Lửa tình nguyện cháy trong đêm

(Dân trí) - Những đêm đầu tháng 7, các bà bán hàng khuya ở ga Huế bỗng có thêm những người bạn mới. Đó là đội sinh viên tình nguyện tiếp sức mùa thi trường Đại học Kinh tế Huế.

2 giờ sáng, chuyến tàu đêm từ Vinh lặng lẽ cập ga. Ở một góc nhỏ bên cạnh cổng ra vào, tiếng đàn hát bỗng dưng ngưng bặt, nghe lao xao tiếng gọi nhau: “Tàu đến rồi, làm việc thôi các bạn ơi!”.

“Bác và em ngồi nghỉ cho đỡ mệt rồi chúng cháu sẽ hướng dẫn chỗ trọ rẻ và gần địa điểm thi nhất”, “Em thi trường nào?”, “Bác đã có người thân đến đón chưa ạ?”, “Em muốn ở kí túc xá hay phòng trọ?”… tiếng hỏi han lao xao rộn cả sân ga.

Lau vội giọt mồ hôi trên trán, Nguyễn Cảnh Sơn, SV năm thứ 3 khoa Kinh doanh nông nghiệp, đội trưởng đội TSMT trường Đại học Kinh tế Huế tâm sự: “Tụi mình túc trực ở đây từ 7 giờ tối đến 7 giờ sáng để chờ những chuyến tàu đêm. Những ngày đầu các bạn trong nhóm trực về mệt ngủ li bì. Thế nhưng mỗi lần tàu đến là ai cũng háo hức”.

Sơn cho biết cách đây 3 năm chân ướt chân ráo đến Huế dự thi, bạn cũng được các anh chị khóa trên nhiệt tình hướng dẫn. Năm ngoái, có cô thí sinh mất hết tiền trong khi phải vào TPHCM dự thi tiếp đợt sau. Sơn liền vận động anh em trong đội góp tiền mua vé. Mấy tuần sau, đội nhận được thư cám ơn và hỏi địa chỉ để gửi trả tiền.

“Tụi mình TSMT vì lửa tình nguyện trong người chứ đâu nghĩ đến chuyện trả công. Trước kia mình được các anh các chị giúp đỡ. Giờ mình giúp lại các bạn khác. Như vậy phong trào mới có sự kế tục, mới bền, vững được”, Sơn chia sẻ.

Bác Nguyễn Việt đưa con gái từ Nghệ An vào thi đại học kể: “Biết tàu đến Huế lúc đêm hôm khuya khoắt, lạ nước lạ cái nên bác cũng lo lắm. Vừa xuống ga thì được các cháu SV nhiệt tình giúp đỡ nên cũng yên tâm phần nào”.   

“Con gái Huế chừ…” 

Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ khi biết rằng, trong gần 30 SV trắng đêm chờ sĩ tử ấy, hơn một nửa là các bạn nữ. Lại càng bất ngờ khi biết phần lớn lại là con gái Huế, những người mà “8 giờ mẹ gọi em về” như cách nói dí dỏm của Sơn.

Sơn kể tối đầu tiên trực, mới hơn 8 giờ bỗng có cả một “đại gia đình” tới nhất quyết đón con gái về khiến cả đội phải cam đoan xin xỏ mãi. “Tụi mình phải đấu tranh hoài mới được đó”, Kim Thanh, nhân vật nữ chính ở câu chuyện trên tâm sự. Mệ Hồng, bán trứng vịt lộn khuya ở ga cười bỏm bẻm: “Con gái Huế chừ hay thiệt. Hơn hẳn mấy mệ mấy o hồi trước. Vài bữa tụi nhỏ về không còn ai hát hò nói chuyện nữa rồi”.

4 giờ sáng, ga Huế trở lại với sự tĩnh lặng vốn có. Những bậc phụ huynh cùng sĩ tử nghỉ lại chỗ các bạn SV vì phải đến trời sáng các địa điểm trọ mới mở cửa. Những màu áo xanh lặng lẽ nhường chỗ nghỉ của mình, tụm về một góc xa xa, cây đàn lại ngân lên bài hát ban nãy bị dừng bất chợt: “Đi lên thanh niên, khó khăn ngại chi. Đi lên thanh niên, làm theo lời Bác. Không có việc gì khó…”.

Đà Nẵng: “Sát cánh” cùng sỹ tử

 

Lửa tình nguyện cháy trong đêm - 1

Hướng dẫn thí sinh về ký túc xá. (Ảnh: Minh San)

 

Không khí trước ngày thi tại Ga Đà Nẵng nhộn nhịp kẻ lên, người xuống. “Lịch làm việc” của các SVTN vì thế mà kín mít.

Anh Nguyễn Đức Tiến, Phó Bí thư Đoàn Đại học Đà Nẵng cho biết: “Các sinh viên của trường luân phiên túc trực 24/24h, ở 13 điểm tư vấn. Chúng tôi tập trung phân bố đông sinh viên ở nhà ga, bến xe, tuyến đường lớn…”.

 

Để tránh tình trạng “chặt chém” ép giá phòng trọ, sinh viên nhiều trường học trên địa bàn thành phố đã “sưu tầm” phòng trọ giá rẻ từ cả tuần nay, thống nhất mức giá với chủ nhà. Khi thí sinh đến được tình nguyện viên dẫn về đến tận nhà. Theo tổng hợp của Thành đoàn Đà Nẵng, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 12.000 chỗ trọ giá rẻ và gần 1.500 chỗ trọ miễn phí cho thí sinh.

 

Ngoài việc giúp đỡ thí sinh, phụ huynh ổn định nơi ở ngay khi đến Đà Nẵng, Thành đoàn đã in 15.000 bản đồ hướng dẫn địa điểm thi để phát cho các thí sinh, giới thiệu các phương tiện đi lại giá rẻ, bố trí 6 quầy hỗ trợ vật dụng thi, gọi điện thoại và truy cập Internet, photo giấy tờ phục vụ thi miễn phí cho thí sinh - tất cả nhằm hỗ trợ đắc lực, hiệu quả cho thí sinh. (Minh San)

Lê Quang Minh