Lớp học không lời

(Dân trí) - Giống như mọi ngày, giờ toán hôm ấy, lớp học không một tiếng nói. Chỉ có tiếng bước chân chạy vội lên bảng, những phát âm không rõ giọng, những cánh tay giơ lên tranh nhau nhận xét bài làm của các bạn. Đây là lớp học dành cho các bạn không nghe và không nói được. Từ những lớp học không lời ấy, một học sinh khiếm thính bẩm sinh đã đậu đại học.

Im lặng không đồng nghĩa thụ động

 

Giờ hình học lớp 8 ngày 3/4/2007, nếu là ở một lớp học bình thường chắc là sẽ ồn ào lắm. Trò Hùng cứ một lúc lại chạy lên bảng, giải thích với cô giáo bằng cách huơ tay. Những cử chỉ đó gọi là ngôn ngữ kí hiệu của người khiếm thính phân biệt với ngôn ngữ giọng nói của người bình thường. Đây là một lớp học bổ túc văn hóa dành cho các bạn câm và điếc bẩm sinh. Cô giáo Nguyễn Thị Hòa giải thích: “Sau khi một số bạn lên bảng làm bài tập, cô sẽ không vội đưa ra đáp án ngay mà để cho các bạn bên dưới nhận xét bài làm của bạn mình”.

 

Lớp học không lời ấy ra đời từ một dự án của Quỹ Nhật Bản - The Nippon Foundation có mục đích giúp các bạn trẻ bị điếc và câm bẩm sinh có thể học đại học. Cho đến thời điểm này, cơ sở đầu tiên và duy nhất của dự án tại Việt Nam được đặt ở lầu 4, trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Nai. Mỗi năm những lớp học chỉ tiếp nhận tối đa 16 học sinh khiếm thính từ 17 tuổi trở lên  trong phạm vi cả nước. Các bạn học trễ nên có người đã 33 tuổi. Hiện nay, dự án có 43 học sinh (cấp III có 23 người; cấp II có 20 người) với các lớp 8, 9, 11, 12. Trong số này có cả các bạn ở rất xa như Hà Nội, Hải Phòng nhưng đông nhất là các bạn ở TPHCM. 

 

So với với những lớp học khiếm thính khác, ở đây cô giáo và học sinh trao đổi với nhau bằng cử chỉ đôi tay, nét mặt. “Quan điểm ở các trường, cơ sở dạy người khiếm thính của nước ta là cấm các em sử dụng ngôn ngữ kí hiệu; mà khuyến khích các em tập nói với hy vọng sẽ giúp các em giao tiếp được với xã hội. Nghĩa là giáo viên sẽ giảng bằng miệng giống như là giảng cho học sinh nghe bình thường”, cô Nguyễn Thị Hòa, đồng giám đốc dự án cho biết. Riêng ở lớp học này, các em được khuyến khích sử dụng ngôn ngữ kí hiệu của riêng người khiếm thính, ngôn ngữ nói chỉ được sử dụng để ghi chép mà thôi.

 

Thời gian đầu, các thầy cô phải dành vài tháng để học ngôn ngữ đôi tay của các em. Sau đó, giáo viên sử dụng ngôn ngữ kí hiệu của các em để giảng bài. Theo cô Hòa, cách dạy này hết sức hiệu quả.

 

Lớp học không lời  - 1

Trò Quang đang nhận xét về bài của các bạn. 

 

"Hạt ngọc" đầu tiên của lớp học

 

Để vào học được những lớp học miễn phí này, các bạn khiếm thính phải trải qua một kỳ thi tuyển hết sức nghiêm túc và khó khăn. Trước hết là các bạn phải tốt nghiệp cấp 1. Sau đó là trải qua kỳ thi tuyển về văn hóa và khả năng ngôn ngữ kí hiệu (phỏng vấn trực tiếp). Bù lại, các bạn khiếm thính được học tập rất nghiêm túc. Mỗi lớp học chỉ khoảng 10 - 12 bạn. Các bạn ngồi theo hình chữ U, rất tiện cho việc thảo luận. Một phần nhỏ của vách tường được dán những bức tranh do các bạn tự vẽ trông rất ngộ nghĩnh. 

 

Từ những lớp học gần gũi và thoải mái đó, những học viên khóa đầu tiên đã thử sức mình ở kỳ thi đại học năm ngoái. Nhưng chỉ có một người thành công. Nguyễn Trần Thủy Tiên, sau 6 năm học ở lớp học này đã thi đậu ngành Công nghệ thông tin, hệ Cao đẳng của Đại học Lạc Hồng.

 

Gắn bó hàng chục năm với các bạn khiếm thính cũng làm cô bỡ ngỡ khi ở trong môi trường mới với các bạn sinh viên bình thường. Mỗi khi nói chuyện với các bạn sinh viên, Thủy Tiên phải ghi ra giấy. Trong số các môn học ở trường, Tiên ngán nhất là những môn học thuộc lòng. Mỗi lần đi học, em phải có phiên dịch viên đi kèm theo, đó cũng chính là những cô giáo trong dự án. 

 

Thời gian rảnh, Thủy Tiên gắn bó với ngôi trường cũ bằng những hoạt động như biên soạn từ điển ngôn ngữ kí hiệu, dạy cho sinh viên bình thường học ngôn ngữ kí hiệu. Đây cũng là những hoạt động đầy thú vị của các bạn khiếm thính. Vì ở chung trường, chung ký túc xá với các bạn khiếm thính nên các bạn sinh viên cao đẳng rất thích học ngôn ngữ kí hiệu. Thủy Tiên cho biết lúc đầu mới mở lớp miễn phí có khoảng 50 bạn sinh viên bình thường của CĐSP đăng kí học. Các giáo viên của dự án sẽ không giảng dạy mà để cho chính các bạn khiếm thính đảm nhiệm việc dạy ngôn ngữ đôi tay, nét mặt cho các sinh viên.

 

Theo cô Hòa, như thế việc học của sinh viên bình thường sẽ có hiệu quả hơn, chỉ sau 3 tháng là có thể giao tiếp những câu thông thường, xã giao với các bạn khiếm thính. Cô Hòa giải thích: Dự án có ba chương trình đào tạo: giáo dục đại học, phân tích ngôn ngữ kí hiệu, đào tạo giáo viên dạy ngôn ngữ kí hiệu. Có những bạn khiếm thính học cả ba chương trình nên có đủ khả năng giảng dạy. Và mục tiêu của cô Hòa cũng như của dự án không dừng lại ở đó. Những bạn khiếm thính nào tốt nghiệp đại học hay Cao đẳng sư phạm sẽ được tạo điều kiện về tham gia dự án; hoặc được gửi đến làm giáo viên ở các trường khiếm thính khác.

 

Trong tương lai, khi dự án này có thêm cơ sở ngoài Hà Nội, thì chính các bạn sẽ được trở thành giáo viên ở cơ sở mới này. Nhưng đó là chuyện tương lai. Hiện tại, có đến 15 bạn đang bận rộn làm hồ sơ thi đại học năm 2007.

 

Hiếu Hiền