Luật trường: Xử sao cũng được!

Đuổi một học sinh ra khỏi trường cũng có nguy cơ tăng thêm một tội phạm cho xã hội. Vậy mà...

...không ít trường hiện nay vì ngại giáo dục, vì bệnh thành tích và cả sự hiểu biết chưa thấu đáo những qui phạm pháp luật, mà đã đẩy HS ra xã hội ở cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới...

 

Mỗi nơi một kiểu

 

Đầu tháng 10/2005 tại Sở GD-ĐT TPHCM, chúng tôi gặp một phụ huynh Trường THPT BC NTT đến khiếu nại vì những điều khoản kỷ luật vô lý mà trường áp dụng đối với con ông. Theo đơn khiếu nại của ông, trước đó vì đánh nhau với bạn trong trường, con ông cùng hai HS khác bị đình chỉ học tập ba ngày.

 

Vài ngày sau đó ông được GV chủ nhiệm mời lên và truyền đạt ý kiến xử lý của ban giám hiệu: "Làm đơn chấp nhận chuyển lớp cho con; cam kết không vi phạm nội qui, nếu vi phạm thì chuyển trường".

 

Nếu chỉ vậy thì không có gì đáng nói, ở đây ông còn bị buộc phải làm đơn "khống" xin chuyển trường cho con và ký tên sẵn, còn ngày tháng để trống (!). Chưa hết, phải chấp nhận "cuối năm học sẽ bị ở lại lớp nhưng được đề nghị xét cho rèn luyện hè, nếu tốt sẽ cho lên lớp".

 

Không chấp nhận các điều kiện trên, án kỷ luật của con ông vẫn bị treo lơ lửng và cho tới thời điểm ấy, gần một tuần con ông vẫn chưa được đi học lại. Ông đã tỏ ra hết sức bức xúc: "Với đơn để sẵn như vậy xem như tôi có thể phải chuyển trường cho con bất cứ lúc nào trường yêu cầu. Nếu con tôi học giỏi, điểm cuối năm cao thì cơ sở nào bắt con tôi ở lại lớp?".

 

Rất may do ông đã đi khiếu nại kịp thời nên ngay sau đó qua sự can thiệp của phòng trung học Sở GD-ĐT, con ông đã được trở lại trường mà không phải thực hiện những yêu cầu vô lý kia.

 

Nhưng chuyện xử lý theo "luật trường" như trường hợp trên không phải là hiếm. Có những bản nội qui buộc HS phải rập một khuôn cứng nhắc mà cứ mỗi hành động ra ngoài khuôn khổ qui định đều bị phạt, bị dọa hạ hạnh kiểm khiến HS không khỏi mang tâm lý ức chế căng thẳng. Nhiều người trong ngành vẫn còn nhớ tới vụ xử lý kỷ luật HS “nổi đình nổi đám” trong năm 2004 ở Trường THPT TB.

 

Nhờ bốn PHHS trong số đó bức xúc kiện lên Sở GD-ĐT TPHCM, thanh tra sở bắt tay vào kiểm tra mới phát hiện ông hiệu trưởng trường này đã tự ban hành và qui định các mức kỷ luật HS quá khắt khe và cao hơn các hình thức kỷ luật do Bộ GD-ĐT qui định. Từ hình thức kỷ luật này, 39 HS đã bị xếp loại hạnh kiểm yếu và không đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp.

 

Sau hai lần xem xét lại các vi phạm của HS theo yêu cầu của thanh tra sở, cuối cùng có đến 35 trường hợp đã được thay đổi mức kỷ luật và đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp.

 

Việc áp dụng những hình thức kỷ luật khắt khe như trên, theo nhiều cán bộ quản lý ngành, không ngoài ý đồ muốn loại bớt những HS chưa ngoan cũng như để đảm bảo được tỉ lệ tốt nghiệp cao.

 

Không lâu trước đây, ở một quận nội thành TP.HCM cũng diễn ra một vụ kiện ầm ĩ do PHHS không đồng ý với quyết định kỷ luật của nhà trường đối với con mình. Chuyện xảy ra ở một trường THCS, hai HS nam nữ quan hệ khá thân mật và thường xuyên thư từ qua lại, bạn bè, gia đình đều biết. Một lần, cả nhóm HS nam nữ của lớp này rủ nhau lên sân thượng của trường chơi.

 

Anh chàng nọ thuận tay quàng vai cô bạn gái. Bất ngờ cô gái hoảng hốt la lên... Sự việc được đưa ra hội đồng kỷ luật và nam sinh kia bị cảnh cáo trước toàn trường (có ghi học bạ) với tội danh “có hành vi không đúng mực với phái nữ”. PHHS không đồng tình.

 

Sự việc được đưa ra xem xét lại theo luật, hóa ra trong TT 08 của Bộ GD-ĐT (ban hành năm 1988) không có tội danh trên. Sự việc cuối cùng được giải quyết hợp tình hợp lý hơn với “bản án” được giảm xuống còn “phê bình trước lớp”.

 

Theo tiến sĩ Đinh Phương Duy, phó chủ tịch Hội Tâm lý TPHCM, mục tiêu cuối cùng của việc kỷ luật HS là giáo dục chứ không phải trừng phạt. Vì vậy không nên lạm dụng, không nên xem đó là cách xử lý đơn giản để thực hiện một cách vô cảm mà phải tính tới từng cá nhân HS: việc thi hành kỷ luật đó sẽ đưa HS đến đâu, hệ quả thế nào.

 

Sau khi xử lý kỷ luật HS, thầy cô giám thị cũng cần có sự động viên HS, PH bằng tình cảm để HS có thể nhận ra khuyết điểm của mình, PH hiểu vấn đề và cùng hợp tác với nhà trường giáo dục con em. Bên cạnh đó, tâm huyết và tấm gương của người thầy luôn là sự cảm hóa tốt nhất đối với những HS chưa ngoan.

 

Luật cũng không rõ ràng

 

Theo điều lệ trường trung học (ban hành năm 2000), HS vi phạm khuyết điểm được khuyên răn và trách phạt theo bốn hình thức: phê bình trước lớp, trường; khiển trách có thông báo với gia đình; cảnh cáo ghi học bạ và buộc thôi học có thời hạn...

 

Trong đó mức độ phê bình trước lớp, trước trường thuộc phạm vi của GV chủ nhiệm, chưa phải mời PHHS hoặc thông báo gia đình. Nhưng thực tế nhiều GV chủ nhiệm sẵn sàng đẩy trách nhiệm về phía gia đình, bất cứ vi phạm nào của HS cũng mời PH vào. Thậm chí rất nhiều GV chủ nhiệm còn "vô tư" thông báo sai phạm của HS ngay tại cuộc họp hội PHHS lớp khiến nhiều PH có con bị nêu tên không khỏi ngượng ngùng.

 

Một sai sót khác cũng khá phổ biến của ban giám hiệu, GV chủ nhiệm là thực hiện không đúng qui trình kỷ luật HS. Quyết định kỷ luật phải được biểu quyết bằng bỏ phiếu kín nhưng để đơn giản nhiều nơi vẫn quyết theo kiểu... giơ tay, mà giơ tay thì... đố ai dám trái ý hiệu trưởng (!).

 

Tuy nhiên lỗi không chỉ do người thi hành mà do cả những văn bản của Bộ GD-ĐT. Thông tư 08 được đưa vào nhiều khái niệm không rõ ràng, khái niệm mang tính hình sự, những tội danh, hành vi vi phạm pháp luật vào nhà trường khiến những người chấp pháp không hiểu hết, lúng túng khi giải quyết dẫn đến hình sự hóa các lỗi vi phạm của HS.

 

Trong một lần tập huấn về chủ đề này, một thanh tra viên Sở GD-ĐT TPHCM đã kể: “Hai HS một trường ở Hóc Môn đánh nhau, một em thấy yếu thế bèn rút dây thắt lưng đánh vào bạn, chẳng may ổ khóa của dây thắt lưng đập vào đầu gây thương tích cho HS kia”.

 

Do có đổ máu, hiệu trưởng chiếu theo TT 08 qui HS vào tội... “đánh nhau có hung khí”, mà tội này rơi vào khung hình phạt cao nhất: bị đuổi học một năm”. Ông phân tích: “Cây bút chì cũng có thể gây thương tích cho HS khi đánh nhau nhưng không thể nói bút chì là hung khí (!)”.

 

Cũng theo thông tư này, “HS có thái độ kém văn hóa hoặc hành vi thiếu đạo đức đối với GV” bị xử lý mức khiển trách trước lớp. Trong khi đó, nếu “HS có lời nói và hành động vô lễ với thầy cô giáo...” sẽ bị cảnh cáo trước toàn trường. Sự nhập nhằng giữa hai khái niệm này với hai mức độ xử lý khác nhau khiến HS có thể bị cấm thi tốt nghiệp do cảm tính của người thầy bởi hình thức cảnh cáo sẽ được ghi vào học bạ cũng đồng nghĩa với hạ bậc hạnh kiểm và hạ xuống đến yếu là... khỏi thi.

 

Những lỗi này lại rất thường rơi vào HS, mà đôi khi chỉ là do cách ứng xử thiếu cân nhắc, lỡ lời... Đây cũng là lỗi vi phạm mà những trường muốn loại HS yếu tận dụng.

 

 

Theo Kim Liên

Tuổi Trẻ