Bắc Ninh:

“Lỗ hổng” sính bằng cấp: Thạc sỹ đổ xô đi làm giáo viên

(Dân trí) - Với mục tiêu tuyển dụng được đội ngũ công chức, viên chức có chất lượng cao, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành quyết định 33/2012/QĐ-UBND về việc quy định chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nhân tài. Tuy nhiên, quy định lại quá đề cao bằng cấp.

Quyết định số 33/2012/QĐ-UBND ngày 08/6/2012 của UBND tỉnh Bắc Ninh có đưa ra chế độ, chính sách thu hút nhân tài về tỉnh Bắc Ninh công tác lâu dài. Theo đó, nếu có chỉ tiêu thì tiến sỹ, thạc sỹ, sinh viên tốt nghiệp đại học công lập hệ chính quy loại giỏi, xuất sắc (trừ hệ liên thông) trong và ngoài tỉnh Bắc Ninh có cam kết công tác lâu dài tại tỉnh Bắc Ninh (từ 10 năm trở lên) thì được tuyển thẳng vào công chức, viên chức.

Tuy nhiên, đến ngày 29/5 UBND tỉnh Bắc Ninh tiếp tục ra sửa đổi, bổ sung chính sách này khi thấy nảy sinh bất cập về tình trạng người có bằng tại chức, liên thông học lên để hợp thức hóa thành bằng thạc sỹ, tiến sỹ. Nội dung sửa đổi nêu rõ: Riêng đối với người có trình độ Thạc sỹ, Bác sỹ chuyên khoa cấp I, Dược sỹ chuyên khoa cấp I được tuyển dụng, tiếp nhận về tỉnh Bắc Ninh phải đảm bảo các điều kiện: Trước khi đi học sau đại học phải tốt nghiệp đại học hệ chính quy (trừ liên thông); Chuyên ngành đào tạo sau đại học phải phù hợp với chuyên ngành đào tạo ở bậc đại học hoặc phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ của vị trí việc làm cần tuyển dụng hoặc tiếp nhận; Ði học tại cơ sở đào tạo công lập có chức năng đào tạo sau đại học.

Tưởng chừng các quy định này đảm bảo chặt chẽ và đáp ứng được mong muốn của tỉnh Bắc Ninh trong việc tuyển dụng được đội ngũ công chức, viên chức có chất lượng cao nhưng thực tế thì lại có nhiều bất cập. Những điều bất cấp này được thể hiện trong việc tuyển giáo viên của Sở GD-ĐT Bắc Ninh và huyện Yên Phong vừa qua.

Thạc sỹ thi làm giáo viên cũng “rớt”

Sở GD-ĐT Bắc Ninh và huyện Yên Phong là hai đơn vị đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh tuyển dụng giáo viên theo Luật viên chức. Với quy định hút nhân tài của tỉnh Bắc Ninh đưa ra thì hai đơn vị này đã đồng loạt tuyển thẳng nhiều chỉ tiêu, thậm chí số đối tượng tuyển thẳng của Sở GD-ĐT Bắc Ninh ở nhiều môn còn nhiều hơn cả chỉ tiêu tuyển dụng.

Riêng với huyện Yên Phong thì con số này là 85/612 chỉ tiêu. Cùng chung tình trạng như Sở GD-ĐT Bắc Ninh khi mà nhiều môn học cũng phải “đóng cửa” không tiếp nhận thí sinh dự tuyển do số đối tượng tuyển thẳng vượt quá chỉ tiêu.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2013, Sở GD-ĐT Bắc Ninh tuyển dụng 95 chỉ tiêu dành cho các môn học của các trường THPT và đưa ra một số quy định “đặc thù” để hạn chế bớt việc đối tượng tuyển thẳng theo chủ trương hút nhân tài của UBND tỉnh Bắc Ninh đưa ra. Cụ thể, Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Ninh đưa ra quy định dự tuyển là phải tốt nghiệp ĐH chính quy chuyên ngành sư phạm tại các trường sư phạm, các khoa sư phạm trong và ngoài nước. Riêng tốt nghiệp ĐH hệ chính quy tại ĐHQGHN, ĐH Quốc gia TPHCM thì phải có chứng chỉ nghiệp vụ Sư phạm do cơ quan có thẩm quyền cấp; Có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Bắc Ninh trước khi đi học ĐH...

Với cách đưa ra nhưng số đối tượng đáp ứng được điều kiện dự tuyển có trình độ thạc sỹ ở mức “khủng”. Chẳng hạn như, môn Lịch sử có 5 chỉ tiêu nhưng có 15 đối tượng thuộc diện tuyển thẳng tham gia trong đó có 3 thạc sỹ; môn Văn học có 12 chỉ tiêu thì con số này tương ứng là 12/6; môn Sinh học có 5 chỉ tiêu nhưng có đến 20 người thuộc diện tuyển thẳng tham gia và có đến 13 thạc sỹ; môn Vật lý 9 chỉ tiêu nhưng có gần 30 thuộc diện tuyển thẳng tham gia và có 13 thạc sỹ…

Những con số mà chúng tôi đưa ra ở trên cho thấy, thạc sỹ còn “rớt” chứ chưa nói đến các đối tượng khác.

Trong khi đó ở huyện Yên Phong thì lại mở rộng đối tượng dự tuyển một cách ào ạt như không yêu cầu tốt nghiệp sư phạm mà chỉ cần có chứng chỉ sư phạm là có thể tham gia, không yêu cầu tốt nghiệp ĐH chính quy, mở rộng xét tuyển cả tỉnh ngoài đối với những người có bằng thạc sỹ, tiến sỹ, người tốt nghiệp ĐH chính quy loại Giỏi, Xuất sắc. Chính điều này mà nhiều giáo viên hợp đồng lâu năm muốn tham dự thi tuyển cũng không thể chen chân bởi chỉ tiêu dành hết cho tuyển thẳng.

Thạc sỹ đổ xô đăng ký tuyển thẳng vào viên chức ở huyện Yên Phong (Bắc Ninh).
Thạc sỹ đổ xô đăng ký tuyển thẳng vào viên chức ở huyện Yên Phong (Bắc Ninh).

Kết quả thông báo tuyển trúng tuyển viên chức ở huyện Yên Phong cũng cho thấy sự thiếu cân nhắc khi xét tuyển thẳng. Chẳng hạn như, thí sinh tốt nghiệp loại giỏi ngành Công nghệ Sinh học - ĐH Nông Lâm Thái Nguyên được tuyển thẳng vào ngành Sinh học…

Trước những bất cập này, phóng viên Dân trí đã trao đổi ông Lê Kim Trường - Trưởng phòng Nội vụ huyện Yên Phong. Ông Trường giải thích: Kế hoạch này đã được Sở Nội vụ phê duyệt nên cấp dưới chỉ thực hiện. Do huyện Yên Phong là đơn vị đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức nên không thể học hỏi cách làm của Sở GD-ĐT Bắc Ninh.

“Mặc dù được phê duyệt kế hoạch trước nhưng khâu tuyển dụng của Yên Phong lại hoàn thành sau vì chỉ tiêu tuyển dụng và số lượng dự thi đông” - ông Trường bộc bạch.

Nên có sự điều chỉnh

Chủ trương hút nhân tài của Bắc Ninh không phải là chuyện gì đó quá đặc biệt bởi trước đó nhiều địa phương khác cũng đã thực hiện.

Đơn cử như cách làm của Đà Nẵng, họ cũng ưu tiên tuyển thẳng thạc sỹ nhưng yêu cầu phải tốt nghiệp ĐH chính quy bằng Khá trở lên. Chẳng nói đâu xa, Hà Nội cũng có chế độ tuyển thẳng nhưng chỉ áp dụng cho môn học đặc thù và thủ khoa đầu ra của các trường ĐH, CĐ chính quy được UBND thành phố tặng bằng khen…

Cánh cửa hút nhân tài quá rộng sẽ làm mất đi cơ hội của các đối tượng
Cánh cửa hút nhân tài quá rộng sẽ làm mất đi cơ hội của các đối tượng khác trong đó có cả giáo viên hợp đồng.

Trong khi đó ở Bắc Ninh không đưa ra sự “sàng lọc” mà “vơ” cả nắm. Chỉ cần tốt nghiệp ĐH chính quy và học lên có bằng thạc sỹ là được tuyển thẳng. Quy định này không chỉ áp dụng đối với người có hộ khẩu của tỉnh mà ngay cả người tỉnh ngoài nếu họ cam kết công tác lâu năm.

Với việc quá rộng cửa để thu hút nhân tài nên cơ hội tổ chức tuyển dụng xét tuyển, hoặc thi tuyển dành cho đối tượng khác sẽ hẹp lại. Cứ với đà này thì trong tương lai gần, có lẽ Bắc Ninh sẽ “phổ cập” thạc sỹ ở các vị trí việc làm.

Trao đổi với PV Dân trí, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn chia sẻ: “Đối với quản lý nhà nước thì không yêu cầu học vị quá cao mà điều quan trọng là năng lực thực thi công vụ. Khi tuyển vào công chức thì thi năng lực thực thi công vụ được quan tâm nhiều hơn”.

Nguyễn Hùng