Lòng tự tin vào đề thi chuyên Văn lớp 10 ở Hà Nội

(Dân trí) - Đề Văn thi vào lớp 10 chuyên Văn khối trường THPT chuyên của Hà Nội khiến nhiều học sinh hứng thú khi nói về lòng tự tin, từ đó yêu cầu học sinh xác định suy nghĩ về giá trị bản thân trong cuộc sống.

Đề thi chính thức vào lớp chuyên Văn THPT Chuyên 2017. (Ảnh: hocmai.vn)
Đề thi chính thức vào lớp chuyên Văn THPT Chuyên 2017. (Ảnh: hocmai.vn)

Thầy giáo Văn học Đặng Ngọc Khương đánh giá, đề chuyên Văn vào khối THPT Chuyên của Hà Nội năm nay hay và khó. Với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy Văn cấp 2, thầy Khương khẳng định, đề phù hợp để chọn những học sinh có tố chất văn chương thực thụ. Cấu trúc đề hợp lí, chú trọng năng lực nghị luận của học sinh.

Cụ thể, cấu trúc gồm 2 phần: Nghị luận Xã hội và Nghị luận Văn học.

- Phần Nghị luận Xã hội (4 điểm):

Ngữ liệu được trích từ cuốn sách “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” - một cuốn sách nổi tiếng, đặc biệt thu hút giới trẻ của hai tác giả Phạm Công Luận và Đặng Nguyễn Đông Vy .

Từ vấn đề được đặt ra trong ngữ liệu, đề yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc xác định giá trị bản thân. Chủ đề nghị luận này thực sự rất có nghĩa với giới trẻ hiện nay. Bởi trên thực tế, giới trẻ đang đứng trước thách thức phải tự tìm kiếm và khẳng định giá trị của bản thân trong xã hội hiện đại. Nhiều bạn trẻ không đủ tự tin hoặc có những suy nghĩ sai lệch dẫn đến việc tìm kiếm những giá trị ảo, bên ngoài bản thân; có bạn vì quá tự ti, mặc cảm về bản thân, luôn so sánh mình với người khác dẫn đến tình trạng chán ghét, thù hận chính bản thân và chọn những lối thoát tiêu cực.

- Phần Nghị luận Văn học (6 điểm):

Từ ý kiến của Voltaire - nhà văn, nhà thơ, triết gia nổi tiếng người Pháp: “Thơ là hùng biện và du dương”, thí sinh phải phân tích bài “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải để làm sáng tỏ quan điểm đó. Đây là một yêu cầu hay và khó, đòi hỏi thí sinh không chỉ có kiến thức sâu sắc về tác phẩm mà còn phải có hiểu biết nhất định về đặc thù của thể loại.

Để giải quyết tốt yêu cầu của đề bài, trước hết thí sinh phải giải thích được ý nghĩa của 2 từ khóa “hùng biện” (khả năng thuyết phục, tính chất nghị luận, khát vọng cống hiến... trong bài thơ) và “du dương” (tính nhạc thể hiện trong câu chữ, cấu trúc của bài thơ và chất trữ tình lan tỏa từ cảm hứng nhiệt huyết, say mê của tác giả). Từ đó hình thành nên những luận điểm lớn để đi giải quyết vấn đề.

Tuy nhiên, thầy Đặng Ngọc Khương góp ý thêm cách dùng từ trong đề. Theo thầy Khương, ở câu 1 cách dùng từ “nhà báo Phạm Lữ Ân” dễ gây hiểu lầm cho những người chưa từng đọc qua tác phẩm. Thực tế “Phạm Lữ Ân” là bút danh dùng chung cho cặp vợ chồng tác giả nổi tiếng: Phạm Công Luận và Đặng Nguyễn Đông Vy. Vì vậy, nên thay bằng “Tác giả Phạm Lữ Ân” hoặc nêu rõ tên thật của 2 tác giả để tránh mơ hồ.

Đôi điều bàn thêm về đề chuyên Văn vào lớp 10

TS Trịnh Thu Tuyết đánh giá, đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn chuyên năm học 2017-2018 về cơ bản đáp ứng được những yêu cầu của kì thi tuyển học sinh chuyên văn khi kiểm tra được năng lực tư duy, năng lực cảm thụ và diễn đạt, vốn hiểu biết về cuộc sống xã hội, đặc biệt, hiểu biết về chính mình, vốn kiến thức về lý luận văn học... Chừng ấy yêu cầu cần đạt cho học sinh cũng chính là sự thành công của đề bài.

Theo cô Thu Tuyết, câu Nghị luận Xã hội hướng tới một vấn đề không mới không lạ nhưng hữu ích, đặc biệt với con người thời hiện đại, đó là khả năng tự nhận thức chính mình với những giá trị đích thực, tiền đề cho sự tự tin. Nếu có gì cần bàn thêm thì chính là câu lệnh "Hãy trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của việc xác định giá trị bản thân trong cuộc sống".

Ý kiến của tác giả Phạm Lữ Ân đề cập tới một trong những phẩm chất của con người là lòng tự tin; để tự tin, nhà báo chỉ rõ con người cần "biết mình". Đó là khả năng tự ý thức những giá trị - "tự tin" và "tự ý thức"; vì thế không phải hai khái niệm đồng nhất mà là hai vấn đề có mối quan hệ qua lại của phẩm chất và năng lực tiến tới phẩm chất.

Do đó, TS Trịnh Thu Tuyết cho rằng, câu lệnh của đề bài yêu cầu học sinh "trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc xác định giá trị bản thân trong cuộc sống" có thể sẽ khiến các em bối rối trong việc xác định vấn đề nghị luận. Chưa kể sự tự tin thường bắt đầu bằng sự tự ý thức giá trị bản thân hơn là tự xác định giá trị bản thân!

Về câu Nghị luận Văn học, TS Tuyết đánh giá là khá quen thuộc với yêu cầu làm rõ một quan niệm về thơ qua việc phân tích bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" của Thanh Hải. Việc lựa chọn bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” là phù hợp với vấn đề lý luận khi bài thơ hàm chứa đồng thời cả chất hùng biện và các yếu tố đặc sắc về nhạc điệu tiết tấu. Tuy vậy, cần tránh sự trùng lặp gây cảm giác nặng nề ở câu lệnh "Hãy phân tích để thấy được tính chất hùng biện và tính chất du dương trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ"!

“Và mặc dù lý luận cùng văn chương là câu chuyện muôn đời, vẫn nên cập nhật xu hướng sáng tác hiện đại, theo đó, thơ không đơn thuần hùng biện bằng sự "du dương"! Và bản thân bài Mùa xuân nho nhỏ, dù có những yếu tố đặc sắc về nhạc điệu, tiết tấu âm hưởng thơ, nhưng có lẽ cũng không hợp với hai chữ " du dương"!”, TS Trịnh Thị Tuyết nhận xét.

Lệ Thu