“Làng điểm chỉ” và ký ức về thầy giáo Chương

(Dân trí) - Hơn 10 năm nay, người dân thôn Cao Bình đã không còn được học những lớp học “2 cùng” với thầy Chương - người đã lênh đênh trên những con thuyền giúp cả cái làng chài nhỏ biết đọc biết viết. Khi thầy đi, họ lại quay về với cuộc sống mù chữ và cái tên thân thuộc: “làng điểm chỉ”.

>> Làng điểm chỉ thời @

Vẫn còn “làng điểm chỉ”

Ông Đỗ Đức Cảnh, Chủ tịch xã Hồng Tiến (huyện Kiến Xương, Thái Bình) cho biết: Hiện nay, trong số 534 nhân khẩu của làng Cao Bình, già nửa vẫn mù chữ. Độ tuổi mù chữ cao nhất là trên 30 tuổi, chiếm tới 82%.

Mọi giao dịch bằng giấy tờ mang tính chất pháp lý như đăng ký hôn, gửi tiết kiệm hay vay vốn ngân hàng, mua đi bán lại đất đai... ở cái làng này tất tật đều theo cách điểm chỉ.

Một số người không theo cách điểm chỉ thì chỉ biết viết độc nhất chữ ký của mình. Ngoài ra khi chỉ sang chữ cái khác hay viết sang tên người khác thì chịu. Thế nhưng, ngoài chuyện học ký tên mình ra, họ cũng không muốn học thêm gì khác vì học... khó lắm!

“Làng điểm chỉ” và ký ức về thầy giáo Chương - 1

Giấy tờ của người dân đều điểm chỉ thay vì ký tên.

Hầu như người làng Cao Bình đều cả ngày lẫn đêm lênh đênh trên sông nước. Chính vì vậy mà họ và con cái họ sẽ học vào lúc nào và học ở đâu là câu hỏi mà không một cơ quan chức năng nào ở Thái Bình có thể giải đáp nổi.

Cô Trịnh Thu Bình, Phó Phòng giáo dục huyện Kiến Xương buồn rầu kể: “Không phải chính quyền không quan tâm, nhưng do tập quán sinh hoạt của người dân nơi đây nên tình trạng thất học rất khó khắc phục”.

Tỷ lệ tái mù chữ của dân chài Cao Bình luôn trên 90% nên ngành giáo dục chuyển hướng tập trung vào việc dạy chữ cho trẻ nhỏ. 5 năm trước, UBND xã đã xây 2 phòng học nhỏ ở trên bờ để dân chài đưa con đi học và vận động người lớn đến lớp. Nhưng số lượng tham gia rất ít, có năm chỉ có 5 người đến lớp.

Hiện nay, việc học của con em những người trong làng chài này được tổ chức ở trường tình thương xã Hồng Tiến. Gọi là “trường” nhưng thực ra chỉ có 59 học sinh và nhờ có sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm nên các em đều được ăn, học miễn phí. Dù vậy, không phải phụ huynh nào cũng sẵn lòng cho con theo học và không phải em nào cũng đều muốn đến học.  

Ký ức về một người thầy

Tuổi thơ của hàng trăm đứa trẻ ở làng chài nhỏ Cao Bình này gắn bó với sông nước. Ba đứa con của chị Dậu là Thi, Thuý, Thuỷ đều được sinh ra trên thuyền và bơi lội còn giỏi hơn chạy nhảy trên bờ. Với chúng, đến trường, đi học là những chuyện dường như chưa bao giờ được nghĩ đến.

Chị Dậu tâm sự: “Để các cháu nhỏ theo cùng chúng tôi biết là cũng có nhiều hiểm nguy lắm nhưng nếu lên bờ thì biết làm gì mà sinh sống. Nhà tôi đã mấy đời lấy thuyền là nhà rồi. Nghĩ đến việc học, không phải là không thấy thèm đâu”.

Dù không công tác ở Cao Bình nữa, nhưng thầy Trần Văn Chương vẫn rất quan tâm đến sự học của thôn. Chính thầy là người đã động viên chính quyền xã đừng sợ báo chí về "nói xấu" làng mình, mà hãy nhiệt tình cùng dư luận để đưa làng Cao Bình thoát khỏi sự thất học.

Người dân Cao Bình sẽ không còn ai phải điểm chỉ là tâm nguyện cũng như mong ước của người thầy giáo già này trong suốt nhiều năm qua. 

Trong ký ức của chị Dậu, 17 năm trước đây, Cao Bình đã từng có một thầy giáo ăn, ngủ trên sông nước để dạy chữ cho họ và con em họ. Đó là thầy giáo Trần Văn Chương. Hồi đó, Phòng Giáo dục huyện Kiến Xương đã cử thầy Chương về với Cao Bình.

Những ngày đầu tiên trên thuyền, có lúc thầy giáo Chương còn say sóng lử khử hàng tuần lễ. Nhưng những giờ học của thầy trên thuyền rất vui và ấm áp.

Thầy dạy 3 ca/ ngày. Sáng dạy cho các em nhỏ, chiều dạy cho các cụ già và tối dạy cho thanh niên. Tuy thiếu thốn trăm bề nhưng hình ảnh người thầy giáo đã khắc sâu vào tâm trí những người dân chài.

Có những hôm thời tiết chuyển mùa, gió thổi về lạnh buốt trên sông, giọng của thầy lạc đi trong tiếng sóng bì bọp mạn thuyền nhưng thầy vẫn cố dạy. Chiếc bảng tự tạo, sách vở thiếu thốn, tiết kiệm đến cả từng cục phấn và nâng niu đến từng mẩu bút chì luôn là những kỷ niệm đẹp đẽ đối với gia đình chị Dậu. 

Thủy - con chị Dậu và là học trò thầy Chương nhớ lại: “Chữ của thầy Chương đẹp lắm, dù thuyền chòng chành thế nhưng thầy viết vẫn rất đẹp và giọng của thầy thật là ấm áp”. Giờ Thủy đã lấy chồng và là niềm tự hào của cả gia đình chồng khi mình Thuỷ biết ký, chứ không cần điểm chỉ!

Hơn 5 năm trời, thầy Chương đã theo học sinh Cao Bình trôi khắp các vùng biển từ Hải Phòng đến Thanh Hoá, Nghệ An... Cuối năm 1995, thầy nhận công tác khác và chia tay với Cao Bình. Kể từ đó, những lớp học trên sông cũng không còn.

Chắc hẳn ngành giáo dục Thái Bình đã rất vất vả để tìm được những người thầy như thầy giáo Chương nhưng không thể. Đã hơn 12 năm trôi qua, Cao Bình vẫn còn mang cái tên “làng điểm chỉ”.

Mai Minh