đề như trên với các ban ngành giáo dục và quản lý giá.

 

Việc công bố danh sách 8 trường lạm thu học phí lên đến gần 3 triệu đôla Mỹ đã dấy lên sự phản ứng trên mạng trong các diễn đàn của các website hàng đầu tại Trung Quốc.

 

Các công dân trên mạng đã bộc lộ sự giận dữ của mình bằng việc làm tắc nghẽn các cổng internet của báo Sohu và Sina, rồi trang web của Tân Hoa Xã với hàng ngàn tin nhắn sau khi tên của 8 trường được công bố trên internet. Nhiều người thậm chí đã thông báo tên những trường học mà họ khẳng định đã thu học phí quá cao đối với họ hoặc con em họ.

Trong những năm gần đây, các gia đình nước này nhận thấy họ đã chi tiêu nhiều hơn hẳn so với trước cho việc học hành của con em họ. Đầu những năm 90, một SV ĐH ở Bắc Kinh chi tiêu khoảng 400 NDT/năm. Nhưng bây giờ con số lớn hơn gấp 10 lần. Nhiều bậc phụ huynh ở nông thôn không thể đáp ứng mức thu phí tăng vùn vụt của các trường, thậm chí đã bắt con em bỏ học từ khi học phổ thông cơ sở…

Để giải quyết vấn đề xã hội đang gây bức xúc trong công chúng, ngay từ đầu năm 2003, Trung Quốc đã bắt đầu phá bỏ mức thu phí tùy tiện trong lĩnh vực giáo dục. Tháng 9 vừa rồi, một số ban bộ của chính phủ bao gồm SDRC, bộ Giáo dục và văn phòng kiểm toán quốc gia đã thực hiện các biện pháp chung, đảm bảo sẽ có những trường học tốt và xử phạt những quan chức tự đặt ra mức phí riêng.

Một công dân trên mạng người Trùng Khánh trên trang web Sina.com.cn cho rằng mỗi HS trường phổ thông cơ sở ở đó phải trả thêm 8.000 -10.000 NDT ngoài học phí, dù cho nông dân ở các vùng nghèo chỉ kiếm được trung bình không đến 1.000 NDT/năm. Người này lên án gay gắt những trường đã "vắt kiệt đến giọt máu cuối cùng của nông dân nghèo". Một người khác phàn nàn phòng học của con anh ta không có cả nước uống lẫn máy sưởi, dù cho mỗi HS đều đã phải đóng tiền cho hai thứ này. Một số người đã kêu gọi các nhà chức trách cách chức hiệu trưởng của những trường đã lạm thu học phí.

 

Với "Danh sách đen" do NDRC công bố đã nhận được những phản hồi khác nhau của những trường bị buộc tội. Trường ĐH Kỹ thuật Nam Trung Quốc thừa nhận đã lạm thu của SV 2,18 triệu NDT và hứa sẽ hoàn trả lại số tiền này. Tuy nhiên, Giang Vu Qua, giám đốc của Ban quản lý SV của ĐH Kiểm toán Nam Kinh, trường bị buộc tội lạm thu bất hợp pháp 1,64 triệu NDT trong năm 2004 và 2005, rất tức giận trước lời buộc tội này. Ông này cho rằng đây là "chuyện  nhảm nhí" và chỉ là trò đùa ngày cá tháng Tư mà thôi.

 

Giang Vu Qua nói rằng hầu hết các khoản được xem là thu thêm thực chất là "các phần đóng ghóp" của SV, những người mà sẽ không được nhập học nếu không nộp thêm. Theo ông này, việc thu 8.500 NDT đối với những SV chuyển sang học chương trình Cử nhân 4 năm là trong phạm vi cho phép của các nhà chức trách cấp tỉnh.

 

Nói về việc thu "phí trách nhiệm" từ 30.000 - 50.000 NDT của 19 SV trong năm 2004, Giang khẳng định trường mình không làm gì trái với đường lối của chính phủ. Các quan chức chính phủ im lặng cho phép các trường ĐH tuyển những SV thiếu điểm trong kỳ thi quốc gia nhưng có "nhiều cơ hội chuyển tiếp". Thu phí trách nhiệm là điều rất bình thường ở các trường ĐH Trung Quốc và rất không công bằng nếu chỉ chỉ trích mỗi trường ĐH Kiểm toán Nam Kinh có thu loại phí này.

 

Theo Vietnamnet