Lớp mẫu giáo không quá 2 trẻ cùng một loại khuyết tật

(Dân trí) - Mỗi nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có không quá 2 trẻ cùng một loại khuyết tật. Việc tổ chức hoạt động giáo dục cho trẻ em khuyết tật học hòa nhập trong nhà trường, nhà trẻ thực hiện theo quy định của Luật Người khuyết tật và các văn bản hướng dẫn thi hành

Đây là một trong những điểm dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung trong điều lệ trường mầm non. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng dự kiến sửa đổi cách thực hiện đối với việc bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng. Cụ thể, hiệu trưởng do trưởng phòng giáo dục và đào tạo bổ nhiệm (điều lệ trường mầm non hiện hành là do chủ tịch UBND huyện bổ nhiệm - PV) đối với nhà trường, nhà trẻ công lập, công nhận đối với nhà trường, nhà trẻ dân lập, tư thục theo quy trình bổ nhiệm hoặc công nhận hiệu trưởng của cấp có thẩm quyền.

Nhiệm kỳ của hiệu trưởng nhà trường, nhà trẻ là 5 năm. Sau 5 năm, hiệu trưởng được đánh giá và có thể bổ nhiệm lại hoặc công nhận lại. Đối với nhà trường, nhà trẻ công lập, mỗi hiệu trưởng chỉ được giao quản lí một nhà trường hoặc một nhà trẻ không quá hai nhiệm kì.

Sau mỗi năm học, mỗi nhiệm kì công tác, hiệu trưởng nhà trường, nhà trẻ được cán bộ, giáo viên trong trường và cấp có thẩm quyền đánh giá về công tác quản lí các hoạt động và chất lượng giáo dục của nhà trường theo quy định.

Phó hiệu trưởng do trưởng phòng giáo dục và đào tạo bổ nhiệm đối với nhà trường, nhà trẻ công lập, công nhận đối với nhà trường, nhà trẻ dân lập, tư thục theo quy trình bổ nhiệm hoặc công nhận phó hiệu trưởng của cấp có thẩm quyền. Phó hiệu trưởng là người giúp việc cho hiệu trưởng, chịu trách nhiệm trước hiệu trưởng và trước pháp luật.

Để tăng cường quản lý chuyên môn của các trường mầm non Bộ GD-ĐT thay đổi thủ tục thành lập trường. Cụ thể, căn cứ vào cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của Hội đồng trường, tập thể giáo viên và các tổ chức, đoàn thể nhà trường, nhà trẻ giới thiệu nhân sự, hiệu trưởng tổng hợp danh sách nhân sự và làm tờ trình gửi phòng giáo dục và đào tạo.

Chủ tịch Hội đồng trường do các thành viên hội đồng bầu; Thư ký hội đồng trường do chủ tịch hội đồng trường chỉ định. Trưởng phòng giáo dục và đào tạo công nhận hội đồng trường và chủ tịch Hội đồng trường. Nhiệm kỳ của Hội đồng trường là 5 năm. Hằng năm, nếu có sự thay đổi về nhân sự, hiệu trưởng làm văn bản đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận, bổ sung các thành viên Hội đồng trường.

Những điểm dự kiến thay đổi này đang được Bộ GD-ĐT đăng tải công khai để xin ý kiến đóng góp. Trong tháng 2 tới, Bộ sẽ chính thức ban hành thông tư sửa đổi, điều lệ trường mầm non.

Nguyễn Hùng