Lấy kết quả khảo sát Pasec “soi” giáo dục Việt Nam

(Dân trí)-“Có thể nói đây là một kết quả rất đáng ngạc nhiên về giáo dục khi Việt Nam đang là một đất nước có thu nhập còn hạn chế so với các nước trên thế giới”-ông Hamani Ounteni Moussa, cố vấn kỹ thuật của Pasec Confemen đánh giá cao kết quả khảo sát Pasec của Việt Nam.

Ngày 26/2 tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT tổ chức Báo cáo tổng kết chương trình phân tích hệ thống giáo dục của Hội nghị Bộ trưởng các nước sử dụng tiếng Pháp (Pasec 10). Tại đây, Bộ GD-ĐT đã chính thức công bố kết quả khảo sát Pasec 10 của Việt Nam. Đồng thời cố vấn kỹ thuật của Pasec Confemen (chương trình phân tích các hệ thống giáo dục của  Hội nghị các Bộ trưởng giáo dục các nước sử dụng tiếng Pháp) cũng đưa ra những phát hiện và khuyến nghị cho giáo dục Việt Nam sau đánh giá Pasec 10. Kết quả này sẽ được Pasec Confemen công bố trên toàn thế giới ngay sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết.
 
Lấy kết quả khảo sát Pasec “soi” giáo dục Việt Nam
 

Pasec là chương trình đánh giá học sinh ngay trên địa bàn của đất nước đó, không so sánh các quốc gia với nhau mà so với các tiêu chuẩn chung của Pasec đặt ra. Mục tiêu của Việt Nam khi tham gia chương trình Pasec là đánh giá kết quả học tập của học sinh lớp 2 và lớp 5 trong lĩnh vực Toán và Tiếng Việt vào đầu và cuối năm học, đồng thời thu thập những thông tin về những nhân tố tác động đến kết quả học tập của học sinh.

 

Quá trình tham gia khảo sát gồm đầu vào và đầu ra trong khoảng thời gian từ tháng 12/2011 đến tháng 5/2012 với những đối tượng là học sinh lớp 2, lớp 5; các giáo viên dạy lớp 2, lớp 5; các hiệu trưởng các trường tiểu học của 180 trường tiểu học trên toàn quốc (gồm cả thành thị và nông thôn).

 

Kết quả được công bố theo 4 tiêu chí: Tiến bộ của học sinh trong một năm học; Kiến thức và kỹ năng của học sinh; Các yếu tố của chất lượng giáo dục tiểu học; Các kết quả khác.

 

Tại Việt Nam, kết quả được công bố như sau: Về sự tiến bộ của học sinh trong một năm học: ở lớp 2, các bài kiểm tra là quá dễ đối với học sinh ở cả đầu năm và cuối năm; ở lớp 5: 75% học sinh đã có sự tiến bộ bình quân là +42 điểm trong năm học, điều này cho phép các em thực hiện những nhiệm vụ bổ sung.

 

Về kiến thức và kỹ năng của học sinh: ở lớp 2: tất cả các học sinh Việt Nam, kể cả các học sinh yếu nhất, đều làm chủ được năng lực ở cấp độ thấp và cao được đo lường qua các bài kiểm tra môn tiếng Việt và môn Toán; ở lớp 5: 90,7% học sinh ở lớp 5 đã có được các năng lực được đo lường trong bài kiểm tra môn Tiếng Việt, 50,1% học sinh đã đạt được tất cả những năng lực được đo trong bài kiểm tra môn Toán.

 

Về các yếu tố của chất lượng giáo dục tiểu học (gồm: giới tính, điều kiện kinh tế của gia đình học sinh, vai trò giáo viên, trang bị phòng học, vai trò hiệu trưởng, địa điểm trường): Những học sinh nữ có năng lực cao hơn học sinh nam ở cả lớp 2 và lớp 5 trong cả 2 môn; những em học sinh có xuất thân từ gia đình khá giả nhất có thành tích học tập cao hơn các em học sinh xuất thân từ gia đình nghèo nhất ở cả 2 lớp 2 và lớp 5; việc đào tạo về phương pháp tiếp cận năng lực của giáo viên có liên quan tích cực đến việc tiếp thu của học sinh ở lớp 2 và lớp 5 trong cả hai môn Tiếng Việt và Toán; thâm niên công tác của hiệu trưởng chỉ tác động tích cực đối với học sinh lớp 2 trong môn Tiếng Việt; học sinh được học trong các trường được trang bị tốt nhất có thành tích học tập tốt hơn các bạn khác trong hai môn học cả ở lớp 2 và lớp 5... Kết quả khảo sát cũng cho thấy: có 6% học sinh học tại các trường không có phòng vệ sinh hoặc nhà tiêu, có hơn 17% học sinh có hiệu trưởng không có phòng làm việc riêng, hơn 85% hiệu trưởng dành hơn nửa thời gian làm việc cho các công việc hành chính...

 

Phát biểu tại hội nghị, ông Hamani Ounteni Moussa, cố vấn kỹ thuật của Pasec Confemen đánh giá cao kết quả khảo sát Pasec của Việt Nam.

 

“Có thể nói đây là một kết quả rất đáng ngạc nhiên về giáo dục khi Việt Nam đang là một đất nước có thu nhập còn hạn chế so với các nước trên thế giới. Điều này cho thấy chính phủ Việt Nam đã rất quan tâm đến việc đầu tư nguồn lực con người trong sự nghiệp phát triển bền vững của quốc gia” - ông Hamani Ounteni Moussa nói.

 

Từ kết quả này, ông Hamani Ounteni Moussa cũng đưa ra những khuyến nghị cho giáo dục Việt Nam trong thời gian tới là Việt Nam cần tăng cường khả năng lý giải và lập luận cho học sinh; tăng cường tuyển dụng đội ngũ giáo viên trẻ có trình độ cao; Cần tìm giải pháp cho học sinh nam có kết quả học tập ít nhất là bằng với học sinh nữ; cần trang bị tốt hơn nữa trang thiết bị cho các trường, đặc biệt các trường vùng nông thôn.

 
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại hội nghị.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại hội nghị.
 
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhận định: “Cùng với Pisa, Pasec lần này đánh dấu lần thứ 2 Việt Nam tham gia các cuộc đánh giá khảo sát của quốc tế về giáo dục theo quy mô lớn và uy tín. Kết quả Pasec lần này có thể nói chúng ta đang tự soi chúng ta. Tuy nhiên, vì các mẫu được lấy ngẫu nhiên từ các tỉnh thành trên toàn quốc nên chúng ta không nên cho rằng kết quả này là đại diện của một tỉnh nào, cũng không phải đại diện của toàn quốc và cũng không nên so sánh kết quả của tỉnh này với tỉnh khác. Chúng ta rất vui mừng và phấn khởi trước kết quả này khi Pasec Confemen công bố. Song,  không thể tự mãn về kết quả khảo sát lần này mà sẽ tiếp tục phát huy và học tập từ kết quả đó. Học sinh Việt Nam đã được cả Pisa và Pasec đánh giá là có trình độ khá cao nhưng vẫn đang gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề gắn với thực tiễn, cho nên thời gian tới chương trình giáo dục của chúng ta sẽ tập trung chú trọng vào vấn đề này để tiến tới việc giáo dục toàn diện cho học sinh”.

 

Chương trình Pasec: Được thành lập từ năm 1991, chương trình phân tích các hệ thống giáo dục của Confemen (Pasec) nhằm tới cung cấp thông tin về sự phát triển của các hệ thống giáo dục và các chính sách giáo dục kèm theo đó. Trong 2 thập kỷ qua, đã có 35 cuộc đánh giá quốc gia được tiến hành ở gần 20 nước tại Châu Phi, Châu Á và Trung Đông.

 

Phạm Kim Anh