Luyện thi cấp tốc, tiền “bốc” rất nhanh

(Dân trí) - Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa kết thúc cũng là lúc các lò luyện thi tại TP Vinh (Nghệ An) “nóng” lên từng ngày. Lớp học chật ních, phòng trọ, cơm bụi hét giá nhưng sĩ tử vẫn phải méo mặt rút ví cho cuộc đua nước rút vào ĐH.

Luyện thi cấp tốc, tiền “bốc” rất nhanh   - 1
Sĩ tử đứng chờ trước một lò luyện thi ở TP Vinh
 
Những ngày này, các lò luyện thi xung quanh Đại học Vinh đông nghịt người ghi danh. Không chỉ riêng học trò Nghệ An mà nhiều sĩ tử trong khu vực Bắc Trung Bộ cũng tay xách nách mang đổ về tìm lò.
 
Tại lò luyện thi Lê Quốc Hán - vốn nổi tiếng từ lâu vì có các giảng viên, giáo sư tham gia giảng dạy - nên người học rất đông. Một nhân viên của lò này cho biết, so với năm trước, năm nay số lượng thí sinh đổ về đông hơn hẳn. Mỗi ca, có 200-250 thí sinh tham gia học, lò hoạt động hết công suất từ 6h sáng đến 21h đêm.

Giá của mỗi ca học là 12.000 đồng (2 tiếng), ôn thi dài hạn thì 10.000 đồng/ca. Bỏ ra số tiền không phải là ít, người học còn phải đấu vật với nóng bức, chật chội và thiếu ánh sáng. Nhưng đã luyện thi cấp tốc thì phải chấp nhận thôi, bởi đâu cũng thế, không học lại không yên tâm.

Nguyễn Thu Trang, đến từ huyện miền núi cao Kỳ Sơn (Nghệ An) nôn nao cho biết: Đây là lần đầu tiên em tiếp xúc với lịch ôn thi cấp tốc nên ban đầu cũng căng thẳng lắm. Sau 4 ca học, tối về em nằm xoài ra giường, chẳng buồn ăn. Dè xẻn lắm mỗi ngày Trang cũng tiêu tốn gần 80.000 đồng - số tiền này bằng tiền ăn của cả gia đình em hơn một tuần.
 
Ngoài học phí bị đôn lên, các dịch vụ ăn theo như­ phòng trọ, hàng ăn… cũng đội giá lên nhiều. Giá mỗi phòng trọ bé tin hin quanh các điểm luyện thi được hét 400 - 500.000 đồng/tháng. Cùng đó, giá cơm bình dân cũng bỗng dưng tăng thêm 2.000-3.000đồng/suất.
 
Luyện thi cấp tốc, tiền “bốc” rất nhanh   - 2
Sĩ tử đến sớm đứng chờ để kiếm được chỗ ngồi gần quạt, gần đèn. Nếu đi muộn, phải ngồi cuối lớp rất khó để nghe thầy giảng gì.
 
Bạn Kim Oanh đến từ huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) cho biết: “Ra đi ôn thi bố mẹ cho 2 triệu đồng, trong khi đó học phí (4 ca/ngày) mất hẳn gần 1 triệu đồng, cho nên em phải đi thuê nhà trọ cách điểm học hơn 6km, vì ở đó giá rẻ hơn. Những ngày qua, Vinh nắng nóng kinh khủng, phòng trọ thì nhỏ và thấp nên chúng em như bị thiêu đốt. Đêm, chúng em phải thức tận 12 giờ ới bắt đầu ngồi vào bàn học, nhiều hôm phải vào các công viên nơi có điện chiếu sáng tranh thủ học bài… bởi nóng không chịu nổi”. 
 
Năm nay, các trung tâm luyện thi ở TP Vinh vẫn sử dụng các chiêu thức quảng cáo như phát tờ rơi, treo biển quảng cáo tên tuổi các giảng viên, giáo sư uy tín nh­ư thầy S dạy Toán, thầy H dạy Lý, thầy L dạy Văn… Thế như­ng, nhiều thầy phải phân thân vì vừa giảng dạy cho sinh viên vừa lo “chạy sô” cho lớp luyện thi cấp tốc (có thầy một ngày chạy 2-3 ca ở các lò khác nhau) nên chất lượng bài giảng cũng rơi rụng phần nhiều.
 
Luyện thi cấp tốc, tiền “bốc” rất nhanh   - 3
Lịch học dày đặc một ngày tại lò luyện thi Lê Quốc Hán

Thêm vào đó, việc phải cố nhồi nhét bài học theo lịch cấp tốc nên thực sự lượng kiến thức các em tiếp thụ được chẳng đáng là bao. Bình thường, để ôn tập cho một môn học, lớp luyện thi dài hạn phải kéo dài 5 tháng với trên 80 buổi học, trong khi luyện thi cấp tốc chưa đầy 20 buổi. Ngoài ra, với lịch 4 ca/ngày thì thật khó mà đảm bảo các em nắm đ­ược đầy đủ kiến thức mà các thầy cô truyền dạy...

Dù biết không thể đặt hy vọng vào những lớp luyện thi chớp nhoáng, thế nh­ưng, vào thời điểm nước sôi lửa bỏng, nó vẫn là liệu pháp tinh thần giúp các sĩ tử và phụ huynh yên tâm hơn. Bác Lê Văn Cần, quê Tĩnh Gia (Thanh Hoá) đưa con vào Vinh học ôn tâm sự: “Ấp ủ từ lâu của cả nhà là mong con học hành thành đạt, nên người. Cái đích tôi ngắm là con thi đậu ĐH Vinh, nên giờ có phải vay mượn cũng cho con ôn thi cho yên tâm”.
 
Với tâm lý đó, rất nhiều sĩ tử vẫn đổ công sức, tiền bạc vào các lò cấp tốc để mong có một chân vào giảng đường ĐH mặc cho khuyến nghị của lãnh đạo ngành giáo dục là, đề thi nằm hoàn toàn trong chương trình, thí sinh tự ôn thi cẩn thận là có thể đạt điểm cao...
 
Nguyễn Duy - Đức Nam