Lãnh đạo nhiều trường tốp trên muốn giữ lại kỳ thi đại học

Cho rằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia chưa đủ tin cậy và chưa thể chọn lựa thí sinh ưu tú nhất, nhiều trường muốn giữ lại kỳ thi ĐH, CĐ.

Dự thảo phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia (gồm 3 phương án) có điểm mới là kỳ thi có thể thi theo môn hoặc theo bài dưới dạng tổng hợp, tích hợp các môn học. Đặc biệt, kết quả của kỳ thi sẽ là căn cứ quan trọng để các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) thực hiện tuyển sinh. Nhiều ý kiến cho rằng, kỳ thi sẽ giảm áp lực thi cử, đỡ tốn kém cho xã hội. Tuy nhiên, những trường tốp trên (có uy tín, chất lượng tốt về giảng dạy) lại tỏ ra băn khoăn về đề thi và việc dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.
 
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2014
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2014.

Kết quả chưa đủ tin cậy, nhiều trường vẫn phải thi thêm

Kỳ thi THPT quốc gia có đề cập đến đề thi tổng hợp, tích hợp các môn học trong một bài thi. Đây là một sự đổi mới rất quan trọng nên cần được bàn luận một cách kỹ lưỡng để có cách làm phù hợp và hiệu quả.

Lãnh đạo nhiều trường tốp trên muốn giữ lại kỳ thi đại học
Theo ông Nguyễn Kim Sơn, Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, đề thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT theo phương án mới nên tổ chức thi theo 2 khối Toán và Ngữ văn. Riêng môn Ngoại ngữ có thể đa dạng hóa hình thức thực hiện, có tính đến yếu tố, điều kiện học tập, giảng dạy môn học này ở từng vùng, miền.

Phương án này vừa thuận tiện cho việc xét tốt nghiệp THPT, vừa thuận lợi cho các trường ĐH, CĐ xét tuyển đầu vào. Trong tương lai, đề thi sẽ dần được định hướng theo dạng bài thi đánh giá năng lực tổng hợp của học sinh.

Dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT có đề cập đến việc lấy kết quả của kỳ thi này để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Tuy nhiên, đây là vấn đề đòi hỏi các trường ĐH, CĐ phải cân nhắc và bàn thảo kỹ vì độ tin cậy của kết quả của kỳ thi này nên sẽ vẫn có những trường phải tổ chức thêm một kỳ thi nữa để tuyển lựa thí sinh xuất sắc vào trường.

Bạn đồng ý theo phương án thi nào trong số 3 phương án tổ chức kì thi quốc gia do Bộ GD - ĐT vừa mới công bố tại hội nghị tổng kết năm học 2013 - 2014?
Phương án 1: thi truyền thống 8 môn thi gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý.
Phương án 2: tổ chức thi với 5 bài thi, trên cơ sở tổng hợp từ kiến thức, kỹ năng của 8 môn học toán, ngữ văn, ngoại ngữ, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý.
Phương án 3: chọn 11 môn học ở lớp 12 để tổng hợp thành 4 bài thi gồm: bài thi Toán - Tin, bài thi Khoa học Tự nhiên, bài thi Khoa học xã hội và bài thi Ngoại ngữ.
Ý kiến khác
  
Là một trường đào tạo đội ngũ y, bác sĩ nổi tiếng của cả nước, năm nào đến mùa tuyển sinh là ĐH Y Hà Nội cũng phải khắt khe trong việc chọn lọc thí sinh ưu tú nhất vào trường.

Tuy nhiên, theo quy định tuyển thẳng, xét tuyển ưu tiên của Bộ GD-ĐT, năm nay, ĐH Y vẫn phải nhận 127 học sinh tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển. Con số này chiếm 23,1% chỉ tiêu của ngành Bác sĩ đa khoa. Vì vậy, những thí sinh thi ĐH, CĐ đạt tới 26, 27 điểm vẫn có nguy cơ “rớt” khi đăng ký vào ĐH Y Hà Nội. Thế nhưng, những thí sinh được tuyển thẳng chưa phải là thí sinh ưu tú nhất.

Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cho biết, để đảm bảo chất lượng thí sinh “đầu vào”, nhà trường vẫn phải tổ chức một kỳ thi riêng chứ không phải phụ thuộc vào kết quả của kỳ thi  THPT quốc gia.

Cũng giống như ĐH Y Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội có nhiệm vụ đào tạo đội ngũ giáo viên đạt chất lượng cao cho đất nước và cung cấp nhân lực cho ngành giáo dục nên việc tuyển chọn thí sinh vào trường cũng phải đảm bảo theo như Đề án Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục.

Trăn trở về kết quả kỳ thi THPT quốc gia được dùng để xét tuyển vào ĐH, CĐ, ông Nguyễn Văn Trào, Hiệu phó ĐH Sư phạm Hà Nội đề xuất cần có sự giám sát của các cơ quan chức ngăng trong kỳ thi quốc gia chung để các trường đại học có thể yên tâm vào kết quả của kỳ thi này để lựa chọn nguồn thí sinh chất lượng cao.

Nên giữ lại kỳ thi ĐH, CĐ

Dù Bộ GD-ĐT có đưa ra những giải pháp để đảm bảo an toàn, nghiêm túc cho kỳ thi THPT quốc gia nhưng nhiều lãnh đạo các trường ĐH “tốp” trên chưa thực sự tin tưởng vào kết quả của kỳ thi này. Một số ý kiến cho rằng, nên giữ lại kỳ thi ĐH, CĐ.

Ông Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT là để kiểm tra kiến thức đạt được và mặt bằng trình độ chung của thí sinh để có thể xét tốt nghiệp. Còn kỳ thi ĐH, CĐ là có yếu tố sàng lọc, chọn lựa thí sinh trên cơ sở cạnh tranh để tuyển những người giỏi nhất vào một trường nào đó. Do đó, khó có thể lấy mỗi kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét thí sinh vào trường ĐH, CĐ bởi mỗi nơi yêu cầu nguồn tuyển khác nhau, tùy theo đặc thù riêng. Vì vậy, Bộ GD-ĐT vẫn nên giữ lại kỳ thi ĐH, CĐ.

Đồng ý với quan điểm trên, ông Nguyễn Duy Khoát, Phó Giám đốc Học viện An ninh cho rằng, việc tuyển chọn thí sinh vào ĐH, CĐ nên để các trường tổ chức thi và tự quyết vì trên thực tế tại Học viện có học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia nhưng 3 môn thi ĐH chỉ đạt 9 điểm. Vì vậy, giữ lại kỳ thi ĐH, CĐ là yếu tố cần thiết để sàng lọc thí sinh và để các trường đảm bảo được nguồn tuyển sinh “đầu vào”.

Lãnh đạo nhiều trường tốp trên muốn giữ lại kỳ thi đại học
Ông Phan Huy Phú, Hiệu trưởng trường ĐH Thăng Long cho rằng, hiện nay và trong vài năm tới, các trường ĐH, CĐ chưa thực sự tin tưởng vào kết quả của kỳ thi THPT tổ chức tại các địa phương cho dù Bộ GD-ĐT có huy động lực lượng từ các trường ĐH tham gia trông thi. Vì vậy, nếu tổ chức kỳ thi THPT quốc gia ở địa phương thì nhiều trường sẽ phải tổ chức thi bổ sung, gây khó khăn cho thí sinh và tốn kém công sức, tiền bạc của xã hội.

Việc sử dụng chung kết quả của kỳ thi để xét tuyển vào các trường sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Nếu xử lý không tốt sẽ làm tốn kém rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc của các gia đình và các trường, đồng thời dễ dẫn đến nhữmg bất hợp lý. Bởi có trường hợp những thí sinh xứng đáng hơn lại không trúng tuyển.

Góp ý về việc tổ chức xét tuyển sau khi có kết quả thi, ông Phan Huy Phú đề xuất một phương án tổ chức xét tuyển dựa hoàn toàn vào công nghệ thông tin. Cụ thể là theo “Chương trình xét tuyển” với nền tảng là thuật toán “Chấp nhận trì hoãn” (Deferred - Acceptance) đã giúp A. Roth được nhận giải Nobel về Kinh tế năm 2012 cùng với Shapley.

Theo ông Phan Huy Phú, để tiến hành xét tuyển, Bộ GD-ĐT sẽ làm đầu mối thành lập và chỉ đạo một ban tuyển sinh gồm các thành viên đại diện của các trường, sử dụng một phần kết quả kỳ thi để xét tuyển. 

Sau đó, ban tuyển sinh sẽ chạy "chương trình xét tuyển” theo dữ liệu là chỉ tiêu của các trường, nguyện vọng và kết quả học tập cũng như kết quả thi của thí sinh. Chỉ trong vài giờ sẽ có ngay kết quả phân bố thí sinh về các trường.

Các trường có những yêu cầu riêng sẽ tự tổ chức đánh giá trước kỳ thi quốc gia và chuyển kết quả về Ban Tuyển sinh để chạy “chương trình xét tuyển”.

Ông Huy Phú cho rằng, việc xét tuyển theo “chương trình xét tuyển” nêu trên ưu việt hơn nhiều so với cách xét tuyển nguyện vọng bổ sung trong những năm qua. Thí sinh sẽ được vào học trường cao nhất có thể theo thứ tự ưu tiên của họ, tương quan với số điểm mà họ có. Song song với đó, các trường lại được danh sách trúng tuyển tốt nhất trong khuôn khổ các nguyện vọng của thí sinh và loại bỏ triệt để các trường hợp “ảo” (mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển chính thức tối đa 1 nguyện vọng). Thời gian thì được rút ngắn đi rất nhiều, từ 1 tháng xuống chỉ còn 1 ngày.

Cơ sở để ĐH Thăng Long đề xuất thuật toán này là đã từng thử nghiệm với hàng triệu dữ liệu và qua kiểm tra kết quả nhận được độ chính xác cao. Nếu Bộ GD-ĐT xét thấy có thể khả thi, ông Huy Phú khẳng định sẽ sẵn sàng phối hợp để triển khai trong thời gian tới.

Theo Bích Lan
VOV.VN