Lấy ý kiến nhân dân về quy định dạy thêm, học thêm

(Dân trí) - Sáng nay 7/11, Bộ GD-ĐT đã có buổi thảo luận với các Vụ và 6 tỉnh, thành phố về Dự thảo quy định quản lý dạy thêm học thêm. Theo đó, dự thảo này sẽ được đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến nhân dân trong 1 tháng, từ 20/11 - 20/12.

Theo dự thảo, việc dạy thêm học thêm trong nhà trường được tổ chức trong cơ sở giáo dục có dạy chương trình phổ thông, bao gồm: phụ đạo, bồi dưỡng học sinh; ôn tập thi tốt nghiệp; dạy thêm theo nguyện vọng của học sinh. Dạy thêm ngoài nhà trường là dạy thêm, học thêm được tổ chức ngoài cơ sở giáo dục theo chương trình phổ thông, bao gồm: bồi dưỡng văn hoá, luyện thi ở các trung tâm, các lớp độc lập.

 

Cấm dạy thêm học thêm trong bậc tiểu học?

 

“Không tổ chức dạy thêm học thêm đối với học sinh tiểu học, kể cả trong kỳ nghỉ hè”. Theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng, quy định này khó thực hiện được vì đó là nhu cầu chính đáng của phụ huynh, học sinh. Có cung thì ắt có cầu nên việc này rất khó quản lý.

 

Đồng tình với quan điểm này, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Tây cho rằng: Nếu cấm giáo viên tiểu học dạy thêm là ngược lại với thực tế. Đặc biệt, nhiều giáo viên tiểu học trông trẻ tại nhà được phụ huynh gửi gắm dạy văn hóa cho con họ.

 

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc thì đưa ra ý kiến: Nếu cấm việc dạy thêm học thêm ở bậc tiểu học thì chỉ nên cấm dạy không thu tiền, chứ cấm hẳn dạy thêm học thêm ở tiểu học là không được.

 

Ngược lại với ý kiến trên, lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Hưng Yên cho biết: Tỉnh Hưng Yên đã cấm tổ chức dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học dưới mọi hình thức.

 

Ông Trịnh Quốc Thái, Vụ trưởng Vụ Tiểu học, cũng rất đồng tình với cách làm của tỉnh Hưng Yên. Theo ông, vấn đề là cần tuyên truyền cho các bậc cha mẹ hiểu rõ vấn đề, lúc đó sẽ không còn cầu, ắt hết cung.

 

Bậc phổ thông được phép dạy thêm trong khuôn khổ

 

Các hành vi không được làm trong dạy thêm học thêm

 

Không tổ chức dạy thêm học thêm đối với học sinh tiểu học, kể cả trong kỳ nghỉ hè.

 

Không dạy trước chương trình quy định hoặc cắt xén chương trình chính khoá để chuyển sang dạy thêm học thêm.

 

Không dạy thêm cho học sinh cả lớp học phổ thông.

 

Không được ép buộc học sinh phải học thêm.

 

Giáo viên không mở lớp dạy thêm ngoài nhà trường cho học sinh do chính mình đang dạy chính khoá.

Điều kiện để tổ chức dạy thêm, học thêm phải đảm bảo trên nguyên tắc tự nguyện, đúng đối tượng, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của người học. Nội dung, phương pháp giảng dạy phải phù hợp với mục tiêu của chương trình.

 

Theo đó, tổ chức dạy thêm, phụ đạo cho học sinh yếu là không thu tiền. Khi học sinh có nguyện vọng học thêm và có đơn đề nghị , nếu có đủ điều kiện về giáo viên và cơ sở vật chất thì hiệu trưởng lập kế hoạch dạy thêm, duyệt chương trình, nội dung... Mỗi lớp học thêm không quá 30 học sinh, đối với bậc THCS thì học thêm không quá 1 buổi/tuần, THPT không quá 2 buổi/tuần.

 

Đối với tổ chức, cá nhân xin mở lớp hoặc tham gia dạy thêm phải đạt trình độ chuẩn hoặc trên chuẩn của giáo viên các cấp học. Cơ sở vật chất phải đảm bảo 1 m2/học sinh. Việc cấp giấy chứng nhận, mức thu học phí  do địa phương cấp.

 

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Vọng cho biết: Dạy thêm, học thêm là chính đáng cần thiết. Việc dạy thêm, học thêm không chính đáng là giáo viên ép học sinh, đó là ép trực tiếp. Còn gián tiếp là giáo viên tự cắt xén chương trình, ra nhiều bài tập, học sinh không học được thì phải đi học thêm. Ngoài ra, lý do chính nữa là phụ huynh ép con em mình học thêm môn học trong khi học sinh đó không có năng khiếu. Do vậy ở bậc học THCS, THPT sẽ tổ chức dạy thêm, học thêm có thu tiền hoặc không thu tiền nhưng đặc biệt không dạy trước chương trình, không dạy thêm đối với cả lớp.

 

Việc dạy thêm học thêm phải trên 5 nguyên tắc: Tự nguyện; Nội dung, phương pháp phù hợp, đúng đối tượng; Đảm bảo hài hoà giữa người dạy và học; Khuyến khích dạy thêm học thêm không thu tiền; Mở lớp dạy thêm học thêm được phép của cơ quan có thẩm quyền.

 

Tuy nhiên, với quy định trên Bộ GD-ĐT  đang tổ chức thảo luận và lấy ý kiến của nhân dân từ ngày 20/11 đến ngày 20/12 và ban hành quy định quản lý dạy thêm học thêm vào ngày 20/1/2007.

 

Minh Hạnh