Lội suối, băng rừng “nuôi” con chữ

(Dân trí) - “Nhà báo cứ lên đây thực tế một chuyến mà xem, về mùa này học sinh Vĩnh Ô đi học cực lắm, để đến được lớp các em phải vượt qua nhiều con suối, băng qua nhiều ngọn núi cao ngút mắt, khó khăn vậy nhưng các em vẫn ham con chữ…”-

Nói đến chuyện học sinh vùng cao băng rừng học chữ thì tôi đã chứng kiến nhiều, nhưng lời mời gọi của thầy giáo Hồ Văn Hà, giáo viên Trường Tiểu học Vĩnh Ô (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) đã thúc giục tôi vượt hàng trăm cây số để tận mắt thấy sự gian nan trên bước đường học tập của học sinh nơi đây. Không chỉ riêng tôi mà những ai từng chứng kiến cảnh các em học sinh Vĩnh Ô vượt suối, băng rừng “tìm chữ” đều cảm thấy xót xa đến nghẹn lòng.

Vượt khó tìm chữ

Trong khi các em học sinh miền xuôi hàng ngày được ba, mẹ đưa đón thì những học sinh Vân Kiều ở vùng núi phía Tây Quảng Trị, người “nhỏ thó như chú mèo con” phải tự mình lội qua hàng chục con suối, nhiều đèo cao mới đến được trường, lớp.

Lội suối “nuôi” con chữ giữa ngút ngàn Trường Sơn
Điạ hình cách trở, nhiều sông suối cũng là một nguyên nhân khiến cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng người dân Vân Kiều vùng phía Tây Quảng Trị.

Do địa hình nhiều đồi núi, sông suối cách trở khiến việc học tập của các em học sinh gặp rất nhiều khó khăn. Để kịp giờ học, học sinh nơi đây phải dậy từ rất sớm, khi trời tờ mờ sáng, các em đã cõng trên vai chiếc cặp sách rồi lội bì bõm qua các con suối, hoặc trèo đèo để đến lớp. Nói là cặp sách nhưng đó cũng chỉ là chiếc túi nhỏ đựng một ít vật dụng cá nhân, bởi sách vở, bút viết, bảng con…các em còn không có thì lấy đâu ra cặp sách.

Về mùa này, các con suối cũng trở nên hung dữ, chảy cuồn cuộn, đục ngầu nhưng các em vẫn buộc phải đi qua để đến lớp. Có khi nước sâu ngang ngực nhưng các em cũng phải nhắm mắt đánh liều qua suối. Đến được lớp thì quần áo bị ướt sũng, thân hình tím tái, chân tay run bần bật vì cái lạnh luồn sâu. Chỉ khi nào nước dâng cao và chảy quá xiết thì phụ huynh các em mới cõng qua. Cũng vì quá nguy hiểm nên nhiều em đã chọn cách băng rừng để đến trường. Tuy nhiên, mưa kéo dài cũng khiến đường rừng trở nên trơn trượt, nếu không cẩn thận là rất dễ bị sẩy chân.  

Không thể lội qua sông, suối về mùa mưa, học sinh phải chọn cách băng rừng để đến lớp.
Không thể lội qua sông, suối về mùa mưa, học sinh phải chọn cách băng rừng để đến lớp.
Không thể lội qua sông, suối về mùa mưa, học sinh phải chọn cách băng rừng để đến lớp.

Trường Tiểu học Vĩnh Ô có tất cả 3 điểm trường với tổng số 141 học sinh. Trong đó, điểm trường trung tâm có gần 90 học sinh. Điểm trường lẻ tại bản Xà Lời (bản 4), cách trung tâm hơn 6 km đường rừng có 4 lớp với 28 em và điểm trường bản Mít (bản 8) cách xa gần 20 km, có 3 lớp với 24 học sinh.

Từ trung tâm, muốn đến với điểm trường tại bản 4 phải lội qua 9 con suối, đến bản 8 phải lội thêm 5 con suối sâu, địa hình rất phức tạp. Nếu sống ở bản 2, bản 3, hàng ngày học sinh phải lội qua 2 - 3 con suối mới đến được trung tâm. Nói như thế để thấy rằng chuyện các em học sinh Vĩnh Ô lội suối đến trường đã trở nên xưa cũ. Và để thích nghi, nhiều em nhỏ buộc phải làm quen với việc lội suối từ khi mới bước vào lớp 1. Tuy nhiên, do cơ thể các em quá nhỏ, gầy yếu nên việc lội suối cũng tiềm ẩn nhiều hiểm nguy khó lường.

Về mùa mưa, con nước ở thượng nguồn sông Bến Hải cứ chảy cuồn cuộn, rất nguy hiểm
Về mùa mưa, con nước ở thượng nguồn sông Bến Hải cứ chảy cuồn cuộn, rất nguy hiểm
Để đến được trung tâm, học sinh phải đi qua nhiều con suối sâu, hung dữ.
Để đến được trung tâm, học sinh phải đi qua nhiều con suối sâu, hung dữ.

Trên con đường học chữ đầy gian nan với biết bao mối nguy hiểm rình rập mỗi ngày. Thậm chí, một số em từng bị trượt ngã, nước cuốn trôi khi lội qua suối. May mắn là đến nay vẫn chưa có trường hợp nào tử vong. Khó khăn như vậy nhưng các em vẫn cần mẫn đến trường học chữ, chỉ một số em sống ở những nơi quá xa mới bỏ lớp, bỏ trường.

Lo lắng cho học sinh, Ban giám hiệu trường Tiểu học Vĩnh Ô đã nhiều lần vận động phụ huynh đưa con em đến trường. Tuy nhiên, hầu hết người dân địa phương đều bận với việc rẫy nương. Vì vậy, họ đành “phó mặc” sự an toàn của con em mình cho... ông trời, cho thầy, cô.

“Nhiều phòng học bị xuống cấp, phải dạy tạm ở nhà nội trú…”

Thương học sinh ở xa hàng ngày phải lội qua hàng chục con suối để đến lớp với bao mối nguy hiểm, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Vĩnh Ô đã lập kế hoạch trình lên Phòng và Sở Giáo dục cho lập thêm các điểm trường lẻ. Tại những điểm trường này luôn có từ 2 - 4 thầy, cô cắm bản dạy chữ cho các em.

Thầy Phan Thanh Minh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Ô tâm sự, so với học sinh miền xuôi, các em phải chịu thiệt thòi quá nhiều, do dân trí thấp, địa hình cách trở, cơ sở vật chất thiếu thốn. Để các em không bị tụt hậu, mù chữ, các thầy, cô phải tích cực cắm bản nhằm góp phần xóa đi cái đói, cái nghèo, viết ước mơ cho các em từ con chữ. Bên cạnh đó, đưa sự nghiệp giáo dục miền ngược xích lại gần hơn với miền xuôi.

Để đến được trường, các em học sinh Vĩnh Ô phải thường xuyên băng đèo, lội suối.
Để đến được trường, các em học sinh Vĩnh Ô phải thường xuyên băng đèo, lội suối.

Trường Tiểu học Vĩnh Ô là một trong những trường khó khăn nhất của huyện Vĩnh Linh và tỉnh Quảng Trị. Hiện cơ sở vật chất của trường còn thiếu thốn rất nhiều, tại điểm trường trung tâm cũng chỉ có 6 phòng học, nhưng đã bị xuống cấp nặng. Về mùa mưa, mái của các phòng bị dột nát, ẩm ướt nên phải bố trí cho các em học dạt sang hai bên. Nhiều phòng học chưa đủ trang thiết bị để phục vụ dạy học. Ngay như sách giáo khoa và các dụng cụ học tập cho các em cũng chưa đáp ứng đủ, hàng năm trường phải vận động từ  các nhà tài trợ để xin thêm sách giáo khoa cũ cho các em học sinh. Nhiều bàn ghế đã bị xuống cấp, hư hỏng nhiều nhưng chưa được trang bị lại. Tại các điểm trường lẻ cũng không có phòng học và phải mượn tạm nhà sinh hoạt cộng đồng, hoặc nhà nội trú của giáo viên để làm nơi giảng dạy cho các em. Các trang thiết bị bên trong như bảng viết, bàn ghế và nhiều dụng cụ thiết yếu vẫn chưa có…

Chia sẻ về tình trạng học sinh phải hàng ngày lội suối đến lớp, thầy Minh cho biết: “Với các thầy cô, chuyện ngày ngày vượt suối để đi dạy đã là một thử thách. Thế nên, chúng tôi hiểu sự khó khăn, nguy hiểm mà học sinh của trường phải đối mặt. Trước đây, người dân địa phương và các thành niên tình nguyện đã dựng cầu tạm, đắp đất đá để làm đường cho học sinh qua suối. Thế nhưng, chỉ sau vài trận mưa lớn, nước suối đã cuốn đi tất cả. Chúng tôi đã trăn trở khá nhiều về vấn đề này nhưng đến giờ vẫn lực bất tòng tâm”.

Học sinh phải học tập trong những căn phòng đã xuống cấp, dột nát.
Học sinh phải học tập trong những căn phòng đã xuống cấp, dột nát.

Về mùa mưa, lũ như hiện nay thì chuyện vượt suối đi học càng trở nên khó khăn, nguy hiểm đối với với học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Ô. Thiết nghĩ để giải quyết thực trạng trên, các cấp, ban ngành chức năng cần có kế hoạch xây dựng hệ thống đường, cầu cống nối liền các bản trên địa bàn xã. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, rèn luyện kỹ năng bơi lội cho học sinh. “Trước mắt, chính quyền xã Vĩnh Ô nên vận động nhân dân cắt cử nhau đưa con em đi học. Có như vậy chúng ta mới cảm thấy an tâm hơn, chứ nhìn học sinh lội suối đến lớp như hiện nay thì đau lòng lắm, lỡ xảy ra chuyện gì thì người lớn sẽ cảm thấy ân hận vô cùng” - thầy Minh nói.

Biết đến bao giờ học sinh Vĩnh Ô mới có thể yên tâm đến trường, không còn cảnh hàng ngày lội suối, không còn thiếu thốn sách vở, cặp sách…? Đây vẫn là mối trăn trở luôn thường trực đối với Ban giám hiệu trường Vĩnh Ô và cả chính quyền địa phương.

Đăng Đức