Ký ức học đường

Mắc nợ

Có những điều xảy ra từ thuở học trò, bình thường như bao nhiêu điều khác, tưởng rằng những năm tháng bộn bề buồn vui, ngổn ngang sóng gió của cuộc đời sẽ làm ta lãng quên. Nhưng mà không! Có những điều không thể nào quên được. Nó cứ trăn trở trong ta suốt cả cuộc đời, như một món nợ thôi thúc ta phải trả, bắt ta luôn luôn phải tự kiểm tra lại mình trước bất cứ một thành công nào dù là thành công ấy nhỏ bé đi nữa.

Vâng! Cái điều ấy xảy ra với tôi đã lâu. Hồi tôi học lớp bảy trường Thẫm (trường PTCII Thư trì, Thái Bình), năm học 1961-1962.

 

Bọn tôi có mười thằng cùng khối cùng xã thường chơi với nhau: Triệu, Tiến, Trịnh, Giang, Sáng, Hứa, Nhu, Y, Bích, Tơn... Bao nhiêu năm rồi nhưng làm sao quên được thằng Triệu có mái tóc xoăn đẹp trai nhất nhì lớp và đôi gót chân thường hay nứt nẻ về mùa đông tháng giá, thằng Tiến dong dỏng cao và có nụ cười duyên, thằng Trịnh dáng người to khoẻ có giọng nói ồm ồm, thằng Giang gầy gò xanh lướt “cây báo tường” của lớp, thằng Sáng có dáng thi sĩ mà hiền khô, thằng Hứa đậm đà tình cảm, thằng Y láu táu mà tốt bụng, thằng Bích nhỏ người mà thông minh hóm hỉnh, thằng Tơn xương xương mà khoẻ  mà chững chạc không kém thằng Nhu. Riêng có thằng Nhu là ra dáng anh cả. Nhu là “cây toán” của lớp tôi.

 

Nhu giỏi toán có tiếng. Tất cả bọn chúng tôi hàng ngày, trước khi đến lớp, đứa nào cũng tranh thủ gặp thằng Nhu. Đứa nào chưa làm xong toán thì hỏi, có đứa chép luôn. Đứa nào làm song rồi thì đối chiếu. Nhiều phen gặp bài toán khó, cả lớp chịu bó tay. ấy thế mà Nhu vẫn tìm cách giải được.

 

Mười chúng tôi thường đi về bên nhau. Trường cấp hai Thẫm với những dãy dài lợp lá gồi bên dòng con sông xanh với những hàng vi lao vi vút... bên cạnh quốc lộ Mười thẳng tắp - đã chứng kiến những năm tháng tình bạn giữa chúng tôi. Và, còn một điều nữa gắn bó chúng tôi với nhau. Đó chính là “cây toán” Nguyễn Quang Nhu ngày ấy.

 

Riêng tôi. Tôi không bao giờ quên các bạn. Tôi không bao giờ quên Nhu. Bởi vì tôi còn có một lý do nữa. Đó cũnglà lý do tôi phải ghi nhớ suốt đời trong mọi công việc của mình.

 

Hôm ấy kiểm tra toán 60 phút. Đề ra gồm có một bài đại ba câu và một bài hình. Tôi ngồi cạnh Nhu.

 

Thầy giáo đọc đề xong. Cả lớp im phăng phắc. Sau độ năm phút in lặng là những tiếng lạo xạo của những ngòi bút cào trên giấy. Không một tiếng nói, không một tiếng ho. Không một bước chân đi lại. Nhưng chỉ sau đó mươi phút thì có những tiếng sột soạt và những tiếng lịch kịch trong ngăn bàn. Tôi biết thừa! (có nhiều cái bàn ngày hôm qua còn lành lạnh, ngày hôm sau đã thủng lỗ chỗ. Những lỗ thủng chỉ to bằng ngón tay và dài độ ba phân theo chiều ngang của bàn. Tôi biết đó là “màn ảnh nhỏ” của các “liền anh”, “liền chị” lười học). Còn tôi? Tôi không cần làm theo kiểu đó. Tôi nắn nót viết đầu bài kiểm tra. Tôi làm xong phần đại ra giấy nháp (được cái toán đại tôi cũng không đến nỗi dốt lắm). Trước khi viết vào giấy kiểm tra, tôi ngồi thẳng người lên, lấy tay che trán ra chiều suy nghĩ và liếc nhanh sang bài làm của Nhu. Tôi đã làm đúng như bài Nhu. Tôi mừng lắm. Tôi cẩn thận viết phần đại vào bài kiểm tra.

 

Đến phần hình, tôi đọc đi đọc lại ba lần vẫn không tài nào chứng minh được. Tôi lại ngồi thẳng lên lần nữa, lấy tay che trán ra chiều suy nghĩ, lần này thì lâu hơn. Nhưng không ai biết gì cả. thầy giáo đi đi lại lại, bắt được mấy cuộn “phim” đang “quay”. Nhưng làm sao mà thầy bắt được tôi? Cuốn phim tôi quay tế nhị lắm. chỉ có đặt ca me ra tại lớp lúc ấy mới bắt được. Nhưng thời bấy giờ làm gì có ca me ra?

 

Thế là bài kiểm tra của tôi đã được làm tương đối nhanh chóng, lại sạch đẹp, sáng sủa nữa. Chưa hết giờ, tôi cẩn thận đọc lại, sửa những dấu bằng, dấu chấm, dấu phảy. Gần hết giờ, tôi mới nộp bài.

 

Thế rồi, ngày trả bài kiểm tra đã đến. Trước khi trả bài, thầy giáo nói:

- Hôm nay, thầy rất mừng, là vì lớp ta đã có thêm một “cây toán” nữa. Đây kà niềm vui mới của lớp. Thầy đề nghị các em nhiệt liệt chào mừng.

 

Và thầy gọi tên tôi. Tôi đứng lên trước những tràng vỗ tay và đập bàn như sấm của cả lớp. Mặt tôi đỏ như gấc. Hai tai đỏ tía và dần dân ù đặc. Mắt tôi hoa lên như có nhiều đom đóm trước mặt. Thầy gọi tôi lên bảng chữa bài kiểm tra. Tôi lảo đảo bước lên. Trời mùa đông mà mồ hôi tôi vã ra như tắm. Viên phấn dài trong tay tôi cứ gãy nát mà tôi vẫn không viết được thành chữ số. Khó khăn lắm tôi mới làm xong được phần đại mà cũng chẳng xuất sắc gì. Đến phần hình thì tôi đứng gây ra như phỗng. Năm phút, tồi hình như mười phút, thầy sốt ruột quá, bảo tôi xuống.

 

Hàng trăm con mắt các bạn nam và nữ (nhất là các bạn nữ) đổ dồn vào tôi. Chắc là các bạn trách tôi ghê lắm. Tôi cần điểm mười trong tay (trong khi Nhu có chín). Tôi xấu hổ, đút ngay bài kiểm tra vào cặp, không cho bạn nào xem cả, mặc dù nhiều bạn đòi xem. Chắc chắn các bạn biết tỏng tong tôi là người thế nào rồi!

 

Vinh quang này phải thuộc về Nhu, một cây toán thực thụ. Còn tôi là một thằng hèn! Tôi là một cây toán “rởm”!

 

Bao nhiêu năm đã qua đi. Các bạn tôi giờ đây mỗi người một ngả. Có người là tiến sĩ, phó tiến sĩ, có người là giám đốc một công ty lớn, nhiều người đã đi chiến đấu và đã trở về, nhiều người đã về hưu, cũng có người còn đương phụ trách một ngành quan trọng của tỉnh. Chúng tôi ít có điều kiện gặp nhau và có lẽ hiếm có khi gặp nhau được đông đủ. Nhưng lúc nào chúng tôi cũng nhớ đến nhau, nghĩ tốt về nhau và tin nhau như những ngày nào.

 

Riêng có Nguyễn Quang Nhu thì chúng tôi không bao giờ được gặp lại nữa. Nhu đã chiến đấu dũng cảm và đã ngã xuống chiến trường Bình Trị Thiên trước ngày toàn thắng.

Thế là tôi đã mãi mãi mắc nợ với Nhu, bởi tôi không thể nào phấn đấu để trở thành một cây toán thực thụ. Chỉ còn biết kể lại chuyện này với các bạn trẻ, với con cháu. Mong sao các bạn trẻ ngày nay, mong sao các con các cháu sau này luôn luôn phấn đấu trở thành những “cây văn”, “cây toán”, “cây lý”, “cây hoá”, “cây văn nghệ”, những cây tùng, cây bách thực sự cho đất nước. Đừng bạn nào làm “cây toán rởm” như tôi nhé!

 

Kính tặng hương hồn LS Nguyễn Quang Nhu

 

Giáng My

Số 12, tổ 50, phường Quang Trung,

TX Thái Bình, tỉnh Thái Bình