Lối thoát nào cho "con mồi" sinh viên đại gia?

Tưởng chừng cuộc săn đuổi sẽ kết thúc khi “con mồi” lựa chọn phương án “gọi về nhà cầu cứu”. Thế nhưng, chuyện chưa thể dừng ở đó, càng vùng vẫy, “con mồi” càng dính sâu.

Những tay “thợ săn” cáo già, khi đã biết tiềm năng tài chính của “con mồi” sẽ còn nhiều thủ đoạn gian manh, khiến những sinh viên là nạn nhân của chúng không thể thoát một cách dễ dàng.

Lối thoát nào cho con mồi sinh viên đại gia?
Vũ trường, quán bar là một trong những điểm lý tưởng để các "thợ săn" đưa sinh viên ăn chơi, đua đòi vào tròng (ảnh minh họa).

Như trường hợp của Tuấn (22 tuổi, quê Thanh Hoá) mặc dù đã thoát khỏi nợ nần và có công việc ổn định, nhưng “kỷ niệm đáng nhớ” thời sinh viên của cậu là khiến gia đình điêu đứng với số nợ cả tỷ đồng.

Đi học hai năm tại Hà thành trong một trường đại học có tiếng, những tưởng được đào tạo trong môi trường nề nếp thì Tuấn sẽ tu chí nhưng nào ngờ, lại rơi vào tầm ngắm của những tên “thợ săn”. Ban đầu chỉ là giao lưu, càng về sau càng thân tình, dứt không ra. Tuấn hết cá độ bóng đá rồi lô đề, số nợ lên đến gần 1 tỷ mới báo cho mẹ. Thương con và vì danh dự gia đình nên mẹ Tuấn đi vay mượn, bán đất để cứu cậu con trai cưng.

Còn với trường hợp của Giang, sinh viên ĐH Thái Nguyên, qua lời kể của sinh viên tên Vũ (22 tuổi, ĐH Thăng Long) thì ngày càng lún sâu vào vũng lầy. Vũ và Giang chơi với nhau từ nhỏ. Khi cả hai bước vào đại học, mỗi người một nơi nhưng chỉ một lần gặp nhau ở quê, Vũ đã bị người bạn tri kỷ cho một vố đau.

Theo Vũ, Giang có học lực khá, tuy nhiên lại mắc bệnh thiếu gia, hay sĩ diện với bạn bè nên khi xa gia đình lên Thái Nguyên học đã đi vào con đường ăn chơi, sa đoạ tới mức nợ nần chồng chất, “báo nhà” như cơm bữa, ít thì một vài chục, nhiều thì trăm triệu đồng.

Gần đây kinh tế gia đình sa sút không thể trả nợ cho Giang, vì thế trong một lần về quê ghé qua nhà Vũ, thấy bạn thân đang ngủ, bên cạnh lại có chiếc laptop và điện thoại, Giang xách đi cầm đồ. Sau khi cầm đồ lấy tiền trả lãi, được tin Vũ mất đồ, Giang cũng giúp một tay đi tìm. Vì tình nghĩa lâu năm nên Vũ chẳng mảy may nghi ngờ Giang.

Lúc đôi bạn thân đến thành phố Bắc Ninh, Giang bảo Vũ xuống xe ngồi ở quán nước đợi mình đi có việc. Không ngờ, chiếc xe cũng được Giang đưa thẳng đến hiệu cầm đồ rồi bỏ vào miền Nam. Trước khi đi, người bạn chí cốt còn gọi điện cho Vũ thông báo đồ được cắm ở địa chỉ nào, sang nhà Giang lấy tiền đi chuộc. Vũ nể tình bạn thân, không kiện cáo mà sang thương thuyết với bố mẹ Giang. Lúc này Vũ mới biết, Giang đang nợ mấy trăm triệu đồng trên Thái Nguyên, người ta gọi điện về đòi gia đình liên tục mà gia đình không còn khả năng chi trả.

Trong cuộc săn đuổi này, một điều vô cùng nguy hiểm nữa là, các ông bố bà mẹ mỗi lần trả nợ cho con tưởng đã trả hết, nhưng thực chất rất ít sinh viên nói thật số tiền nợ với bố mẹ. Một số sinh viên phần vì sợ, phần vì ngu muội khi chủ nợ ngon ngọt cho nợ lại một ít. Chúng làm thế để con nợ không bao giờ dứt được. Sau một thời gian, thấy chúng không đòi tiền, nạn nhân tưởng yên ổn, an tâm làm lại cuộc đời thì chúng lại bắt đầu đến đòi. Không có tiền trả, sợ gia đình thêm một lần phát giác, những nạn nhân này lại quay ra cờ bạc tìm vận may có tiền trả nợ.

Cứ như thế vòng xoáy cờ bạc, nợ nần sẽ theo những sinh viên thời thượng ngày nào, bủa vây họ cho tới sức cùng lực cạn. Gia đình nào lắm tiền nhiều của thì mới cắt đứt được sợi dây ràng buộc cho con mình yên ổn học hành, còn kiệt quệ thì đành cho con nghỉ học rồi báo công an giải quyết.

Sinh viên hãy tỉnh táo trước những mánh khóe của những “thợ săn”, tránh làm khổ mình, khổ gia đình.

Theo Duy Ngợi
Tiền Phong