Lớp học trả góp

Lớp học là chiếc phao cứu sinh cho những đứa trẻ không có điều kiện đến trường, cho dù là trường bổ túc, lớp tình thương. Với 1.000 đồng/buổi học, có em đã học hết lớp 4, rồi vào lớp 5 hệ bổ túc, lên cấp 2, cấp 3.

Cô Hai ơi! Con viết bài xong rồi!”, “Cô Hai ơi! Bài toán này khó quá!”, “Cô Hai ơi!...”. Tiếng í ới gọi cô Hai của gần 30 đứa trẻ làm tôi rối cả đầu dù mới ngồi ở lớp học chưa đầy 15 phút, ấy vậy mà tiếng gọi này đã theo cô Hai Nguyễn Thị Ngọc Tuyết suốt 20 năm, gắn bó với cô như một định mệnh, một nhiệm vụ thiêng liêng mà cuộc đời đã giao phó.

 

Đủ trình độ trong một lớp

 

Lớp học là khoảng sân rộng 6 m2 trước nhà cô Hai, ở số 55 đường số 8, lộ 33, P.4, Q.8. Ba chiếc bàn học trò bằng gỗ cũ kỹ chiếm hết khoảng sân, chỉ đủ cho 12 em ngồi học. Các em còn lại ngồi rải rác ở các chỗ trống vừa trong nhà vừa ngoài sân với 2 ghế nhựa, cái cao làm bàn, cái thấp làm ghế. Lớp mới khai giảng ngày 15-6, còn vắng học sinh mà đã thấy chật chội.

 

Ngồi một hồi tôi mới phát hiện sở dĩ các em liên tục gọi cô Hai để chỉ bài là vì mỗi em học theo một trình độ, không em nào giống em nào và rải từ lớp 1 đến lớp 4. Cô Hai giải thích vì cha mẹ các em là dân lao động nghèo đến khu vực này thuê nhà ở để buôn bán, chạy xe ôm... Nếu hết tiền thuê nhà, trôi dạt về quê thì các em cũng phải đi theo. Khi có điều kiện quay lại TPHCM, các em lại tìm đến cô học tiếp. Vì vậy mà có em học mãi vẫn chưa lên lớp 2. Chưa kể tuy cùng trình độ lớp 2 nhưng em này mới học bài đầu tiên em kia đã học gần hết chương trình. Lớp học cũng có kiểm tra học kỳ, xét lên lớp theo tiêu chí của cô Hai.

 

Từ trả góp đến miễn phí

 

Chưa hết ngạc nhiên về lớp học đa trình độ, tôi lại bất ngờ với cách đóng học phí của các em. Sau hơn 2 giờ học, từ 7 giờ 30 phút đến 10 giờ, các em lần lượt ra về với 1.000 - 1.500 đồng trên tay trao cho cô Hai để trả thù lao một buổi học.

 

Cô Hai nhớ lại nguyên cớ của việc trả góp là do cách đây khoảng 10 năm thấy nhiều học trò cứ học được 1 tháng lại nghỉ, rồi lại học. Tìm hiểu nguyên nhân mới biết công việc của cha mẹ các em không ổn định, có tiền thì cho học, không có tiền cho nghỉ. Cô Hai sống độc thân và phải nuôi mẹ già nên rất khó khăn. Cô bèn nghĩ ra cách cho các em đóng theo dạng trả góp mỗi ngày. Vậy mà cũng có em nghỉ học vì không có tiền. Thương học trò nghèo, cô đến nhà mời các em ra lớp và miễn học phí.

 

Ngồi cạnh tôi là 3 chị em ruột Thắm, Ngân, Tâm học trình độ lớp 1, lớp 2 đều được cô Hai miễn phí do cha mẹ bỏ nhau, phải sống với ông bà ngoại nghèo. Thảo, 8 tuổi, học trình độ lớp 2, cũng được miễn phí do mẹ em quá nghèo, đi lượm bịch ni lông kiếm sống...

 

Cho em vào đời

 

Khi đang ngồi cùng các em, tôi đã gặp một nhân chứng sống. Đó là N., chị bà con cô cậu với Thảo, đến đón em về. N. kể cả 5 anh chị em của mình đều đã học lớp trả góp của cô Hai. N. học hết lớp 3 rồi nghỉ do phải đi kiếm sống. Các anh chị thì học hết lớp 4 của cô Hai và vào tiếp lớp 5 hệ bổ túc, lên cấp 2, cấp 3 trường Nhà nước. N. cho biết tuy nghỉ học đã lâu nhưng em vẫn nhớ cách làm tính, biết đọc, biết viết.

 

Ở tuổi 62, cô Hai trông già hơn so với tuổi nhưng cô vẫn luôn mỉm cười và ôn tồn với các học trò nghèo. “Thấy các em đọc được, viết được, biết làm toán với người ta là tôi mừng rồi!” - cô Hai mỉm cười đôn hậu và dõi theo bước chân các học trò đi về các ngả đường.

 

Khi tạm biệt cô Hai, cô nắm tay tôi tâm sự: “Đừng nói về cô quá nhiều. Theo triết lý nhà Phật, nếu làm mà kể công thì sẽ mất đức”. Tôi hứa chỉ phản ánh về lớp học, về những học trò nghèo nhờ có cô mà biết được cái chữ để vào đời.

 

 

Theo Diệu Hằng

Người Lao Động