Lo vì nhiều học sinh... khá giỏi

Làm cha, làm mẹ thấy con được điểm 9, điểm 10 ai chẳng mừng…Thế nhưng đứng trước tỷ lệ hơn 90% học sinh khá, giỏi đã có những Hiệu trưởng không khỏi lo âu. Còn một số phụ huynh lại không tin con mình giỏi thật. Tại sao lại có sự hoài nghi như vậy?

Thầy giáo cũng không dám tin

 

Gần 30 năm gắn bó với ngành Giáo dục, trên 20 năm làm công tác quản lý ở cấp Tiểu học, lẽ ra trước con số tỷ lệ 50% giỏi, 45% học sinh khá, thầy giáo phải mừng hơn ai hết. Nhưng ngược lại, thầy lo. Thầy bảo rằng nó đi ngược lại với quy luật xã hội. Làm gì có xã hội nào (trường học cũng là một xã hội thu nhỏ) mà toàn người giỏi, người khá. Người trung bình, yếu, kém lại cực ít trong khi trình độ của chúng ta chưa thể đạt đến sự phát triển cao một cách tuyệt đối như vậy. Nói rồi thầy lấy ngay trường mình làm ví dụ: Tỷ lệ học sinh khá, giỏi xấp xỉ 95%, nhưng học sinh của thầy có giỏi, khá như  vậy không thì thầy không dám khẳng định.

 

Chúng tôi không tiện nêu tên thầy Hiệu trưởng trường Tiểu học có nhiều trăn trở trên bởi những lý do tế nhị. Song chúng tôi cũng nhận thấy ý kiến của thầy đã phản ánh phần nào sự chân thực trong giáo dục ở cấp tiểu học hiện nay. Vì lẽ đó, chúng tôi mong muốn gửi đến bạn đọc, đặc biệt là những người quan tâm đến chất lượng giáo dục hiện nay tâm sự của thầy, một người đang "nằm trong chăn".

 

Năm 1997, học sinh giỏi của trường chiếm 26%, thầy vừa mừng vừa lo. Mừng vì thấy ngày càng nhiều học trò học tốt hơn. Nhưng tỷ lệ học sinh giỏi vốn dĩ chỉ hơn 10% nay lại cao đột biến khiến thầy không an lòng. Mặc dù thầy biết rằng trẻ em bây giờ được chăm sóc tốt hơn, được tiếp cận với các thành tựu khoa học công nghệ nên khả năng nhận thức nhanh hơn. Hơn ai hết, thầy biết các em không có lỗi khi được đánh giá là học sinh khá, giỏi. Tiêu chí để xếp loại học lực là do người lớn đặt ra. 

 

Thầy cũng biết rằng hiện nay do sự quan tâm đặc biệt của người lớn mà các em học sinh bị tước đi những cái đáng được hưởng. Dù trái tuyến, không ít phụ huynh cũng cố lo lót cho con được vào trường điểm. Thế là ngày hai lần đứa trẻ phải rong ruổi trên đường để hít bụi, để chịu mưa nắng, gió rét.

 

Không chỉ vậy, trẻ còn mất đi sự giao lưu với những đứa trẻ cùng nơi cư trú. Một đứa bé suốt ngày ở trường, tối về lại chịu sự quản lý của cha mẹ thì còn thời gian, điều kiện nào để kết bạn. Thế là bé thiếu hụt quan hệ xã hội rất cần thiết. Thầy cũng đặt câu hỏi tại sao hiện nay trẻ lại thiếu tự tin, mạnh dạn trong khi học lực lại khá hơn. Câu trả lời là do cha mẹ quá yêu con. Yêu đến mức họ giữ con khư khư cho riêng mình. 

 

Sự áp đặt cũng làm cho trẻ mất đi tính quyết đoán. Nhất nhất cô giáo là đúng. Nghe lời cô giáo là tốt, nhưng khi việc đó trở nên máy móc thì chúng ta cần nhìn nhận lại. 

 

Phụ huynh chẳng yên lòng

 

Có phụ huynh tâm sự rằng khi thấy con mình 4 năm liền là học sinh tiên tiến mà lo. Tôi mới hỏi rằng cháu học khá như vậy cần gì phải lo lắng. "Cô có biết lớp cháu có bao nhiêu học sinh tiên tiến không?". Tôi lắc đầu. "Trên 40%, đấy là chưa kể cũng chừng ấy học sinh tiên tiến xuất sắc". Với cái tỷ lệ này phụ huynh cho rằng không thể biết rõ học lực của con mình.

 

Một phụ huynh khác không ngại ngần hạ đánh giá của nhà trường xuống hẳn một bậc. Nếu là tiên tiến xuất sắc thì xuống tiên tiến, tiên tiến thì xuống trung bình, còn trung bình là yếu, kém. Tìm hiểu về quy định đánh giá chất lượng học sinh tiểu học, chúng tôi được biết chỉ cần thông qua bài kiểm tra cuối học kỳ hai môn Toán và Tiếng Việt. Học sinh làm bài tốt, cô giáo không thể không cho điểm khá, giỏi. Cách đánh giá này từ khi được áp dụng đã đội tỷ lệ học sinh khá, giỏi lên rất cao. So với cách đánh giá cũ (cộng điểm các môn chia trung bình và xếp thứ tự từng tháng) thì việc này không còn những học sinh bị đội sổ.

 

Làm như thế sẽ tránh được ảnh hưởng đến tâm lý, đến sĩ diện của học sinh đó. Cái quyền của người đi học là không được coi là kẻ dốt nhất(?). Nhiều phụ huynh lại cho rằng với cách đánh giá cũ, họ sẽ yên tâm hơn khi biết rõ học lực của con mình. Chỉ cần xem sổ liên lạc là biết con đứng thứ mấy trong lớp và căn cứ vào đó  động viên, giúp đỡ con học tập để vươn lên.

 

Phụ huynh không yên tâm cho dù được thông báo con là học sinh khá, giỏi. Thầy giáo lo lắng khi thấy học sinh của mình toàn trò giỏi. Đó là một nghịch lý song nó vẫn đang tồn tại. Lý giải nguyên nhân chúng tôi  nhận ra rằng đó là hệ lụy không sao tránh khỏi của căn bệnh thành tích... 

 

 

Theo Công An Nhân Dân