Đắk Nông:

Lắng nghe tiếng nói của trẻ em dân tộc thiểu số

(Dân trí) - Chiều 15/7, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức Diễn đàn trẻ em 2015 với chủ đề “Lắng nghe trẻ em nói”. Gần 60 thiếu niên đại diện cho hơn 160.000 em học sinh các dân tộc thiểu số của tỉnh đã tham gia góp ý kiến.

Diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói” được tổ chức với mục đích tiếp thu các ý kiến, các vấn đề mà hằng ngày các em thấy, các em trải qua nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội về thực hiện quyền trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, bình đẳng và lành mạnh cho trẻ em.

Tại diễn đàn, các em học sinh đến từ 8 huyện, thị xã đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến các vấn đề nóng, mang tính thời sự hiện nay như tình trạng bạo lực học đường, xâm hại tình tục trẻ em, gian lận trong thi cử, việc dạy học môn lịch sử ở trường… Ngoài ra, các em cũng nêu lên những mong muốn, nguyện vọng chính đáng của trẻ em trong việc học tập và đời sống. Đồng thời, đề xuất đến lãnh đạo các cấp các ngành cần quan tâm và có những chính sách quan tâm hơn nữa đến trẻ em vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Học sinh bày tỏ ý kiến cá nhân, những thắc mắc của bản thân
Học sinh bày tỏ ý kiến cá nhân, những thắc mắc của bản thân.

Em Nguyễn Lê Thanh An (THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, thị xã Gia Nghĩa) chia sẻ: “Em mong muốn những diễn đàn như thế này sẽ được tổ chức nhiều hơn nữa để học sinh chúng em được nói lên những ý kiến, thắc mắc của mình. Sau diễn đàn này, từ việc lắng nghe những giải đáp của các cơ quan chức năng, em sẽ về truyền đạt lại cho các bạn ở trong trường để các bạn hiểu và yên tâm học tập tốt”.

Em Hồ Thu Ngân (lớp 7A, THCS Nguyễn Du, huyện Đắk G’long) nêu lên thắc mắc khiến cả hội trường rất quan tâm: “Chúng cháu học cùng một lớp, ở nhà thầy, cô giáo có mở lớp dạy thêm, đến giờ kiểm tra trên lớp, những bạn nào đi học thêm ở nhà thầy cô thì bài kiểm tra đạt điểm cao, còn bạn nào không đi thì được điểm thấp, có khi phải kiểm tra lại. Điều kiện gia đình không phải ai cũng có tiền cho con đi học thêm. Trong trường hợp này, cô chú có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng này?”.

Một số ý kiến, thắc mắc nổi bật nhận được sự quan tâm của nhiều người:  Khi học môn lịch sử, những tiết học đi tham quan lại không được đi mà phải ngồi chơi tại lớp?. Nhiều giáo viên khi giảng bài lại nói tiếng địa phương quá nặng khiến nhiều khi các em không thể hiểu bài. Vấn đề bạo lực học đường hiện nay vấn đang diễn ra thường xuyên và nó đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của học sinh khiến nhiều học sinh bỏ học, thậm chí dẫn đến chết người. Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục có xu hướng gia tăng, khiến các bạn học sinh hoang mang, không yên tâm khi đi học…

Học sinh bày tỏ ý kiến cá nhân, những thắc mắc của bản thân
  Bà Nguyễn Thị Ngọc Lệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông trao quà đến các em học sinh khó khăn.

Phát biểu tại chương trình, bà Nguyễn Thị Ngọc Lệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh: Trẻ em là hạnh phúc của gia đình, tương lai của đất nước, diễn đàn là nơi các cháu được thể hiện quyền và bổn phận của mình, đồng thời chia sẻ cởi mở những suy nghĩ của mình với lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh về những nội dung bản thân các cháu quan tâm. Phó Chủ tịch tỉnh cũng yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị chức năng trả lời đầy đủ các khuyến nghị của các em đề đạt tại diễn đàn.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, UBND tỉnh Đắk Nông đã trao 56 phần quà gồm cặp sách, áo, sách vở đến các em học sinh khó khăn có thành tích học tập và rèn luyện tốt.

Đức Cường - Thúy Diễm
 

 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn. Xin trân trọng cảm ơn!