Làng...“con nít ít hơn tiến sĩ”

Nhiều người vẫn thường nhắc đến truyền thống học hành ở đất Can Lộc, Hà Tĩnh, nhưng ấn tượng nhất với tôi vẫn là câu nói của bác Nguyễn Huy Dần, phó chủ tịch Hội Khuyến học xã Trường Lộc, buột miệng thốt ra mà nói theo kiểu bây giờ là... “nổ”: “Trên quê tui con nít ít hơn tiến sĩ...”.

Những ông nghè... xa xứ

 

Ông Nguyễn Huy Dần bảo: “Không chỉ chuyện “con nít ít hơn tiến sĩ” mà Trường Lộc còn nhiều chuyện kỳ lạ lắm”. Mà lạ thật! Năm ngoái về, gặp tôi, anh Minh - chủ tịch xã Trường Lộc - bảo: “Năm nay cả xã tôi có được 24 cháu vào năm đầu tiên - học lớp 1, trong khi hội đồng hương Trường Lộc ở Hà Nội cho biết con em Trường Lộc hiện sống tại Hà Nội đã có 32 người là tiến sĩ”. Đấy là mới tính riêng Hà Nội. Còn thạc sĩ và cử nhân cả xã tính hết ước chừng... 400 người!

 

Hỏi bác Dần có tiến sĩ nào hiện đang sống ở quê, bác cười: tiến sĩ mà ở làng thì làm gì! Bác Dần bảo: “Tôi cũng là anh giáo làng thôi nhưng bốn đứa con tôi thì ba đứa tốt nghiệp đại học, đứa thứ hai là Nguyễn Huy Tuấn, tiến sĩ hải dương học giờ sống bên Nga”. Rồi bác hỏi: “Chú làm báo có biết Nguyễn Huy Hoàng hay viết báo không? Anh tiến sĩ văn học này cũng người họ Nguyễn Huy đấy, giờ cũng sống bên Nga. Riêng họ Nguyễn Huy đã khá đông tiến sĩ”, rồi bác kể một loạt: TS sử học Nguyễn Huy Quý, TS vật lý Nguyễn Huy Công, viện sĩ Nguyễn Huy Mỵ...

 

Quanh quanh xóm nhà bác Dần đã có gần chục nhà có người học đến tiến sĩ! Hiềm một nỗi từ khi thanh niên trai trẻ, vào đại học rồi (phần lớn học tại Hà Nội) hầu như ai cũng ở thủ đô để có điều kiện học lên, đi nước ngoài. Chỉ tay ra ngôi nhà gần bên ủy ban xã, anh Hải, cán bộ ban văn hóa xã, nói với tôi: “Anh ra nhà ông Cương kia mà hỏi, cả nhà đại học hết, chừng vài năm nữa lại thêm mấy ông con... tiến sĩ”.

 

Bác Nguyễn Huy Cương là dược sĩ, tốt nghiệp ĐH Dược Hà Nội, bác gái tốt nghiệp ĐH sư phạm văn, nay vào tuổi hưu về ở nhà. Hỏi ra cả xã này số hộ mà con cái đi học xa rồi định cư luôn chiếm khoảng 30%, ở nhà chỉ còn bố mẹ già. Bác Dần bảo: “Xã tôi có tỉ lệ điện thoại vào loại cao nhất tỉnh đấy. Cũng vì con cái đi học rồi không về làng, mắc cho bố mẹ già một cái điện thoại, có chuyện gì “alô” một tiếng là xong. Làng bây giờ vắng hẳn thanh niên”.

 

Đưa tôi đến nhà ông Nguyễn Huy Chiến, nhà vắng tanh, anh Hải bảo nhà ông có năm đứa con thì hai người đầu học ĐH Y Hà Nội và ĐH Y Thái Bình, một người đang đi học ở Úc, một người học ĐH Thủy sản Nha Trang, cô gái út đang học sư phạm. Và thế là cái ngõ vào nhà dài hun hút ấy cũng chỉ quanh quẩn mấy người già, đêm đêm chờ tiếng chuông điện thoại của con cái gọi về. Không thể đi hết hàng chục gia đình như vậy ở đất này...

 

Làng...“con nít ít hơn tiến sĩ” - 1

 Những bản khắc gỗ sách cổ còn giữ ở nhà thờ Nguyễn Huy Tự

 

Mấy ai về lại quê xưa!

 

Quá tự hào về sự học nhưng nghe ra vẫn ngùi ngẫm thế nào. Những lớp trẻ lớn lên, cố nhờ vào con đường học vấn để thoát ly sự nghèo khó của chốn quê làng, nhưng đi đến mức thế này thì quá lạ. Bác Dần bảo: học sinh xã Trường Lộc, trước đây học cấp II trường không đủ chỗ ngồi, nay thì trường THCS không đủ số học sinh, phải ghép về học chung với Trường THCS Yên Lộc nhưng vẫn giữ tên cũ của trường mang tên danh nhân Nguyễn Huy Tự.

 

Học sinh cấp I càng khó hơn vì càng ngày học sinh càng ít, từ chỗ trước đây mỗi năm đầu vào từ 5-6 lớp 1, hai năm nay học sinh vào lớp 1 cả xã chỉ hơn 20 em, nên bảo làng này “con nít ít hơn tiến sĩ” là thế!

 

Tôi chợt nhớ hôm trước anh Minh, chủ tịch xã, cho tôi vài con số thống kê kỳ lạ: cả xã Trường Lộc 10 năm qua chưa đến chục  đám cưới tổ chức ở xã vì thanh niên đi học, sống xa quê lấy vợ đâu trên phố, lễ tết may ra mới dắt nhau về chào họ hàng.

 

Năm 2004 cả xã có 12 cháu bé được sinh ra nhưng số cụ ông cụ bà qui tiên là... 13, như thế tỉ lệ phát triển dân số là con số âm. Người đi nhiều nên làng rất vắng. Con số trên giấy tờ ghi dân số cả xã là 2.800 người nhưng hầu hết là ông già bà lão. May ra có sinh động lên đôi chút vào mỗi cuối năm, mọi người về quê ăn tết.

 

Chuyện học giỏi ở đất này ngoài một cách để thoát nghèo còn có sự kế thừa từ truyền thống chăm lo sự học. Nếu ngày xưa Nguyễn Huy Oánh lập ra ruộng học điền thì sau này xã Trường Lộc cũng có một quĩ đất ruộng được đưa vào nghị quyết của xã: nhà nào có con em đậu đại học thì được cấp một sào ruộng loại tốt để cày cấy nuôi con ăn  học. Lệ ấy vẫn duy trì cho đến sau này. Từ vuông ruộng nghèo “học điền” ấy, bao nhiêu học trò làng nay đã thành ông nghè ông cử.

 

Câu chuyện của ông quan nhất phẩm thượng thư Bộ Hộ Nguyễn Huy Oánh từ thế kỷ 18 lại trở về trong tôi: xưa kia, giã quan trường về làng, tóc sương tuổi hạc ông vẫn góp công góp của, vận động dân làng gây dựng nên một làng Trường Lưu trứ danh miền Nghệ Tĩnh.

 

Chính ông đã tạo nên vườn hoa bên núi Phượng Sơn, đào ao thả sen, khơi giếng Thạc (Thạc tỉnh), lập chợ Quan, tu bổ miếu chùa, lập kho thóc gọi là nghĩa thương để dân chắt chiu dành dụm thóc góp lại giúp nhau lúc giêng hai giáp hạt... khiến Trường Lưu xưa kia nổi tiếng với tám cảnh đẹp đã đi vào văn chương, thi ca. Cả cảnh lẫn tình của đất Trường Lưu hun đúc nên văn chất đất học, giờ đây từ sự học bao người nên danh phận, nhưng sao chẳng mấy ai về lại quê xưa?!

 

Theo Lê Đức Dục

Tuổi Trẻ