Lương đứng yên, làm sao để giáo viên có động lực đổi mới?

Hơn 30 năm làm công tác dạy học và quản lý tại một ngôi trường thuộc vùng sâu của tỉnh Đồng Nai, nhà giáo Lê Đức Dũng được vinh danh trong số 64 thầy cô tiêu biểu về sáng tạo và đổi mới.

Học sinh của nền giáo dục kiểu mới phải biết hợp tác, biết điều phối công việc, phát huy sức mạnh cá nhân trong tập thể
Học sinh của nền giáo dục kiểu mới phải biết hợp tác, biết điều phối công việc, phát huy sức mạnh cá nhân trong tập thể

Điều đáng ghi nhận ở nhà giáo Lê Đức Dũng chính là khả năng truyền cảm hứng, năng lượng của nhà quản lý cho tập thể, đội ngũ giáo viên cùng đổi mới trong hoàn cảnh, điều kiện dạy học còn hết sức khó khăn, đồng lương ít ỏi. Ông khẳng định, không thể bắt giáo viên đổi mới bằng mệnh lệnh, con dấu bởi như vậy sẽ chỉ nhận về những hình thức, đối phó thay vì đổi mới thực chất, hiệu quả cho học sinh.

Không có thầy tốt, sách hay cũng vô nghĩa

Nhìn nhận về công cuộc đổi mới giáo dục, nhà giáo Lê Đức Dũng - Hiệu trưởng trường Tiểu học Xuân Đường (Đồng Nai) cho rằng, điều quan trọng nhất chính là người thầy. “Nếu không có người thầy tốt, mọi cuốn sách hay đều trở nên vô nghĩa. Người thầy sẽ biến một cuốn sách bình thường thành cuốn sách tốt và ngược lại. Do đó, cuộc đổi mới giáo dục nếu không bắt đầu từ người thầy thì coi như thất bại” - thầy Dũng khẳng định.

Theo thầy Dũng, để có những người thầy tốt phát huy được tất cả sự sáng tạo, trách nhiệm thuộc về hiệu trưởng, những người quản lý giáo dục. “Giáo viên cần phải đổi mới liên tục, tìm tòi liên tục trong khi lương không tăng, điều kiện làm việc không có gì thay đổi. Nói giáo viên đổi mới là cực kỳ khó. Nếu chỉ đưa ra những mệnh lệnh và con dấu vô tình thì giáo viên sẽ có cách đối phó của họ. Nói làm sao để người ta tin, nghe, cùng làm mới là việc khó” - thầy Dũng chia sẻ.

“Để có những người thầy tốt phát huy được tất cả sự sáng tạo, trách nhiệm thuộc về hiệu trưởng, những người quản lý giáo dục”. - Nhà giáo Lê Đức Dũng - Hiệu trưởng trường Tiểu học Xuân Đường (Đồng Nai)

“Có lần, tôi nhận được một bức thư, mở đầu bằng câu “con chào cha”. Bức thư này được viết từ một giáo viên trẻ nhưng thường gây khó chịu cho tập thể. Tuy nhiên, giáo viên này đã có sự thay đổi sau một thời gian làm việc ở trường. Cô ấy mềm mại hơn, bớt gai góc, không gây áp lực, đối chọi với đồng nghiệp. Cô ấy viết cho tôi: “Cả cuộc đời con chỉ biết giành giật từ người khác bởi chưa có ai tự nhiên cho con một cái gì. Nhưng lần đầu tiên, thầy gọi con lại và chìa cho con chiếc kẹo… Rồi những lời khuyên, cách làm việc của thầy đã giúp con thấy được mình phải thay đổi”. Bức thư của cô giáo khiến tôi thấy những việc làm một cách kiên trì, không phô trương rồi sẽ có kết quả. Điều khiến giáo viên ở trường Xuân Đường có động lực đổi mới chính là lựa chọn phương pháp giảng dạy mới với sự động viên, chia sẻ của tập thể thay vì gây áp lực, bệnh thành tích”, thầy Dũng nhớ lại.

Theo người thầy có hơn 30 năm kinh nghiệm, điều quan trọng là người đứng đầu cần phải làm cho giáo viên tin mình, nghe mình, ấy mới là cái khó. Nếu không có sự đồng thuận trong nhà trường sẽ chẳng thể làm được điều gì tốt đẹp. Hoạt động cần thiết nhất của người quản lý là phải làm sao để mỗi tiết dạy, giáo viên thấy thoải mái, học trò thấy thoải mái.

Nhà giáo Lê Đức Dũng.
Nhà giáo Lê Đức Dũng.

Kỹ năng tự học là quan trọng nhất

Thầy Lê Đức Dũng cho biết, bản thân thầy và nhà trường nhận được biểu dương không phải vì có thành tích nổi trội so với những trường khác trong tỉnh. “Chúng tôi được đánh giá cao vì trong những điều kiện khó khăn nhất định vẫn lấy được những điểm tích cực của mô hình trường học mới để phát huy hiệu quả trong giảng dạy học sinh và tạo được sự đồng thuận với các bậc phụ huynh” - thầy Dũng cho biết.

Xuân Đường là một xã vùng sâu thuộc huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Dân cư phần lớn là những người di dân theo diện kinh tế mới đến khai phá rừng làm rẫy, làm công nhân cao su, thu nhập chỉ ở mức độ thoát nghèo. Để đổi mới giáo dục là điều không dễ thuyết phục và triển khai.

“Tôi đã tham dự nhiều giờ dạy, chia sẻ trăn trở của thầy cô để làm sao bảo đảm thời lượng, bảo đảm chuẩn kiến thức, kỹ năng và cho mỗi học sinh được làm, được phát biểu, được hỏi nhiều nhất trong từng hoạt động học. Tôi cho rằng giá trị cốt lõi của mô hình trường học mới mà chúng tôi đang áp dụng là hình thành, phát triển kỹ năng tự học như một kho tàng mà những thầy cô giáo chúng ta có thể nghiên cứu và khai thác” - thầy Dũng nói.

Cho rằng thế hệ học sinh tương lai sẽ giỏi hơn vì có điều kiện trang bị nhiều kiến thức nhưng thầy Lê Đức Dũng lại băn khoăn về việc học sinh đang có xu hướng ích kỷ hơn, thiếu các kỹ năng sống, khả năng hòa nhập, không yêu lao động…

“Đây là một trong những điều đáng lo nhất. Tôi cho rằng học giỏi là tốt nhưng quan trọng hơn là các em học xong phải biết hòa nhập cộng đồng, biết hợp tác, biết điều phối công việc, phát huy sức mạnh cá nhân trong tập thể. Thiếu những kỹ năng đó, học sinh không thể thành công. Điều này hoàn toàn có thể khắc phục được nếu giáo viên được định hướng theo phương pháp của trường học mới. Giáo viên từ vai trò người giảng dạy chuyển sang là người định hướng, điều phối” - thầy Lê Đức Dũng khẳng định.

Theo Vinh Hương

An Ninh Thủ Đô