Lớp học đặc biệt giữa Sài Gòn

Lớp học có khoảng hơn chục học trò nằm ở trung tâm thành phố, thầy giáo mặc quân phục, đeo quân hàm và đa dạng về tuổi tác, trình độ. Chỉ có một điểm chung, các em đều là những học sinh cá biệt, gia đình khó khăn, không thể đến trường.

Thượng tá Đào Quốc Huy, chính trị viên Biên phòng cửa khẩu Cảng TPHCM cho biết, các em đều là con cái gia đình công nhân, người lao động nghèo trọ quanh khu vực hệ thống cảng Bến Nghé, quận 7, TPHCM.

Cha mẹ các em phần vì nghèo không quan tâm hoặc không có điều kiện cho các em đi học, hoặc không có tạm trú, thường trú tại địa phương nên không cho con đi học đúng độ tuổi, từ đó dẫn tới thất học.

Bộ đội biên phòng Trạm cửa khẩu cảng Bến Nghé bàn với chính quyền địa phương, vận động gia đình mở lớp dạy học cho các em từ năm 2012 đến nay. Kinh phí duy trì lớp học do bộ đội đóng góp, đồng thời vận động các nhà hảo tâm. 

Thầy cô giáo đứng lớp trước hết là cán bộ, chiến sĩ Trạm Biên phòng cửa khẩu Bến Nghé, đoàn viên thanh niên phường và sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. 

Lớp học đặc biệt của bộ đội biên phòng giữa Sài Gòn. (Ảnh: TĐ
Lớp học đặc biệt của bộ đội biên phòng giữa Sài Gòn. (Ảnh: TĐ)

Em Lương Thị Cẩm Quyên, 14 tuổi, nhưng chỉ mới học lớp 2. Ngoài Quyên còn có hai em ruột, 12 tuổi và 7 tuổi đều học chung tại lớp học tình thương. Bố mẹ ba em ở tỉnh, làm công nhân Khu chế xuất Tân Thuận, không có tạm trú tại địa bàn nên quá tuổi không được nhận vào trường công. Cả ba chị em khi nhập học gần như mù chữ, nhận thức kém, hành xử hồn nhiên theo kiểu đường phố… Sau hai năm bộ đội kiên trì rèn cặp, cả ba chị em đều đã biết đọc, biết viết, làm toán và biết nhận thức. 

Lớp học đặc biệt nên có nhiều học sinh cá biệt. Em Vũ Tấn Lộc, 7 tuổi, chăm học, sáng dạ, tuy mới học lớp một nhưng đã đọc và hiểu sách tiếng Việt lớp 5. Em Tống Hoàng Minh, 9 tuổi, đi học từ năm 7 tuổi, sau khi được các thầy dạy cho biết đọc, biết viết, làm tính cộng thì không học nữa. Khi các bạn đang học trong lớp, Minh đạp xe bên ngoài chọc ghẹo bạn. Thầy hỏi: Sao hôm nay không đi học, Minh đáp: Con biết đủ rồi, không học nữa (!?). Bố mẹ Minh ở quê, em lên Sài Gòn ở với dì. Minh nói vậy nhưng thực ra em rất ham học, nhưng nhiều khi không đi học được bởi dì bắt phải trông nhà. 

Trung tá Nguyễn Hồng Phúc, Trạm trưởng Biên phòng cửa khẩu cảng Bến Nghé chia sẻ, để duy trì lớp học, nhất là “đầu ra” cho các em, chính quyền địa phương hỗ trợ rất nhiều. Lớp học “ở nhờ” văn phòng điều hành khu phố, chỉ dạy từ lớp một đến lớp năm. Các em muốn học lên phải thi chuyển cấp vào một trong các trường cấp hai trong quận. Bộ đội biên phòng bàn bạc và được quận công nhận kết quả học tập do các thầy giáo áo xanh giảng dạy, nhờ vậy các em mới có đủ điều kiện để thi chuyển cấp. Cái khó nhất hiện giờ là làm thế nào để tất cả các em đi học đều theo được tới cuối chặng đường.

Có một điểm sáng mà các thầy giáo biên phòng rất tự hào là em Võ Thị Mỹ Tâm, 13 tuổi, học lớp năm vừa nộp hồ sơ thi vào ba trường cấp hai trên địa bàn. Nhà có hộ khẩu tại quận 7 nên Tâm được học trường công. Tuy nhiên em mải chơi, “đúp” hai năm liên tiếp nên xấu hổ với bạn bè, bỏ học. Đây là học sinh đầu tiên được bộ đội kèm cặp học tới lớp năm, đủ điều kiện thi chuyển cấp. Tâm có em gái là Võ Thị Mỹ Vân, 11 tuổi, đang là học sinh giỏi lớp 5 trường công cũng theo chị đi học lớp tình thương, mà đi học rất đều. Đã học giỏi vậy rồi sao vẫn đi học lớp học tình thương? Vân hồn nhiên: Con đem bài khó ở lớp về nhờ các thầy cô giải giùm.

Đại úy Vũ Trường Tính nói: “Toàn khu có khoảng 50 em, trong đó nhiều em không biết chữ, nhiều em chỉ học lớp một, hai rồi bỏ. Bộ đội mở lớp, vận động các em đi học, đã đọc, viết thành thạo thì dù nửa chừng các em bỏ học, các em cũng không đến mức u mê kiến thức, nhưng có hai em đã đọc, viết bập bẹ, cha mẹ bắt nghỉ đi bán vé số, phụ hồ thì nguy cơ mù chữ trở lại rất cao. Chưa kể ban đầu lớp có 24 em, nay chỉ còn 18 em, 8 em còn lại sau khi gia đình nhận đền bù giải tỏa, không biết đi đâu, không biết có tiếp tục được học hành nữa hay không?”.

 

Theo Trường Điền

Tiền Phong