Trung Quốc:

Lừa đảo tuyển sinh qua mạng Internet

Ngày 25/3, tòa án TP. Hải Khẩu (Trung Quốc) đã mở phiên tòa xét xử Dương Liễu, nguyên hiệu trưởng Trường đào tạo kỹ thuật Văn Huệ Bắc Kinh về tội lừa đảo tuyển sinh qua mạng Internet. Dương Liễu bị truy tố vì cố tình vi phạm pháp luật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản người khác.

Mánh khóe đào tạo giùm

Theo kết quả điều tra, hai cán bộ Phòng Giáo dục TP. Kinh Châu (tỉnh Hồ Bắc) là Ngô Trì Quân và Lý Phủ Quân nói với Dương Liễu có đầu mối quan hệ chạy vào trường đại học hệ chính quy và lấy giá môi giới mỗi học sinh 75.000 NDT (165 triệu đồng Việt Nam).

Dương Liễu liên lạc với gia đình có con em thi trượt đại học nói có thể chạy trường với chi phí mỗi học sinh 100.000 NDT (220 triệu đồng VN).

Tháng 7/2006, Dương Liễu đưa cho Lý Phủ Quân 2,38 triệu nhân dân tệ (5,236 tỷ đồng VN) cùng với danh sách học sinh nhờ chạy trường. Nhận xong tiền, Lý Phủ Quân bảo chờ.

Chờ mãi không được và cũng không thể đưa học sinh vào đại học hệ chính quy, Dương Liễu đã dùng giấy tờ giả nhờ Học viện Dầu khí Bắc Kinh đào tạo giùm cho Trung tâm đào tạo nhân viên cấp cao Trung Quốc, sau đó đưa học sinh vào nhập học. Học viện đã phát hiện và buộc thôi học 20 học sinh.

Kế tiếp, Dương Liễu lại dùng chiêu cũ liên hệ với Học viện liên hợp Bắc Kinh và Đại học Công nghiệp hóa chất Bắc Kinh lấy danh nghĩa nhờ đào tạo giùm rồi sắp xếp cho học sinh nhập học. Kết cục vẫn như lần trước, số học sinh này đã bị đuổi học.

Hacker tuyển sinh

Đến khi gia đình học sinh liên tục đòi tiền, Dương Liễu như ngồi trên đống lửa. Cuối năm 2006, Dương Liễu đến TP. Hải Khẩu (tỉnh Hải Nam) gặp Ngô Khai Sâm là người chuyên môi giới tuyển sinh. Sâm nói có thể lo vào đại học hệ dự bị trước, sau đó mới vào hệ chính quy. Dương Liễu đồng ý và đưa tiền ứng trước.

Tháng 1/2007, Ngô Khai Sâm lợi dụng sơ hở giả làm giảng viên đứng ra thu tiền và làm thủ tục nhập học cho 51 học sinh.

Để gia đình học sinh thêm tin tưởng, Dương Liễu thuê một hacker máy tính tên là Vương Thụ Triết vào mạng thay đổi chỉ tiêu trúng tuyển của một trường đại học tại tỉnh Hà Nam. Triết đã gọi Mã Vĩ Lợi cùng hợp tác.

Mã Vĩ Lợi đã chèn vào mạng thông tin tuyển sinh của trường đại học nọ danh sách 87 học sinh. Sau đó, Dương Liễu thông báo cho học sinh và gia đình lên mạng tra cứu danh sách trúng tuyển.

Theo kết quả điều tra, Ngô Khai Sâm còn hứa lo lót cho ba người thân của Dương Liễu vào ngạch công chức ở Hải Nam. Sâm nhận tiền của Dương Liễu xong rồi... xù luôn.

Sinh viên đi lừa

Vụ lừa đảo tuyển sinh thứ hai lạ ở chỗ bị cáo Hề Tu Khôi đang trong thời gian thụ án mà vẫn lừa được thiên hạ. Ngày 25/3, Khôi đã bị tòa án TP Tây An (tỉnh Thiểm Tây) kết án 12 năm tù giam và phải bồi thường 315.000 NDT (693 triệu đồng VN).

Hề Tu Khôi năm nay chỉ mới 25 tuổi, nguyên là sinh viên một trường đại học ở Lan Châu. Tháng 4/2004, trong kỳ thi tốt nghiệp đại học, Khôi đi thi hộ và chuyển đáp án vào phòng thi nên bị đuổi học. Sang năm sau, Khôi tung tin có đáp án đề thi đại học và đã bỏ túi hơn 70.000 NDT (154 triệu đồng VN). Khôi bị tuyên án ba năm tù giam và bốn năm thử thách.

Lừa đảo tuyển sinh qua mạng Internet - 1

Hề Tu Khôi đang thụ án vẫn đi lừa.

Trong thời gian thụ án, Hề Tu Khôi tự bỏ tiền ra lập trang web gọi là trang web tuyển sinh Trung Quốc. Trên trang web này, Khôi quảng cáo rằng có thông tin nội bộ, có thể làm thủ tục nhập học cho học sinh thích vào trường nổi tiếng và để lại số điện thoại liên lạc với cái tên giả. Nhiều người nhẹ dạ đã tin lời chuyển tiền vào tài khoản của Khôi.

Chỉ trong ba tháng, Hề Tu Khôi đã lừa được 16 gia đình với số tiền hơn 870.000 NDT (1,914 tỷ đồng VN). Trớ trêu thay, sau khi vụ việc bị phát hiện, rất nhiều người vẫn nhẫn nại chờ giấy gọi vào đại học.

Các bị cáo Dương Liễu, Lý Phủ Quân và Ngô Khai Sâm bị truy tố vì cố tình vi phạm pháp luật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản người khác. Trong đó, Dương Liễu lừa chiếm 15,65 triệu NDT (34,43 tỷ đồng VN), Lý Phủ Quân lừa chiếm 2,38 triệu NDT (5,236 tỷ đồng VN), Ngô Khai Sâm lừa chiếm 0,98 triệu NDT (2,156 tỷ đồng VN).

Hai bị cáo Vương Thụ Triết và Mã Vĩ Lợi vì tiền đã xâm nhập trái phép vào mạng tuyển sinh của trường đại học ở Hải Nam, thay đổi chỉ tiêu trúng tuyển tăng thêm 87 học sinh. Hành vi này đã gây hậu quả nghiêm trọng, phá vỡ hệ thống thông tin trên máy tính nên bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 
Theo Hồng Anh
Pháp luật TP. HCM