Lộ trình nghề nghiệp nào lí tưởng cho sinh viên ngành Tài chính ngân hàng?

(Dân trí) - Nhìn rõ mục tiêu, lên kế hoạch cụ thể và định hướng lộ trình nghề nghiệp đúng đắn ngay từ khi ngồi trên ghế giảng đường đại học sẽ giúp bạn trẻ theo đuổi ngành Tài chính ngân hàng vững bước, thăng tiến về sự nghiệp.

Lộ trình ngành dọc hay ngành ngang đều có điểm hay - dở riêng

“Lộ trình nghề nghiệp thế nào thì lí tưởng?” là thắc mắc của đông đảo sinh viên ngành Tài chính ngân hàng. Câu hỏi này đã được các chuyên gia đầu ngành giải đáp tại chương trình Quản trị viên tài năng 2018” do Đại học Ngoại thương tổ chức ngày 20/4.

Hội thảo được tổ chức với mục đích định hướng nghề nghiệp và đào tạo những tài năng trẻ, những sinh viên mới ra trường năng động, sáng tạo và có tham vọng phát triển trong ngành Tài chính - Ngân hàng.

Ông Nguyễn Phi Hùng (Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Maritime Bank) chia sẻ định hướng lộ trình nghề nghiệp cho sinh viên Ngoại thương.
Ông Nguyễn Phi Hùng (Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Maritime Bank) chia sẻ định hướng lộ trình nghề nghiệp cho sinh viên Ngoại thương.

Ông Nguyễn Phi Hùng (Phó Tổng giám đốc, Giám đốc Khối Công nghệ & Vận hành Maritime Bank - đang điều hành hơn 2000 nhân sự), Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh - Học viện Công nghệ châu Á (AIT) - Thái Lan) từng làm việc qua 4 định chế tài chính đã chia sẻ với các bạn sinh viên chủ đề “Lập kế hoạch vào đời”

Theo ông Nguyễn Phi Hùng, thông thường có ba dạng lập kế hoạch/khởi nghiệp vào đời của các bạn sinh viên. Đó là: khởi nghiệp bị động (hoàn toàn được người khác - đa phần là bố mẹ/người thân lập trình, hoạch định); khởi nghiệp chủ động (bạn trẻ tự chủ động hoạch định, lập trình lộ trình tương lai cũng như định hướng vào đời); khởi nghiệp ngẫu nhiên/vô tình.

Diễn giả này cho biết, bản thân ông là người nằm giữa các dạng đó. “Thời trước sinh viên chúng tôi thiếu thông tin khi internet chưa có, báo chí còn hạn chế, cơ hội trao đổi với doanh nghiệp hiếm hoi. Sinh viên thường không có kế hoạch nghề nghiệp nào cả, chỉ mong ra trường tìm được ngay việc nào đó để làm. Tôi bắt đầu lập nghiệp bằng việc tìm học hỏi xem kinh nghiệm thành công của các anh chị đi trước là gì”, ông tâm sự.

Vị giám đốc cho hay, lộ trình nghề nghiệp ngành tài chính ngân hàng với những người có năng lực cơ bản có 2 cách.

Thứ nhất, đi theo chuyên môn ngành dọc. Với lộ trình này, sinh viên mới đi làm bắt đầu từ vị trí tập sự rồi lần lượt thăng tiến lên nhân viên chính thức, chuyên viên, phó phòng, trưởng phòng, giám đốc chức năng, giám đốc vùng, tổng giám đốc. Đây là các nấc thang đa phần ai cũng nghĩ tới.

Thứ hai, đi theo chuyên môn ngành ngang. Bước đầu, ứng viên phấn đấu lên ở mức độ nào đấy về chuyên ngành rồi tiếp thu tất cả kiến thức ở ngành này sau đó tiến bước đi lên.


Theo ông Nguyễn Phi Hùng, lộ trình nghề nghiệp theo ngành dọc hay ngành ngang đều có những điểm hay - dở riêng.

Theo ông Nguyễn Phi Hùng, lộ trình nghề nghiệp theo ngành dọc hay ngành ngang đều có những điểm hay - dở riêng.

Ông Nguyễn Phi Hùng phân tích rằng, nếu đi theo ngành dọc phát triển chuyên môn thì bạn trẻ có thể thăng tiến nhanh (nếu người đó có khả năng). Tuy nhiên, khi đạt một mức nào đấy sẽ bị hạn chế vì nền tảng xây dựng ở thời điểm ban đầu không thực sự tốt. Bởi lẽ, ở tầm lãnh đạo cấp cao thì ngoài kỹ năng quản lý thì cần có một số kỹ năng cứng nhất định để hiểu công việc các cấp dưới.

Đối với lộ trình theo ngành ngang, tốc độ thăng tiến có thể chậm hơn cách thứ nhất nhưng khi đã có nền tảng vững chắc và sâu rộng thì bậc thang công danh bạn đi có tính vững chắc, ổn định hơn.

Ở thời điểm đó, ông Hùng suy nghĩ và quyết định chọn cách thứ hai (xây dựng lộ trình nghề nghiệp ngành ngang).

Ở ngân hàng đầu tiên làm việc, sau 3 năm ông Hùng được đề bạt làm trưởng phòng và đảm nhận trong 2 năm. Những năm tiếp theo, ông Hùng định hướng đi theo cách thứ hai nên luân chuyển vị trí qua các phòng khác nhau.

“Tôi đề cập luôn với ban lãnh đạo ngân hàng mình làm rằng nguyện vọng của tôi trong 5 năm tới là được luân chuyển ít nhất 3 bộ phận khác nhau. Và những năm tiếp theo tôi luân chuyển quản lý ở các phòng tuyển dụng khác nhau… Hôm nay, khi giữ vị trí quan trọng trong ngân hàng tôi nhận ra rằng lựa chọn cách đây mười mấy năm của mình là đúng”, vị diễn giả chia sẻ.

Phó Tổng giám đốc Maritime Bank nhấn mạnh, ở vị trí của mình, hàng ngày ngoài công việc quản lý, ông vẫn phải giải quyết rất nhiều vấn đề từ các phòng ban chuyên môn cấp dưới đưa lên.

“Những kiến thức, kỹ năng đã tích lũy được trong những năm "đi ngang" rất quan trọng. Điều đó góp phần giúp tôi lấy được uy tín của mình trước các giám đốc chức năng; bởi vì nếu mình nói về chuyên môn sai, không chính xác thì người làm chuyên môn sẽ không lắng nghe mình được”, ông Hùng nói.

Lộ trình nghề nghiệp nào lí tưởng cho sinh viên ngành Tài chính ngân hàng? - 3

Cử nhân vừa ra trường nên chọn “front office” và “back office”?

Một sinh viên năm 3 đặt câu hỏi tới diễn giả: “Em được biết trong ngành ngân hàng thường có hai mảng công việc chính là front office và back office. Vậy sinh viên mới ra trường nên chọn mảng nào để phát triển bản thân một cách tốt nhất?”.

Sinh viên hào hứng đặt câu hỏi băn khoăn về định hướng nghề nghiệp tới diễn giả.
Sinh viên hào hứng đặt câu hỏi băn khoăn về định hướng nghề nghiệp tới diễn giả.

Diễn giả Nguyễn Phi Hùng: Bạn đã có cái nhìn đầu tiên về ngân hàng. Các bạn sinh viên có thể nghe những từ có vẻ hàn lâm như định chế tài chính, quỹ tài chính chứng khoán… Nhưng tôi cũng “bật mí” luôn rằng, tổ chức ngân hàng vốn không phức tạp như nhiều bạn nghĩ.

Mô hình tổ chức ngân hàng không khác gì mô hình của một nhà máy. Gồm có: nhà máy (nơi sản xuất sản phẩm), bộ phận nghiên cứu sản phẩm, bộ phận kiểm soát chất lượng, bộ phận bán hàng… Các bộ phận ở ngân hàng cũng được tổ chức tương tự như thế.

Thực ra ngân hàng không chỉ chia mảng việc thành “front office” và “back office” mà còn có thêm mảng “middle office”.

Trong đó, “back office” (vận hành) giống như nhà máy sản xuất sản phẩm, “front office” (kinh doanh) là bộ phận bán hàng tiếp thị; “middle office” (bộ phận nhân sự, quản lý rủi ro khác, phát triển sản phẩm...).

Các em sinh viên mới ra trường nên hiểu mỗi người có một khả năng thế mạnh riêng. Các em thiên về hướng ngoại sẽ làm “front” tốt hơn, em nào hướng nội làm “back” tốt hơn. Tuy nhiên, trước khi định hình làm “front” hay “back” thì các bạn nên nắm bắt cơ hội được đào tạo, luân chuyển ở mọi bộ phận nhằm nắm rõ khả năng, thế mạnh và định hướng chính xác cho mình.

Lệ Thu (ghi)